Hiệu quả từ những mô hình nuôi trồng thủy sản ở huyện Tĩnh Gia
Những năm qua, huyện Tĩnh Gia đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.
Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Tĩnh Gia kiểm tra, hướng dẫn bà con nuôi hàu Thái Bình Dương tại cửa sông Bạng xã Xuân Lâm.
Được sự hỗ trợ của trung tâm khuyến nông tỉnh, trạm khuyến nông huyện đã triển khai mô hình nuôi hàu sữa Thái Bình Dương thương phẩm tại vùng cửa sông của hai xã Hải Bình và Xuân Lâm...; nuôi cá đối mục thương phẩm tại xã Trúc Lâm. Đây là những mô hình mới nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập và thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản của huyện phát triển bền vững.
Đến thăm mô hình nuôi hàu sữa Thái Bình Dương tại vùng sông Bạng của gia đình ông Nguyễn Bình, ở thôn 3, xã Xuân Lâm, chúng tôi được biết: Năm 2014, sau khi được trạm khuyến nông huyện tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, gia đình ông đã tận dụng vùng cửa sông Bạng để nuôi hàu theo phương pháp giàn bè và treo dây, với 4 bè ông thả 5 vạn con. Sau 6 tháng nuôi, lứa hàu đầu tiên gia đình thu hoạch được 4 tấn hàu thương phẩm, lợi nhuận đạt 70 triệu đồng. Ông Bình cho biết thêm, hàu sữa Thái Bình Dương là loài ăn lọc các sinh vật phù du và mùn hữu cơ nên không mất chi phí thức ăn, hàu phát triển nhanh và thị trường tiêu thụ hiện nay tương ổn định.
Tại vụng cửa sông Bạng, hộ ông Lê Văn Sáu ở thôn 2, hộ ông Nguyễn Văn Bảy ở thôn 3, xã Xuân Lâm cũng đầu tư nuôi hàu sữa Thái Bình Dương. Hiện mỗi hộ nuôi 3 bè và thả khoảng 1,5 vạn con, lợi nhuận hơn 50 triệu đồng/hộ.
Ngoài ra, Trạm Khuyến nông huyện Tĩnh Gia triển khai tại xã Trúc Lâm mô hình nuôi cá đối mục thương phẩm và được thực hiện từ tháng 3–2017, quy mô 3 ha với 3 hộ nuôi. Ông Lê Văn Huy, thôn Giảng Tiến, là một trong 3 hộ được triển khai mô hình nuôi cá đối mục, cho biết: Cá đối mục là loài dễ nuôi, tỷ lệ sống cao, ít dịch bệnh, thích hợp với điều kiện tự nhiên vùng triều của địa phương. Nếu so sánh với cá nuôi khác thì vốn đầu tư để nuôi cá đối mục thấp hơn, nhất là thức ăn, vì cá đối mục là loài ăn tạp, thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ, các loại tảo sợi, tảo lam và các loại phù du... Đồng thời, còn có thể bổ sung bằng thức ăn tinh, như: Cám gạo, ngô và thức ăn công nghiệp để bảo đảm chất lượng, độ đạm cung cấp thành phần dinh dưỡng đầy đủ cho cá phát triển. Sau 6 tháng nuôi, tháng 9–2017, cả 3 hộ nuôi đã cho kết quả khả quan, thu hoạch được hơn 6 tấn, bình quân mỗi hộ đạt khoảng 2 tấn/ha, cho lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng/hộ.
Ông Lê Hồng Kỳ, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tĩnh Gia, cho biết: Trước khi triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản, UBND huyện giao trạm khuyến nông khảo sát các xã có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khả năng hợp tác của các hộ tham gia để xây dựng phương án và triển khai thực hiện. Cùng với đó, các phòng, ban, đơn vị có liên quan của huyện cũng thường xuyên cử cán bộ chuyên môn trực tiếp theo dõi để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn các hộ dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi trồng thủy sản.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của các xã vùng ven biển, hàng năm huyện Tĩnh Gia đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các chương trình phát triển kinh tế biển. Trong nuôi trồng thủy sản, huyện đã và đang tập trung chỉ đạo lựa chọn con nuôi, hình thức nuôi phù hợp với điều kiện, đặc điểm ao, đầm, thời tiết, khí hậu, trình độ, kỹ thuật và nguồn vốn đầu tư và đã mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập của các hộ nuôi. Cơ cấu nuôi trồng thủy sản chuyển dịch theo hướng giảm diện tích nuôi quảng canh, tăng diện tích nuôi thâm canh; đa dạng hóa đối tượng nuôi gắn với xây dựng mô hình nuôi theo hướng an toàn và đa dạng sinh học.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ