Hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm
Thực tế hiện nay việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong nuôi tôm đã phát huy hiệu quả, song để nhân rộng vẫn còn hạn chế. Vấn đề cấp thiết đặt ra là nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng.
Thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao tại Bạc Liêu Ảnh: PTC
Khả quan
Trong những năm qua, việc chuyển giao các ứng dụng tiến bộ KHCN vào con tôm (một trong những đối tượng chủ lực của ngành thủy sản) được quan tâm và đạt những kết quả tích cực, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Điển hình, nhiều doanh nghiệp tôm đã được Bộ NN&PTNT cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản công nghiệp, chế phẩm vi sinh vật dùng trong nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm công nghiệp... Trong đó, nhiều doanh nghiệp ứng dụng KHCN trong nuôi tôm siêu thâm canh, mật độ thả trung bình 250 - 300 con/m2, năng suất khoảng 40 - 50 tấn/ha/vụ, sản xuất 2 vụ/năm, cho sản lượng vượt trội...
Dựa trên đặc điểm sinh học, sinh thái học của các đối tượng nuôi, một số mô hình nuôi ghép như: tôm nước lợ - rong biển, bào ngư - rong biển... hoặc nuôi kết hợp như: cá - lúa, tôm - lúa... được nghiên cứu và chuyển giao vào sản xuất. Các mô hình trình diễn về nuôi tôm bền vững theo hình thức nuôi luân canh và nuôi theo hướng VietGAP được triển khai quy mô nông hộ, lợi nhuận sau khi trừ chi phí 20 - 50 triệu đồng/hộ, cao hơn hẳn so trước kia. Nhờ triển khai các mô hình, việc ứng dụng KHCN của người dân đạt nhiều kết quả, nhận thức về KHCN được nâng cao, các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế được nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh đó, công nghệ điều khiển giới tính đã được áp dụng tại Việt Nam. Kỹ thuật sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực đang được sử dụng phổ biến ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS) đã được áp dụng tại một số cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, cá cảnh của một số công ty như: C.P. Việt Nam, Việt - Úc, Hải Thanh... cho kết quả tốt. Công nghệ Biofloc được ứng dụng rộng rãi ở các địa phương ven biển để nuôi tôm nước lợ; cho hiệu quả kinh tế cao và phòng chống được một số loại bệnh trên tôm nuôi, giảm ô nhiễm môi trường…
Như Tập đoàn Việt - Úc, trong tháng 5, đã khởi công xây dựng Dự án Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao với quy mô gần 200 ha, tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng tại huyện Đầm Hà, Quảng Ninh. Dự án Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao bao gồm: Khu nuôi tôm giống, nhà máy thức ăn, khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính và nhà máy chế biến xuất khẩu. Dự án có quy mô sản xuất 3 tỷ con tôm giống/năm và xây dựng khu nuôi tôm thương phẩm với năng suất khoảng 100 - 300 tấn/ha/năm, tương ứng 5.800 - 17.400 tấn/năm.
Khắc phục những khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được trên, hoạt động KHCN nhìn chung hiệu quả chưa cao, số lượng các sản phẩm liên quan đến khoa học ứng dụng cũng như các sản phẩm khoa học tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước được thương mại hóa còn ít, ứng dụng thực tiễn còn thấp... Mặt khác, các công trình khoa học được đầu tư nhiều vốn và thời gian nhưng khi vận dụng vào thực tế lại nhanh lỗi thời và hiệu quả không cao. Do vậy, trong ngắn hạn và dài hạn cần có đầu mối tập trung các ứng dụng tiến bộ KHCN để chuyển giao cho các địa phương và một số khó khăn về chính sách cũng như nguồn vốn để phát triển ứng dụng này trong lĩnh vực thủy sản.
Trong nuôi tôm, ngành đã chủ động nghiên cứu công nghệ sản xuất giống hầu hết các đối tượng như: tôm sú, TTCT, tôm càng xanh... Tuy nhiên, số lượng con cái trong dự án sản xuất tôm càng xanh đực giống vẫn còn cao; sản xuất TTCT vẫn trong quá trình nghiên cứu… Hay vấn đề về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguồn nước, thức ăn... cũng tác động không nhỏ đến hiệu quả nuôi trồng.
Trước những khó khăn trên, công tác nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong ngành thủy sản là điều cấp thiết. Trong đó, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là con giống; sau đó là công tác nghiên cứu về dịch bệnh - yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sự phát triển bền vững của ngành thủy sản trong đó có con tôm.
Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cho rằng, Sở NN&PTNT các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch chuyển giao, ứng dụng KHCN theo Quyết định 655/QĐ-BNN-TCCS; phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn thực hiện chính sách về KHCN tại địa phương để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Cùng đó, yêu cầu các địa phương cần xây dựng kế hoạch và xác định các đối tượng nuôi cũng như phương pháp nuôi cụ thể, tổ chức lại sản xuất và các chuỗi liên kết để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển kinh tế bền vững.
>> Vừa qua, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh Phú Thọ, Cần Thơ tổ chức Diễn đàn chuyển giao và ứng dụng KHCN thủy sản khu vực miền Bắc và miền Nam; Nhằm trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong cách tiếp cận, triển khai cơ chế chính sách, áp dụng tiến bộ KHCN thủy sản vào địa phương phù hợp với thực tế sản xuất. Đây cũng là dịp các đại biểu hiểu hơn về Quyết định số 655/QĐ-BNN-TCTS ngày 09/3/2017 của Bộ NN&PTNT về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển giao, ứng dụng KHCN phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2017 - 2020.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ