Mô hình kinh tế Hình Thành Chuỗi Liên Kết Kinh Doanh Lúa Gạo

Hình Thành Chuỗi Liên Kết Kinh Doanh Lúa Gạo

Ngày đăng 13/11/2014

Để đảm bảo lợi ích cho người nông dân, cạnh tranh xuất khẩu bền vững, ngành gạo Việt Nam phải tạo lập chuỗi liên kết từ sản xuất, tiêu thụ đến xuất khẩu.

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp (DN) tại hội nghị ký kết và triển khai chương trình hợp tác giữa Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) và Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà ĐBSCL (MHB) vào ngày 12-11, tại TP.HCM. Chương trình nhằm thúc đẩy, xây dựng liên kết giữa các thành phần trong chuỗi sản xuất, cung ứng và kinh doanh lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Sản lượng cao nhưng giá trị thu về thấp

Trong nhiều năm qua, sản xuất, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam liên tục tăng cao luôn đứng trong tốp ba nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Nghịch lý là sản lượng nhiều, xuất khẩu tăng từng năm nhưng đáng buồn là giá trị xuất khẩu gạo thu về lại thấp, chúng ta chủ yếu xuất khẩu gạo cấp thấp.

Ở nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu lại có khoảng cách khá xa so với mặt bằng giá gạo thế giới và trở thành nguồn cung cấp rẻ nhất. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn giá gạo cùng phẩm cấp của Ấn Ðộ, Thái Lan, Pakistan từ 50 USD đến 75 USD/tấn. Thậm chí có thời điểm cuối năm 2013, giá gạo 5% tấm của nước ta đã rơi xuống đáy, thấp nhất thế giới khi phải chào bán với giá 365 USD/tấn.

Việt Nam dù giữ vị trí cao về sản lượng gạo xuất khẩu hằng năm nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu lại không tương xứng. Còn người nông dân làm ra hạt gạo xuất khẩu nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh, lấy công làm lãi.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, nguyên nhân một trong những khó khăn chính trong việc kinh doanh lúa gạo là do nền sản xuất lúa gạo còn manh mún, mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết bền chặt giữa bốn nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, DN nên chưa tạo ra được các vùng lúa nguyên liệu “chuẩn” phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường.

Trong khi đó, phương thức xuất khẩu gạo của các DN trong nước cũng còn nhiều tồn tại vẫn qua nhiều tầng lớp trung gian. Hơn nữa nông dân nước ta thường thu hoạch xong phải bán ngay do cần tiền gấp để chi trả các chi phí sản xuất, lo chuẩn bị cho vụ sau, cũng như trang trải cuộc sống nên thường bị thương lái ép bán giá rẻ.

Đại diện Vinafood II cho biết nhiều năm qua Chính phủ cũng như chính quyền địa phương và DN đã có nhiều biện pháp để điều hòa cung cầu, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi hợp lý của người nông dân. Những biện pháp can thiệp trên đã góp phần to lớn vào công tác bình ổn thị trường lúa gạo trong thời gian qua, song đó vẫn chỉ là những biện pháp tình thế mang tính cấp bách. Nhiều giải pháp thường nảy sinh một số tiêu cực, hạn chế hiệu quả.

Theo Vinafood II, cần có sự thay đổi về chất lượng trong chuỗi sản xuất, cung ứng, kinh doanh lúa gạo, mà trọng tâm là tạo ra được mối liên kết, liên thông đảm bảo được lợi ích chính đáng của nông dân và các thành phần khác nhau trong quá trình từ sản xuất đến lưu thông, tiêu thụ lúa gạo.

Cần nhiều giải pháp liên kết

Hiện nay, phong trào hợp tác, liên kết ở nông thôn như hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm tăng năng suất sản xuất, tìm đầu ra cho hạt gạo đang hình thành một cách tự phát ở nhiều địa phương. Cụ thể như mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đang được triển khai ở các tỉnh ĐBSCL đã thu được những hiệu quả bước đầu. Những người nông dân trực tiếp sản xuất ra lúa gạo đang giành lại những nguồn lợi nhuận chính đáng, thu nhập ổn định mà họ đáng được hưởng trong chuỗi liên kết với các dịch vụ cung ứng, thu mua trong sản xuất.

Một chuyên gia về lúa gạo cho rằng các hộ kinh doanh gia đình, DN kinh doanh lương thực là những đơn vị trực tiếp ảnh hưởng đến nhịp độ thu mua lúa gạo của nông dân, xuất phát từ nhịp độ xuất khẩu gạo của các DN. Vì vậy, các đơn vị này cần phải được tổ chức lại thành các hội, nhóm để họ có một vị thế chính đáng trong các quan hệ mua bán thông qua những quy định, luật lệ về kinh doanh và cần được tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Theo vị chuyên gia này, các DN kinh doanh xuất khẩu lương thực cần tập trung vào việc tìm kiếm thị trường, đối tác xuất khẩu bên ngoài. Nếu việc xuất khẩu gặp khó khăn hay giá thành thấp sẽ không đủ điều kiện lưu thông dòng lúa gạo một cách trơn tru trong toàn bộ cơ cấu thị trường. Thông qua những hợp đồng kinh tế của các đơn vị thành viên Vinafood II với các thành phần khác trong chuỗi sản xuất, cung ứng sẽ tạo ra sự lưu thông cho thị trường, ổn định giá cả, chất lượng lúa gạo.

Vinafood II cùng với Ngân hàng MHB đã quyết định triển khai chương trình hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy xây dựng mối liên kết giữa các thành phần (nông dân, hộ gia đình, công ty TNHH, các công ty thành viên Vinafood II…) tham gia trong chuỗi sản xuất, cung ứng và kinh doanh lúa gạo khu vực ĐBSCL. Trọng tâm của sự liên kết này là bảo vệ lợi ích chính đáng và tạo điều kiện liên kết của nông dân và các thành phần khác nhau trong quá trình từ sản xuất, cung ứng dịch vụ đến lưu thông, tiêu thụ lúa.

Hơn 13.000 tỉ đồng ưu tiên cho nông nghiệp

Trong những năm qua, Ngân hàng MHB luôn là đơn vị thực hiện tích cực các chính sách hỗ trợ nông nghiệp và phát triển nông thôn tại các tỉnh. Hiện tại, dư nợ về cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại vùng ĐBSCL của Ngân hàng MHB chiếm 68% tổng dư nợ. Ngân hàng MHB cũng đang tích cực triển khai gói ưu đãi tín dụng 13.000 tỉ đồng ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng tại 13 tỉnh ĐBSCL.

Tham gia chương trình liên kết, người nông dân sản xuất lúa gạo trong khu vực sẽ được đảm bảo đầu ra ổn định và có lợi nhuận. Các hộ gia đình, công ty TNHH thu mua sẽ được đảm bảo tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (nếu có) một cách thuận tiện và an toàn. Song song đó, giá thành sản xuất của hạt gạo xuất khẩu sẽ được giảm do tiết kiệm được các chi phí trung gian, góp phần điều tiết giá thị trường lúa gạo theo chủ trương của Chính phủ.

Ông HUỲNH NAM DŨNG, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MHB

Nguồn bài viết: http://cafef.vn/hang-hoa-nguyen-lieu/hinh-thanh-chuoi-lien-ket-kinh-doanh-lua-gao-2014111308024625016ca39.chn


Có thể bạn quan tâm

gia-duong-the-gioi-co-the-bat-dau-dao-chieu-tang Giá Đường Thế Giới Có… den-nam-2020-huyen-duc-linh-phat-trien-300-ha-ca-cao Đến Năm 2020 Huyện Đức…