Tin thủy sản Hồ thủy lợi trên nóc nhà miền Tây

Hồ thủy lợi trên nóc nhà miền Tây

Tác giả Trọng Bình, ngày đăng 11/12/2015

Nguồn thủy lợi chiến lược

Từ khi núi Cấm được T.Ư và địa phương đầu tư phát triển du lịch, đời sống người dân nơi đây nhanh chóng đổi thay.

Tuy nhiên, thiếu thốn lớn vẫn còn duy trì là nguồn nước.

Cư dân núi Cấm vẫn bị thiếu nước trầm trọng vào mùa khô, kể cả nước sinh hoạt và nước tưới.

Hồ Thanh Long đang được tích nước đạt đỉnh xả tràn.

Ông Lữ Cẩm Khường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT An Giang cho biết: “Phát huy hiệu quả của những công trình thủy lợi vùng cao ở Bảy Núi (như công trình thủy lợi 3 Tháng 2, hồ Thủy Liêm…), Sở NNPTNT An Giang mạnh dạn đề xuất đầu tư xây dựng hồ chứa nước Thanh Long.

Hồ có nhiệm vụ dự trữ và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên núi Cấm cả trong mùa khô; phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy và tạo cảnh quan du lịch”.

Ông Khường cũng cho biết thêm, hiện nay công tác thử kỹ thuật và vận hành thử nghiệm hồ Thanh Long cũng đã đi vào giai đoạn cuối.

Đập ngăn nước dài trên 170m, cao 18m đảm bảo an toàn, chắc chắn, giúp hồ phát huy tốt việc tích nước.

Bà Hai Hương, một cư dân sinh sống trên núi Cấm phấn khởi bộc bạch: “Dân núi sống nhờ nguồn nước suối Thanh Long này nhưng mấy năm gần đây, vào mùa khô, con suối trở nên cạn kiệt.

20 công đất ở Cao Đài Tự (cạnh hồ Thanh Long) của tui có trồng tỉa được gì đâu.

Nước xài còn không có lấy gì mà tưới.

Có hồ chứa nước lớn như vậy dân ở đây mừng rơn”.

Động lực mới cho du lịch

   Với tổng vốn đầu tư trên 45 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ, hồ Thanh Long được xây dựng từ năm 2011 - 2014.

Lòng hồ có sức chứa theo thiết kế là 255.000m3 nước.

Tổng diện tích mặt hồ trên 11ha, nằm ở quãng giữa núi Cấm (độ cao hơn 400m so với mặt nước biển.

 Từ khi định hướng phát triển du lịch được mở ra cho núi Cấm, dân vùng núi này càng khát khao hơn về nguồn nước sinh hoạt.

“Thiếu nước thì làm sao phát triển du lịch.

Nước hiếm thì giá dịch vụ cũng cao theo.

Một cái bánh xèo này phải bán đắt gấp đôi ở dưới đồng bằng, cũng tại vì nước thiếu và mắc mỏ” – chị Út Nhiên, một người bán bánh xèo trên đường lên núi ở ấp Thiên Tế trải lòng.

Ông Tô Hoài Phong - Phó Trưởng ban quản lý dự án, Sở NNPTNT tỉnh An Giang nhận xét: “Về mặt mỹ quan, hồ Thanh Long còn góp phần tôn lên nét đẹp trầm mặc mà uy nghi của con suối Thanh Long hiền hòa nép mình ven triền núi, vì vậy đây sẽ là điểm đến thu hút du khách”.

“Vào mùa khô, con suối Thanh Long mà vẫn còn nước róc rách, du khách hành hương chắc chắn sẽ đông hơn.

Người mua bán trên đường ven suối này sẽ mần ăn được hơn” – anh Lý Thành Chinh, cư dân núi Cấm phấn khởi.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng thủy lợi 2 (Bộ NNPTNT)  cho biết thêm: “Từ hồ Thanh Long này có thể thiết kế thêm một số hồ điều hòa nhỏ và trạm bơm vượt cấp để hình thành những thác nhân tạo từ dòng suối; từ đó điều hòa lưu lượng dòng chảy suối, tăng thêm tính năng cấp nước và phục vụ du lịch”. 


Có thể bạn quan tâm

nghe-san-bat-ghe-cua-ngu-dan-vung-bien-bai-ngang Nghề săn bắt ghẹ của… ca-cam-soc-doi-tuong-nuoi-moi-day-tiem-nang Cá cam sọc - đối…