Cây tiêu Hồ tiêu sạch đất, bụi bẩn nhờ cát

Hồ tiêu sạch đất, bụi bẩn nhờ cát

Tác giả An Huy, ngày đăng 12/08/2019

Hồ tiêu sau khi phơi khô sẽ được trộn lẫn với cát trong máy chuyên dụng, giúp loại bỏ đất và bụi còn sót lại.

Tiêu sọ phơi khô. Ảnh: Bizmedia.

Đây là cách làm độc đáo của bà con trồng tiêu huyện Đăk Song, Đăk Nông, giúp sản phẩm sạch sẽ không cần hóa chất. 

Sau khi phơi khô, người dân trộn cát lẫn tiêu và cho vào máy quay chuyên dụng để làm sạch lớp vỏ ngoài. Sau đó, hỗn hợp tiêu - cát sẽ được chuyển lên hệ thống máy lọc tự động, tách riêng tiêu khỏi cát sau đó rửa sạch và phơi khô lần nữa. Nước rửa đều được kiểm định đủ điều kiện, sạch và có thể uống trực tiếp.

Trải qua hai công đoạn rửa và phơi cầu kỳ, sản phẩm cuối cùng là loại sạch, không thuốc trừ sâu hóa học hay phân bón hóa học, an toàn đối với người sử dụng.

Hiện, toàn huyện Đăk Song có khoảng 27.500ha tiêu trồng theo quy trình sạch, cho sản lượng khoảng 34.400 tấn mỗi năm. Để làm ra những hạt tiêu đạt chuẩn, người trồng phải tuân thủ quy định khắt khe từ khâu xuống giống đến thu hoạch, làm sạch và đóng gói. 

Theo bà con trồng tiêu, chất đất đỏ bazan, nguồn nước tưới lại dồi dào, điều kiện tự nhiên phù hợp giúp cây phát triển nhanh, cho chất lượng tốt. Tuy nhiên, để tập trung phát triển loại nông sản tiêu theo hướng bền vững, các hộ trong vùng đã thực hiện quy trình canh tác theo hướng an toàn sinh học, vừa tạo ra sản phẩm hồ tiêu sạch, chất lượng, năng suất đều, vừa giúp bảo vệ đất trồng và môi trường.

Những gốc hồ tiêu được chăm bón chỉ bằng nguồn phân ủ hữu cơ. Ảnh: Bizmedia.

Trước khâu xuống hom trồng tiêu giống, bà con phải xử lý nấm và diệt vi khuẩn, tạo ra hố đất sạch. Khâu bón phân và chăm sóc cũng được chú trọng.

Phân bón cho cây là phân trùn quế có nguồn phân hữu cơ. Người dân lấy phân bò để nuôi giun và nhờ chúng chuyển hóa thành loại phân giàu dinh dưỡng, cung cấp dưỡng chất dồi dào cho hồ tiêu, giúp đất tơi xốp, mềm, tăng cường khả năng giữ ẩm.

Để đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh, nước tưới được duy trì thường xuyên. Cùng với đó, khâu phòng trừ và xử lý sâu, dịch bệnh hại tiêu cũng tiến hành thường xuyên.

Kiến được nuôi trên cây tiêu là thiên địch hạn chế sâu bệnh hại trên cây. Ảnh: Bizmedia.

Tại các vườn hồ tiêu rộng lớn, thay vì sử dụng các chế phẩm hóa học, các nhà vườn sử dụng các loài thiên địch như kiến vàng để diệt sâu, diệt rầy hại cây. Phương pháp này giúp hạn chế lượng lớn thuốc trừ sâu hóa học phun xịt lên cây tiêu và vùng trồng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường đất trồng và nước tưới, đồng thời còn giúp giảm chi phí trong canh tác.

Nhờ những yêu cầu khắt khe này, hạt tiêu Đăk Nông được đánh giá cao và người dân ưa chuộng. Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, các sản phẩm hồ tiêu của Đăk Song còn xuất khẩu sang các thị trường khó tính Mỹ, Nhật Bản.


Có thể bạn quan tâm

phuc-hoi-vuon-ho-tieu-sinh-truong-kem Phục hồi vườn hồ tiêu… bon-phan-hop-ly-cho-ho-tieu-trong-giai-doan-hien-nay Bón phân hợp lý cho…