Mô hình kinh tế Hỗ Trợ Mở Rộng Vụ Nuôi Tôm Thứ 2

Hỗ Trợ Mở Rộng Vụ Nuôi Tôm Thứ 2

Ngày đăng 26/08/2013

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT Hải Phòng, 7 tháng năm 2013, sản lượng thủy sản nuôi trồng trên địa bàn thành phố giảm 2.700 tấn so với cùng kỳ năm 2013. Diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn giảm mạnh. Đặc biệt, cơn bão số 2 cuối tháng 6 làm hơn 3200 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại lớn do bão đổ bộ đúng thời điểm triều cường.

Khó phục hồi sau thiệt hại bão “triều cường”

Anh Lê Thành Trung, chủ đầm nuôi trồng thủy sản ngoài đê thuộc xã Dương Quan (Thủy Nguyên) cho biết: “Bão số 2 vào thời điểm triều cường đã làm 52 ha đầm nuôi thủy sản của tôi bị sóng biển vào ngập tràn bờ. Thiệt hại của gia đình là rất lớn khi toàn bộ 5000 con cá vược, 2000 con cá trắm đen, 2,7 tấn cá rô phi tôi thả gần 2 năm nay, chuẩn bị thu hoạch, bị nước cuốn trôi”. Theo Phó chủ tịch UBND xã Dương Quan (Thủy Nguyên) Đặng Quang Đo, nước biển dâng và triều cường gây ngập cao tại 100 ha đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã. Sau thời điểm đó đến nay, các chủ đầm nuôi thủy sản của xã chưa thể phục hồi sản xuất trở lại.

Còn bà Võ Thị Hồng Phương, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT), cho biết cơn bão số 2 vào thời điểm triều cường làm 3272 ha đầm nuôi thủy sản bị ngập lụt. Tất cả quận, huyện có đầm nuôi trồng thủy sản đều bị thiệt hại nặng vì nước tràn bờ. Đây chính là nguyên nhân khiến sản lượng thủy sản nuôi trồng của thành phố trong 7 tháng qua giảm 2.700 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích nuôi thủy sản giảm mạnh

Ngoài thiệt hại do bão triều cường, sản lượng nuôi trồng thủy sản của toàn thành phố trong 7 tháng qua giảm do diện tích nuôi thủy sản thu hẹp. Nuôi thủy sản nước mặn khu vực Cát Bà giảm 30 bè nuôi và 1250 mảng nuôi do phải trả lại mặt nước cho vịnh Lan Hạ để bảo đảm cảnh quan, môi trường. 360 ha nuôi tôm công nghiệp bị ảnh hưởng bởi thay đổi quy hoạch, bỏ sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. Bị ảnh hưởng nhiều nhất là diện tích nuôi tôm công nghiệp tại khu vực Đình Vũ.

Theo ông Trần Đức Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần nuôi trồng thủy sản Thuận Thiện Phát, công ty có 50 ha nuôi tôm công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao tại Đình Vũ, năng suất tôm he chân trắng đạt hơn 30 tấn/ ha, cao nhất khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, hiện toàn bộ diện tích nuôi tôm công nghiệp của doanh nghiệp bị 6 dự án vào lấy đất.

Trong đó có các dự án lớn như đường Tân Vũ- Lạch Huyện, đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, dự án của Công ty Hapaco, dự án ga xe lửa của thành phố, dự án Hóa dầu, dự án đường nội bộ của thành phố, khu công nghiệp Đình Vũ mở rộng giai đoạn 2…Từ khi có thông báo vùng nuôi tôm công nghiệp vào quy hoạch, công ty sản xuất cầm chừng và hiện phải bỏ không phần lớn diện tích.

Diện tích nuôi tôm công nghiệp thuộc khu vực ngoài đê biển 1 thuộc Dương Kinh, Đồ Sơn cũng bị ảnh hưởng bởi quy hoạch, người dân nuôi cầm chừng dẫn đến giảm sản lượng. 150 ha nuôi ngao khu vực huyện Cát Hải bị ảnh hưởng của ô nhiễm và thủy triều đỏ nên gần như người dân không đầu tư nuôi.

Hỗ trợ mở rộng diện tích nuôi thủy sản vụ thứ 2 trong năm

Trước tình trạng diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản giảm, nuôi thủy sản đang gặp nhiều khó khăn, hiện ngành nông nghiệp- PTNT đang phối hợp với các địa phương triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ nông dân tại các vùng nuôi thủy sản.

Cùng với việc vận động người dân tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ vùng nuôi trong thời điểm mưa bão, Sở và các địa phương hướng dẫn người dân cải tạo đầm nuôi, nuôi gối vụ ngay sau thiệt hại của các đợt mưa bão, triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm.

Theo Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT), để bù lại năng suất, sản lượng cho nuôi trồng thủy sản từ nay đến cuối năm, Sở đang đề nghị thành phố tăng hỗ trợ, mở rộng diện tích nuôi tôm he chân trắng theo phương pháp phủ bạt trong vụ đông.

Qua thực tế nhiều năm, nuôi tôm he chân trắng vụ đông theo phương pháp phủ bạt giúp Hải Phòng có thêm vụ nuôi thủy sản thứ 2 trong năm. Việc tăng vụ nuôi thứ 2 tại Hải Phòng là một thành công lớn. Do nuôi tôm đòi hỏi phải trong điều kiện nhiệt độ cao, độ mặn ổn định, nên trên địa bàn chủ yếu chỉ duy trì được 1 vụ nuôi từ tháng 4 đến tháng 10.

Hai năm qua, Sở Nông nghiệp- PTNT mạnh dạn khuyến khích người dân nuôi đầu tư công nghệ, chỉ đạo sản xuất mùa vụ hợp lý để tranh thủ nuôi thêm vụ tôm thứ 2 trong năm. Nhờ liên kết công nghệ và điều chỉnh vụ nuôi hợp lý, nhiều hộ dân và doanh nghiệp đã nuôi thả tôm he chân trắng thêm vụ đông, thả từ tháng 7, tháng 8 đến tháng 12. Có hộ còn đầu tư công nghệ cao còn kéo dài vụ nuôi đến giáp Tết, chuẩn bị tạo sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán.

Ông Phạm Văn Đê, Chủ tịch UBND phường Hải Thành (quận Dương Kinh):

Năm 2001, thực hiện dự án phát triển nuôi trồng thủy sản của huyện Kiến Thụy, địa phương chuyển 80 ha diện tích cấy lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, một số dự án vào lấy đất để phát triển đô thị, thương mại, công nghiệp nên diện tích nuôi trồng thủy sản ở Hải Thành giảm xuống chỉ còn hơn 55 ha.

Trong đó, có 21 ha bỏ hoang không thể sản xuất, 34,6 ha nuôi thủy sản cầm chừng, một số diện tích nằm xen kẹt giữa các dự án không thể sản xuất. Khu vực này trước đây nằm trong quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp của thành phố, nhưng đến nay quy hoạch này bị phá vỡ. Chính quyền địa phương và người dân mong công tác quy hoạch phải rõ ràng, bền vững. Nếu khu vực này không phù hợp nuôi thủy sản, công nghiệp, thương mại thì thành phố cần thông báo rõ và sớm để người dân chủ động chuyển đổi sản xuất phù hợp.

Ông Đỗ Đức Trung, Phó trưởng Phòng NTTS, Sở Nông nghiệp- PTNT:

Quy hoạch vùng nuôi ổn định rất quan trọng đối với người nuôi thủy sản. Chỉ khi có quy hoạch ổn định, chính quyền địa phương mới quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng vùng nuôi đồng bộ, có hệ thống đường cấp nước và thoát nước riêng, hệ thống đường và bờ bao cho các đầm nuôi.

Hiện ở nhiều vùng nuôi bị hỏng quy hoạch vùng như vùng thủy sản ven đường Phạm Văn Đồng, phần lớn đường cấp và thoát nước phục vụ nuôi trồng thủy sản đang chung một hệ thống, nên dẫn đến việc một hộ bị dịch tôm thiếu ý thức tháo nước ra kênh chung là cả vùng bị lây nhiễm dịch bệnh, khiến tôm chết hàng loạt.

Ông Lê Minh Chuyên, tổ trưởng tổ NTTS số 3, phường Hải Thành, Dương Kinh :

Do bị thất bát liên tục nên người dân chúng tôi phải bỏ đầm thủy sản, xoay đủ nghề kiếm sống. Tôi đầu tư nuôi trồng thủy sản từ những ngày đầu chuyển diện tích năng suất thấp sang nuôi thủy sản . Nhưng từ năm 2005, tôi phải trả lại một phần đầm nuôi thủy sản cho dự án Our City.

Diện tích còn lại cũng khó sản xuất do môi trường vùng nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nước thải của khu công nghiệp, hệ thống thủy lợi bị chia cắt vì các dự án. Có thông tin khu vực dọc đê biển 1 này đều chuyển sang quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị nhưng chưa có cơ quan chức năng nào công bố cho các hộ dân và doanh nghiệp ở đây biết. Do vậy người dân rất lúng túng trong chuyển đổi sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

nguoi-dan-nuoi-trong-thuy-san-tren-dia-ban-huyen-cam-lam-gap-nhieu-kho-khan Người Dân Nuôi Trồng Thủy… long-an-giam-sat-hoat-dong-thuy-san Long An Giám Sát Hoạt…