Mô hình kinh tế Hỗ Trợ Vay Vốn Đóng Tàu Chỉ Tiêu Một, Đăng Ký Mười

Hỗ Trợ Vay Vốn Đóng Tàu Chỉ Tiêu Một, Đăng Ký Mười

Ngày đăng 31/10/2014

Căn cứ Nghị định 67, Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An đã xác định chỉ tiêu đóng mới, nâng cấp phương tiện phục vụ khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn.

Dù mới triển khai nhưng ngư dân đã hồ hởi đón nhận với gần 900 hồ sơ đăng ký, trong khi chỉ tiêu lại có hạn.

Tấm phao của ngư dân

Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ ban hành nhiều chính sách phát triển ngành nghề thủy sản. Trong đó, nổi bật nhất là chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu.

Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu có tổng công suất máy chính từ 400CV đến 800CV: chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 5%/năm. Trường hợp đóng mới có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên thì chủ tàu được vay 95%...

Trước đây, nhiều hộ không có điều kiện kinh tế để đóng mới phương tiện ra khơi nên đành phải liên hệ mua tàu cũ, rồi lại phải bỏ ra một khoản tiền nữa để sửa chữa máy móc, mua sắm thêm trang thiết bị, chưa kể chi phí bảo trì sau những chuyến đi dài ngày.

Trong khi đó, với những con tàu công suất lớn, mức độ an toàn chắc chắn được đảm bảo tốt hơn, hiệu quả kinh tế trong việc đánh bắt xa bờ cũng cao hơn, sản lượng thu về hứa hẹn gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với trước đó.

Với những lợi ích thiết thực kể trên, NĐ 67 thực sự là tấm phao cứu sinh của ngư dân.

Mang những thắc mắc nói trên tìm đến gặp ông Trần Hữu Tiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An thì được biết: Nghị định 67 là chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đóng mới tàu cá có công suất lớn nhằm khai thác hiệu quả vùng khơi chứ không phải chính sách an sinh xã hội theo kiểu hỗ trợ người nghèo vay vốn.

Trong trường hợp tương đồng về tiêu chí thì xét ưu tiên cho những hộ đánh bắt xa bờ, những hộ đóng tàu sắt, tàu công suất lớn.

“Nghề biển bấp bênh, hôm nay được, mai mất là chuyện bình thường, vì thế để tích cóp sắm sửa tàu mới là rất khó. Do đó, khi nhà nước có chủ trương hỗ trợ ngư dân thì ai nấy đều vui mừng, phấn khởi”, anh Hoàng Đức Thưởng (trú tại thôn Phong Thái, xã Tiến Thủy, Quỳnh Lưu) vừa đăng ký vay 6 tỷ đồng đóng tàu công suất 950CV chia sẻ.

Phải rà soát thật chặt

Ngay sau khi NĐ67 có hiệu lực, Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An đã giới hạn chỉ tiêu nâng cấp, đóng mới phương tiện. Theo đó, chỉ có 129 chiếc tàu được “xuất xưởng”, phân bổ cụ thể cho 5 huyện, thị xã có truyền thống đánh bắt trên địa bàn: thị xã Hoàng Mai (41 chiếc); huyện Quỳnh Lưu (52); Diễn Châu (11); Nghi Lộc (10) và thị xã Cửa Lò (16).

Một điều dễ nhận thấy là chỉ tiêu phân bổ quá ít so với nhu cầu của ngư dân, riêng tại thị xã Hoàng Mai có đến 284 người làm hồ sơ đăng ký; Quỳnh Lưu là 161 hồ sơ…

Đến ngày 17/10/2014 có tổng cộng 874 trường hợp đăng ký (872 tàu đóng mới, 2 tàu cải hoán). Con số chênh lệch quá lớn đã phản ánh thực trạng người dân thấy lợi thì cùng ồ ạt nạp hồ sơ trong khi chưa nắm rõ những nội dung mà Nghị định của Chính phủ hướng đến.

Lấy xã Diễn Bích (huyện Diễn Châu) làm ví dụ, địa phương này có trên 190 tàu thuyền tham gia đánh bắt thủy hải sản, đa phần có công suất máy dưới 90CV. Thế nhưng khi chính sách được ban hành thì có đến 183 hộ dân (trên 90%) đăng ký vay vốn đóng tàu mới.

Cần biết rằng, NĐ 67 chỉ đồng ý hỗ trợ phương tiện có công suất từ 400CV trở lên; đối tượng vay vốn phải là người hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể.

Chính vì thế việc ngư dân đang vận hành phương tiện công suất nhỏ, chưa được trang bị kinh nghiệm, kiến thức cần thiết nhưng vội vàng đăng ký vay vốn đóng tàu to, máy lớn chẳng khác nào một hình thức đánh bạc.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Vinh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Diễn Châu cho biết: “Diễn Châu hiện có 126 trường hợp đăng ký đóng tàu công suất trên 400CV, nếu đáp ứng hết thì nguồn vốn phải chi ra là rất lớn, con số này không phù hợp với thực tế. Chúng tôi sẽ thành lập tổ thẩm định, rà soát từng đối tượng rồi mới chốt danh sách”.

Thực tế thì rất nhiều ngư dân phải đi vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện vươn khơi, do đó việc việc rà soát, xét chọn cho chính xác là rất khó. Chưa kể trong trường hợp tất cả đều đáp ứng đủ tiêu chí đặt ra thì lúc đó sẽ xử lý thế nào? Đây chính là vấn đề mà các địa phương đang hết sức băn khoăn khi triển khai.


Có thể bạn quan tâm

ngay-su-dung-thuoc-bvtv-an-toan-hieu-qua Ngày Sử Dụng Thuốc BVTV… ca-com-thang-lon Cá Cơm Thắng Lớn