Tin nông nghiệp Hoa Lily khoe sắc ở vùng Bắc Hướng Hóa

Hoa Lily khoe sắc ở vùng Bắc Hướng Hóa

Tác giả Kô Kăn Sương, ngày đăng 14/01/2017

Vừa qua, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình trồng thử nghiệm hoa Lily thương phẩm tại Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) đóng gần đèo Sa Mù, xã Hướng Phùng. Hoa Lily được trồng trong nhà màng có diện tích 100 m2 và được cán bộ chuyên môn theo dõi, chăm sóc cẩn thận. 

Trong ảnh: Người dân xã Hướng Phùng tham quan mô hình trồng hoa LiLy thương phẩm tại Trung đoàn 52. Ảnh: Kô Kăn Sương

Anh Lê Mậu Bình, Phó Trạm trưởng Trạm nghiên cứu thực nghiệm phát triển nấm thuộc Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh, thành viên phụ trách mô hình nhiệt tình dẫn khách tham quan những chậu hoa Liy đang phát triển tươi tốt. Anh Bình cho biết: “Lily làcây chịu rét khá, chịu nóng kém, ưa khí hậu mát ẩm, nhiệt độ thích hợp ban ngày là 20-250C, ban đêm là 120C-150C. Đất ở Bắc Hướng Hóa là loại đất đỏ ba dan, có nhiều mùn và đất thịt nhẹ, bên cạnh đó nhờ chênh lệch biên độ giữa ngày và đêm khá lớn từ 8 - 10 độ nên thời tiết và thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp trồng hoa Lily. Đây là vụ thứ hai chúng tôi trồng thí điểm hoa Lily thương phẩm ở xã Hướng Phùng gồm ở hai điểm khác nhau: Trung đoàn 52, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 và Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (cách nhau gần 20 km). Qua 2 vụ trồng hoa Lily, chúng tôi nhận thấy rằng, vùng Bắc Hướng Hóa rất có triển vọng nhân rộng mô hình này. Hoa Lily sinh trưởng tốt, thân to, cây cứng, lá xanh hơn, màu sắc hoa tươi và độ lâu tàn hơn hẳn hoa Lily trồng ở các địa phương vùng đồng bằng. Hiện hoa đã ra nụ rất đều và sẽ nở đúng dịp Tết Nguyên Đán 2017”.

Xác định được một số giống hoa tương đối phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương, từ năm 2014 đến nay, một số hộ dân và đơn vị (Trung đoàn 52 - Đoàn KT-QP 337) trên địa bàn xã Hướng Phùng đã đầu tư trồng hoa Lily với diện tích khoảng 0,1ha (tương đương 15.000 củ giống). Tuy nhiên, với quy mô trồng nhỏ lẻ, chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc điều khiển quá trình sinh trưởng, phát triển nên hoa nở chưa đúng dịp như mong muốn. Với mục tiêu xây dựng mô hình trồng hoa Lily thương phẩm ứng dụng công nghệ cao nhằm hoàn thiện và làm chủ quy trình sản xuất hoa Lily thương phẩm; phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch hoa Lily, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới vùng Bắc Hướng Hóa, tháng 8/2016, Trung tâm ứng dụng KH&CN tỉnh phối hợp với Trung đoàn 52 và BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa triển khai thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình trồng hoa Lily thương phẩm tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị”. Theo đó, 3 đơn vị tiến hành khảo sát, đánh giácác điều kiện như: Địa điểm, cơ sởvật chất, đối tượng, điều kiện thực hiện; xây dựng kếhoạch triển khai, bố trí thời vụ, giống đảm bảo mục tiêu, nội dung, tiến độ đặt ra. Trong đó, Trung đoàn 52 phối hợp xây dựng mô hình trồng hoa Lily thương phẩm trên diện tích 200 m2; BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa phối hợp xây dựng mô hình hoa Lily thương phẩm trên diện tích 100 m2. Vụ thu đông thực hiện từ ngày 20/8- 20/11/2016, với số lượng 1.000 củ giống (600 củ giống Concador và 400 củ giống Sorrbone), thu hoạch hoa Lily vào dịp Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11). Vụ đông xuân thực hiện từ 22/10 - 22/1/2017 với số lượng 5.000 củ giống (3.000 củ giống Concador và 2.000 củ giống Sorrbone), dự kiến thu hoạch hoa vào dịp Tết Nguyên Đán 2017.

Quá trình thực hiện mô hình, Trung tâm ứng dụng KH&CN tỉnh đã cử 4 cán bộ đi đào tạo kỹ thuật trồng hoa Lily tại Lâm Đồng và đưa 6 kỹ thuật viên thường trực tại vùng Bắc Hướng Hóa làm nòng cốt xây dựng, phát triển mô hình. Đối với cán bộ phụ trách mô hình có trách nhiệm theo dõi, thu thập, xử lý số liệu trong quá trình áp dụng quy trình sản xuất, từ đó đánh giá hiệu quả kỹ thuật, kinh tế của mô hình, hoàn thiện và làm chủ quy trình trồng, chăm sóc, điều tiết quá trình sinh trưởng, phát triển hoa Lily thương phẩm phù hợp vùng Bắc Hướng Hóa. Các loại củ giống hoa Lily được nhập từ Hà Lan do Trung tâm ứng dụng KH&CN Lâm Đồng cung cấp và sử dụng quy trình trồng hoa Lily thương phẩm chất lượng cao của Trung tâm ứng dụng KH&CN Lâm Đồng. Bên cạnh đó, Trung tâm ứng dụng KH&CN tỉnh phối hợp với Trung đoàn 52 tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản hoa thương phẩm cho 50 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 52 và nông dân tại xã Hướng Phùng.

Ông Nguyễn Thủy, thôn Tân Pun, xã Hướng Phùng cho biết: “Trước đây, gia đình tôi đã từng trồng hoa Lily. Tuy nhiên, do còn hạn chế về kiến thức trồng hoa công nghệ cao nên phần lớn cây hoa Lily trong vườn nhà sinh trưởng kém, dẫn đến chất lượng sản phẩm hoa giảm, khó tiêu thụ. Tôi rất vui vì được cùng nhiều nông dân địa phương tham gia tập huấn tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa Lily thương phẩm do Trung tâm ứng dụng KH&CN tỉnh tổ chức. Qua tập huấn, tôi nắm được các kiến thức như: Đặc điểm thực vật học và điều kiện ngoại cảnh của hoa Lily; kỹ thuật nhân giống hoa Lily; các giống hoa Lily hiện nay; kỹ thuật trồng, chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch, bảo quản hoa Lily… Thời gian tới, nếu được hỗ trợ về giống hoa Lily và tiếp tục tham gia các lớp đào tạo kỹ thuật trồng loại hoa này, tôi sẽ đầu tư trồng hoa Lily thương phẩm để nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Được biết, khu vực Bắc Hướng Hóa đã được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt quy hoạch xây dựng thị trấn Hướng Phùng (theo Quyết định số 1220/QĐ- UBND, ngày 6/6/2016). Do vậy, đây là thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản lớn và là thị trường tiềm năng để trồng hoa Lily thương phẩm. Mặt khác, Hướng Phùng có hệ thống giao thông thuận tiện, cách trung tâm thị trấn Khe Sanh hơn 30 km, thị trấn Lao Bảo khoảng hơn 40 km, nên việc cung ứng sản phẩm, trong đó có hoa Lily cho thị trường khá dễ dàng. Vì thế, đề tài “Xây dựng mô hình trồng hoa Lily thương phẩm tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị” đã đưa ra hướng tiêu thụ sản phẩm sau khi hoa được trồng và phát triển trên diện rộng tại vùng Bắc Hướng Hóa như: tổ chức bán buôn, bán lẻ ngay tại vườn sản xuất; tổ chức mạng lưới lưu thông và tiêu thụ sản phẩm tại các cơ sở kinh doanh hoa trong tỉnh; tổ chức các gian hàng bán hoa xuân vào dịp Tết Nguyên đán.

Anh Lê Mậu Bình cho biết thêm: “Nếu người dân ở vùng Bắc Hướng Hóa đầu tư trồng hoa Lily thương phẩm sẽ có được nguồn thu khá cao. Bình quân mỗi chậu hoa Lily gồm có 5 cành, thời gian từ khi trồng cho đến thu hoạch là 3 tháng, người trồng đầu tư tổng chi phí khoảng 150 nghìn đồng, xuất bán ra thị trường khoảng từ 300 - 350 nghìn đồng/chậu; mỗi vụ đầu tư khoảng từ 500-100 chậu hoa Lily thì có lãi từ 7,5 triệu đồng - 15 triệu đồng (giá 300 nghìn đồng/chậu). Đây sẽ là nguồn thu nhập khá cao đối với người dân vùng khó. Bên cạnh đó, để ngành sản xuất hoa nói chung và hoa Lily nói riêng ở khu vực Bắc Hướng Hóa phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, người trồng cần phải nắm kỹ quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch phù hợp, lựa chọn những loại hoa có giá trị kinh tế cao, trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách hiệu quả, an toàn cho môi trường và sức khỏe con người.”


Có thể bạn quan tâm

bac-ninh-phat-trien-chan-nuoi-hang-hoa Bắc Ninh phát triển chăn… san-xuat-phan-lan-vi-sinh-tu-vo-ca-phe Sản xuất phân lân vi…