Mô hình kinh tế Hòa Mỹ (Cà Mau) - Nhiều Tỷ Phú Tôm Công Nghiệp

Hòa Mỹ (Cà Mau) - Nhiều Tỷ Phú Tôm Công Nghiệp

Ngày đăng 21/10/2011

Xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau là một trong những địa phương có nhiều hộ dân nuôi tôm công nghiệp phát triển rất hiệu quả. Hiện diện tích nuôi tôm công nghiệp của xã không ngừng được tăng lên, người dân đang có một sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tích cực đầu tư chuyển đổi sang nuôi tôm công nghiệp, hình thành nên các tổ hợp tác làm ăn sôi nổi.

Ông Nguyễn Văn Ý, thành viên Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp (THT) ấp Cái Bát, cho biết, từ khi chuyển sang nuôi tôm công nghiệp đến nay kinh tế gia đình ngày càng ổn định hơn. Đã hơn 7 năm nay ông chưa thất bại vụ nào. Nhà có 5 ao nuôi tôm tổng diện tích 2 ha, thu nhập mỗi năm 2 vụ, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận cũng trên 1 tỷ đồng.

Tỷ phú tôm công nghiệp

Năm nay ông Ý vừa mới lên tôm vụ đầu thu gần 1 tỷ đồng và đang chuẩn bị lên vụ 2. Ông phấn khởi cho biết: “Bà con ở ấp Cái Bát nuôi tôm công nghiệp rất hiệu quả. THT của ấp có hơn 20 thành viên đều ăn nên làm ra. Hiện có nhiều hộ thấy hiệu quả nên cũng chuẩn bị chuyển sang nuôi tôm công nghiệp”.

Những trường hợp như ông Nguyễn Văn Ý không phải là cá biệt tại xã Hòa Mỹ. Quy trình nuôi tôm công nghiệp ở đây rất bài bản do đã tham quan mô hình và kinh qua nhiều lớp tập huấn nên khi nói về kỹ thuật nuôi tôm, gần như ai cũng là một “chuyên gia thứ thiệt”.

Ông Trần Trung Tính, 54 tuổi, ấp Thị Tường, nuôi 4 ao, thu nhập mỗi năm cũng trên 1 tỷ đồng, nói: “Muốn nuôi tôm thì phải hiểu về con tôm. Qua chia sẻ kinh nghiệm, chúng tôi nắm rõ quy trình từ cải tạo ao đầm, cách chọn con giống, coi mặt nước, cho ăn cũng như cách trị bệnh cho tôm nên rất hiếm khi thất bại. Bà con nuôi tôm đều tham gia vào THT nên hỗ trợ nhau rất tốt”.

Hòa Mỹ hiện có 3 THT nuôi tôm công nghiệp gồm THT Cái Bát, THT Thống Nhất (ấp Thị Tường) và THT Lợi Đông. Mỗi THT trung bình trên 20 thành viên. Riêng THT Thống Nhất đang trong quá trình hoàn thành thủ tục chuyển thành hợp tác xã nuôi tôm công nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, cho hay, mặc dù không phải là xã chỉ đạo điểm của huyện Cái Nước về phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp nhưng xã Hòa Mỹ đang phát huy rất tốt mô hình này. Chỉ tiêu huyện giao năm 2011 xã có 35 ha nuôi tôm công nghiệp nhưng hiện nay đã có đến 44 ha nuôi, đạt 125% chỉ tiêu, chủ yếu tập trung ở 2 ấp là Thị Tường và Cái Bát.

Không những phát triển về diện tích mà hiệu quả kinh tế từ mô hình này cũng tăng theo hằng năm. Tính tới thời điểm này, mặc dù thu hoạch chưa đồng loạt nhưng chỉ tính riêng ở 24,4 ha thu hoạch vụ một đã thu được 109 tấn, với số tiền trên 23 tỷ đồng. Sản lượng bình quân 4,46 tấn/ha.

Việc thành lập các THT là một bước tiến lớn, người dân được tham gia làm ăn tập thể, có tính tổ chức cao và được hỗ trợ tốt hơn. Ông Phan Văn Hoàng, Tổ trưởng THT Thống Nhất, cho biết: “Khi tham gia vào THT, bà con có nhiều lợi ích thiết thực, được hỗ trợ lẫn nhau về kỹ thuật, xây dựng được quỹ tương trợ giúp nhau làm ăn thoát nghèo. Do có được một tổ chức cụ thể nên cũng dễ dàng nhận được những sự tài trợ, đầu tư của các ngân hàng, công ty, giải quyết được vấn đề vốn đầu tư cho bà con”.

Phát huy hiệu quả mô hình tổ hợp tác

Thực tế, vốn đầu tư ban đầu cho một ao nuôi tôm công nghiệp từ cải tạo ao đầm, đầu tư máy móc thiết bị, con giống… phải trên 50 triệu đồng/ao, không phải hộ dân nào cũng có khả năng đáp ứng được. Vấn đề này, ông Phan Văn Hoàng cho biết: “Vốn của THT hiện đã trên 70 triệu đồng. Do đó, khi tham gia vào THT, các thành viên được hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu. Ngoài ra, THT cũng liên hệ với các công ty thức ăn đầu tư bán thiếu cho người dân đến cuối vụ thu hoạch mới trả tiền, không tính lãi”.

Nhờ có được sự giúp đỡ nhiệt tình của các thành viên trong THT mà đến nay đã có nhiều hộ thoát được nghèo từ nuôi tôm công nghiệp. Điển hình như hộ ông Trần Chí Lời và ông Trần Trung Tín, ấp Thị Tường, trước khi nuôi tôm công nghiệp thuộc diện nghèo của xã nhưng đến nay đã vươn lên khá, giàu và tiếp tục làm ăn khấm khá, thu nhập bình quân hằng năm cũng trên 500 triệu đồng.

Ông Trần Trung Tín nói: “Ban đầu tôi chỉ nuôi một ao diện tích 500 m2, vụ đầu tiên thắng lợi nên tiếp tục đầu tư. Đến nay đã nuôi được 4 ao, 20.000 m2. Năm vừa rồi tôi thu nhập trên 1 tỷ đồng. Năm nay mới lên vụ đầu thu được trên 900 triệu đồng, trừ chi phí lợi nhuận gần 600 triệu đồng”.

Nói về kế hoạch phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp của xã trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã, cho biết, xã tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ quy hoạch diện tích nuôi tôm công nghiệp cũng như tiến hành quy hoạch chi tiết tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư nuôi tôm công nghiệp. Khuyến khích và phát huy hiệu quả của mô hình tổ hợp tác và các điều kiện về cơ sở hạ tầng và nhu cầu thiết yếu khác.

Tuy nhiên, cái khó nhất trong đầu tư và phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp của xã lại là vấn đề thiếu điện. Mặc dù các vùng nuôi tôm công nghiệp của xã đã có điện đi qua nhưng chỉ là trạm công suất nhỏ, không bảo đảm yêu cầu cho người nuôi tôm.

Ông Phan Văn Mỹ, ấp Thị Tường, bức xúc: “Do không có điện nên nhiều người phải chạy máy dầu để phục vụ chạy quạt nuôi tôm, chi phí gấp 3 lần sử dụng điện. Nhu cầu bức thiết nhất của bà con hiện nay là điện, chỉ cần có điện là người dân sẽ mạnh dạn đầu tư nuôi tôm công nghiệp nhiều hơn nữa”.

Đây cũng là bức xúc của các cấp chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Văn Đức nói: “Đã có nhiều đoàn đến khảo sát nhưng đến nay chưa triển khai xây dựng mạng lưới điện, nhất là ở các vùng nuôi tôm công nghiệp nhu cầu rất lớn. Vấn đề này xã chỉ biết đề nghị các ngành chức năng chứ không thể chủ động được. Hiện xã cũng đã đề xuất tỉnh triển khai trên địa bàn xã 5.000 m lưới điện 3 pha phục vụ nhu cầu nuôi tôm công nghiệp và đang chờ phê duyệt”


Có thể bạn quan tâm

than-uyen-lai-chau-thu-nghiem-thanh-cong-04-giong-lua-moi Than Uyên (Lai Châu) Thử… dong-thap-muoi-mua-nuoc-noi Đồng Tháp Mười Mùa Nước…