Mô hình kinh tế Hội Nghị Tổng Kết Công Tác Phòng, Chống Dịch Bệnh Gia Súc, Gia Cầm Và Thủy Sản Năm 2014

Hội Nghị Tổng Kết Công Tác Phòng, Chống Dịch Bệnh Gia Súc, Gia Cầm Và Thủy Sản Năm 2014

Ngày đăng 24/01/2015

Ngày 21/01/2015, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT (Cục Thú y) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2014.

Tham dự Hội nghị có các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT và đơn vị thuộc sở các tỉnh/thành phố phía Nam từ Đà Nẵng trở vào, các Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, III và các cơ quan báo đài. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám tới dự và chỉ đạo hội nghị.
Năm 2014 được đánh giá chung là năm thắng lợi toàn diện của ngành nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản trong đó với sự tăng trưởng cao kỷ lục khoảng 22% về sản lượng (cao nhất từ trước đến nay). Hội nghị đã tập trung tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trong năm 2014.
Điểm nổi bật trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong năm 2014, đối với bệnh cúm H5N1 mặc dù số ổ dịch và số gia cầm bị chết, phải tiêu hủy tăng gấp 3 lần năm 2013, tuy nhiên số gia cầm chết mắc bệnh, chết là rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0,017% so với tổng đàn gia cầm trong năm của cả nước.
Hiện nay, cả nước không có dịch cúm H5N6, số ổ dịch H5N1 đã qua 21 ngày và cả nước tiếp tục khống chế thành công dịch cúm gia cầm. Đối với bệnh lở mồm long móng trên gia súc, năm 2014 xảy ra trên diện hẹp, chủ yếu xảy ra trên trâu, bò. Số xã có ổ dịch lở mồm long móng và số gia súc mắc bệnh giảm gần 2 lần so với năm 2013, số gia súc bị bệnh phải tiêu hủy giảm gần 7 lần.
Theo báo cáo của Cục Thú y, năm 2014 cả nước có tổng số 59.579 ha diện tích nuôi tôm bị thiệt hại (gồm 28.017 ha nuôi theo phương thức quảng canh và quảng canh cải tiến; 31.562 ha nuôi theo phương thức thâm canh và bán thâm canh) do các nguyên nhân khác nhau (chiếm 8,75% diện tích nuôi tôm cả nước); bệnh trên tôm hùm xuất hiện tại rải rác tại 15.291 lồng, chủ yếu là bệnh sữa, đỏ thân, đen mang, long đầu, còi; bệnh trên cá tra xuất hiện ở 1.513 ha, chủ yếu là bệnh gan thận mủ, xuất huyết, phù đầu, ký sinh trùng, trắng gan trắng mang; tổng số có 1.096 ha diện tích nuôi ngao bị thiệt hại; và thiệt hại ở các loài thủy sản khác là 941ha.
Trong số các loài thủy sản, tôm nuôi nước lợ bị thiệt hại lớn nhất, diễn biến rất phức tạp và xảy ra trên diện rộng (chủ yếu bị bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp và do ô nhiễm môi trường); sau đó là trên cá tra, ngao và các đối tượng nuôi khác.
+ Bệnh đốm trắng xảy ra tại 259 xã, 73 huyện thuộc 23 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh là23.850 ha (chiếm 3,5% tổng diện tích thả nuôi của cả nước); trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh bị bệnh là 13.671 ha, diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa bị bệnh là 10.179 ha. Bệnh xảy ra trên cả tôm thẻ và tôm sú, tôm có độ tuổi từ 10 - 110 ngày sau thả.
Tôm sú là đối tượng nuôi bị thiệt hại lớn nhất với diện tích 14.660 ha, chiếm 61,48% tổng diện tích bị bệnh đốm trắng, còn lại là diện tích nuôi tôm thẻ bị bệnh (9.190 ha tương đương 38,53% tổng diện tích bị bệnh đốm trắng).
+ Bệnh hoại tử gan tụy cấp: Trong năm 2014, bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra tại 237 xã, 62 huyện thuộc 22 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh là 5.509 ha (chiếm 0,81% tổng diện tích thả nuôi của cả nước), trong đó tổng diện tích nuôi tôm theo hình thức thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại 5.067 ha; hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa 441 ha. Bệnh xảy ra trên cả tôm chân trắng và tôm sú có độ tuổi từ 10 – 103 ngày sau thả; diện tích thiệt hại chủ yếu trên tôm chân trắng (3,421 ha, chiếm 62% tổng diện tích bị bệnh hoại tử gan tụy cấp).
+ Các bệnh khác trên tôm nuôi cũng được phát hiện gồm Bệnh đầu vàng (GAV): có 162,84 ha tôm thẻ và tôm sú bị bệnh tại 5 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tp. Hồ Chí Minh, Kiên Giang và Bạc Liêu. Bệnh Hoại tử cơ (IMNV): 7 ha, Bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV): 1.208,29 ha tôm sú và tôm thẻ. Bệnh phân trắng: 656,79 ha tôm sú và tôm thẻ bị bệnh tại 7 tỉnh, trong đó nhiều nhất là Nghệ An (38,39 ha), Đồng Nai (55,8 ha) và Bạc Liêu (523 ha). Bệnh Đỏ thân: 10.625,9 ha tôm sú và tôm thẻ. Bệnh Đốm đen: khoảng 105,4 ha. Những thiệt hại do môi trường là 21.465,03ha, do thời tiết bất thường: 189,3 ha, chưa xác định được tác nhân hoặc không rõ tác nhân là 10.010 ha.
Hội nghị đã tập trung thảo luận về các bài học kinh nghiệm rút ra từ năm 2014 và những năm qua đối với công tác phòng, chống dịch bệnh là chuyển từ thụ động sang giám sát chủ động (chủ động thu mẫu, phân tích, lập bản đồ dịch tễ…), làm tốt công tác tiêm phòng và vệ sinh thú y.
Dịch bệnh xảy ra chủ yếu xảy ra ở những hộ nuôi nhỏ lẻ, do vậy việc phát hiện sớm, phát hiện từ cơ sở để khoanh vùng dập dịch kịp thời tại địa phương, đã hạn chế hiện tượng lây lan dịch bệnh; Việc hiểu rõ nguyên nhân và tác nhân gây bệnh, đồng thời có biện pháp đồng bộ, kịp thời của các khâu quản lý chuyên ngành mới có thể phòng và chống dịch bệnh hiệu quả.
Ngoài ra, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí, không thụ động chờ sự bao cấp từ Trung ương nên đã phản ứng kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh những thành công, Hội nghị cũng chỉ ra những tồn tại chính là công tác kiểm dịch và phát hiện bệnh sớm đối với tôm nuôi nước lợ còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ.
Ngoài nguyên nhân thiếu nhân lực triển khai, nhiều nguyên nhân khác cũng cần được xem xét khắc phục. Công tác quản lý chất lượng vật tư đầu vào, đặc biệt là hướng dẫn kỹ thuật về nuôi trồng và chăn nuôi tại cơ sở còn nhiều bất cập. Hiện nay mới quản lý được những cơ sở đăng ký, vẫn còn những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc chưa kiểm soát được.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã đánh giá cao kết quả thực hiện năm 2014. Để tiếp tục thực hiện thành công công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2015, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu Cục thú y tiếp thu ý kiến của các địa phương và tham mưu Bộ để chỉ đạo tốt kế hoạch năm 2015, trong đó, bám sát chủ trương của Bộ Nông nghiệp & PTNT lấy năm 2015 là năm an toàn thực phẩm, tập trung chuyển hướng kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào và tăng cường kiểm soát sản phẩm thành phẩm các sản phẩm nông nghiệp cả cho xuất khẩu lẫn tiêu dùng nội địa. Kết hợp triển khai tái cơ cấu ngành, tập trung hành động tại các địa phương.


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-xa-hoa-tam-phu-yen-trung-cua-tom-dat-trai-vu Nông Dân Xã Hòa Tâm… tien-do-tha-nuoi-tom-cham-tinh-den-ngay-14-1-2015 Tiến Độ Thả Nuôi Tôm…