Tin nông nghiệp Hồi sinh cà phê già cỗi nhờ tái canh

Hồi sinh cà phê già cỗi nhờ tái canh

Tác giả Quang Yên - Minh Hậu, ngày đăng 09/12/2021

Từ những vườn cà phê già cỗi, nhiều hộ dân ở Đắk Lắk tham gia tái canh cà phê của Dự án VnSat đã giúp hồi sinh vườn cà phê, năng suất tăng gấp đôi...

Sau thời gian tái canh, diện tích vườn cà phê của ông Lê Tấn Dũng cho năng suất rất cao. Ảnh: Quang Yên.

Năng suất gấp đôi

Dẫn phóng viên thăm vườn cà phê 2 ha đang thời điểm thu hoạch của gia đình, ông Y Giăn Hmok (50 tuổi, ngụ xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) cho biết, số diện tích cà phê tái canh đang phát triển tốt, cho năng suất cao.

Theo ông Y Giăn, 2 ha cà phê của gia đình được trồng từ những năm 1995 nên đã già cỗi, trước khi thực hiện tái canh năng suất chỉ còn khoảng 2 tấn/ha/năm.

“Do năng suất thấp, nên gia đình tham gia mô hình tái canh cà phê của Dự án VnSat cho diện tích 6 sào. Việc triển khai tái canh bắt đầu từ năm 2014, đến nay các diện tích tái canh đã cho năng suất cao hơn rất nhiều so với thời điểm chưa tái canh. Trước khi tái canh, chuyên gia của Dự án VnSat xuống lấy mẫu đất xét nghiệm để đưa ra hướng dẫn kỹ thuật đúng theo quy trình. Gia đình tái canh được Dự án VnSat hỗ trợ phân bón, kỹ thuật và giống cây. Sau thời gian chăm sóc, hiện 6 sào tái canh gia đình thu hoạch 2,5 tấn cà phê/năm/năm”, ông Y Giăn nói.

Theo ông Y Giăn, dù gia đình chỉ tiến hành tái canh 6 sào theo quy trình kỹ thuật của Dự án VnSat nhưng đã cho năng suất ngang bằng với tổng diện tích cà phê già cỗi còn lại.

“Đợt đó, nếu cứ làm theo kiểu cũ, không tham gia vào Dự án VnSat chắc 6 sào rẫy của gia đình không được thế này. Trong xã, có mấy gia đình tái canh cùng lúc với gia đình tôi nhưng họ làm theo kiểu cũ nên tỉ lệ cây chết nhiều lắm. Cây chết thì họ lại mua cây con về trồng dặm nên thành ra cả vườn trông nhấp nhô cây lớn, cây nhỏ”, ông Y Giăn thông tin.

Cũng theo ông Y Giăn, nhờ cải tạo đất kỹ và thực hiện đúng kỹ thuật nên dịch bệnh được kiểm soát, cây phát triển mạnh. Nền đất được cải tạo kỹ nên có độ tơi xốp cao, vi sinh vật nhiều. 

“Vườn cây phát triển mạnh, vượt trội so với các vườn khác nên người dân trong khu vực thường lui tới hỏi về quy trình chăm sóc. Nhiều nông dân thấy giống tốt cũng ngỏ ý xin chồi về ghép cải tạo. Nhiều người muốn học hỏi kinh nghiệm, tôi đều lấy vốn kiến thức học được từ các chương trình tập huấn của Dự án VnSat ra truyền đạt lại cho họ. Nhiều gia đình học kinh nghiệm xong chưa yên tâm, đến tận vườn vừa hướng dẫn vừa làm giúp”, ông Y Giăn nói thêm.

Tương tự, ông Lê Tấn Dũng (ngụ xã Hòa An, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) cũng tham gia Dự án VnSat và được hỗ trợ tái canh 1 ha cà phê già cỗi.

Theo ông Dũng, 1 ha cà phê của gia đình trồng từ những năm 2000 nên đã già cỗi, cành ít, cho năng suất thấp. Đến năm 2018, gia đình tham gia dự án tái canh của Dự án VnSat và được hỗ trợ phân bón, kỹ thuật.

“Gia đình để nguyên vườn cà phê và chăm bón theo quy trình của Dự án VnSat. Sau thời gian tái canh đúng theo kỹ thuật của dự án đưa ra, cây cà phê như được hồi sinh, phát triển rất tốt. Trước đây, năng suất chỉ đạt 2,5 tấn/ha, sau khi tái canh năng suất hơn 3,5 tấn”, ông Dũng nói.

Nông dân hào hứng làm theo

Theo ông Lê Tấn Dũng, nhiều hộ dân khu vực thấy vườn cà phê của gia đình sau khi tái canh phát triển tốt, năng suất cao nên cũng có ý tham gia mô hình.

“Qua trao đổi kinh nghiệm, người dân nắm bắt được quy trình kỹ thuật tái canh nên đã chuyển đổi theo từng mô hình phù hợp, giúp kinh tế ổn định. Sau khi nắm được quy trình kỹ thuật, người dân đã tự tái canh vườn cà phê già cỗi của gia đình. Hầu như hiện nay, các vườn cà phê già cỗi trong HTX đều đã được các thành viên tái canh, cắt ghép và cho sản lượng đạt 3,5 tấn/ha”, ông Dũng nói thêm.

Ông Lê Công Đoàn (ngụ xã Hòa An, huyện Krông Pắc) cho biết, gia đình có hơn 2 ha cà phê trồng hơn 15 năm, đã già cỗi, năng suất thấp.

Theo ông Đoàn, vừa qua, sau khi thăm quan các mô hình tái canh cà phê của Dự án VnSat, thấy cây phát triển tốt, cho năng suất cao nên ông cũng đã tự học hỏi về thực hiện tái canh cho cà phê của gia đình.

“Khi biết thực hiện tái canh theo quy trình mới, khoa học, nhiều gia đình xin học tập và tự bỏ vốn để tái canh diện tích cà phê già cỗi của gia đình theo đúng quy chuẩn. Tái canh theo chương trình Dự án VnSat cần rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng suy cho cùng đó là cách làm khoa học, kiểm soát được dịch bệnh, mang lại chất lượng cao nên tôi quyết tâm tái canh”, ông Đoàn nói.

Theo Ban Quản lý Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững Đắk Lắk (VnSat Đắk Lắk), dự án tại Đắk Lắk đã đào tạo tập huấn được 686 lớp FFS với tổng số 23.943 hộ nông dân tham gia học tập và áp dụng quy trình sản xuất, tái canh cà phê bền vững trên tổng diện tích 25.372 ha cà phê, trong đó diện tích tái canh chiếm gần 9.800 ha.

Ngoài ra, có 64 tổ chức nông dân/HTX được đào tạo quy trình canh tác sản xuất và tái canh cà phê bền vững, đạt 128% số tổ chức nông dân trong vùng dự án. Dự án VnSat đã cung ứng ra thị trường khoảng hơn 3 triệu cây giống/năm phục vụ nhu cầu tái canh của người dân tại các địa phương.

Cũng theo VnSat Đắk Lắk, sau thời gian thực hiện, dự án tái canh cà phê cho nông dân đã kết thúc vào năm 2020 và đã được tổ chức hội nghị tổng kết. Những hộ gia đình được dự án hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, cây giống tái canh đều mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Thời gian tới, dự án sẽ giám sát và đánh giá các tổ chức nông dân/HTX về thực hiện quy trình sản xuất và tái canh cà phê bền vững để tiếp tục thực hiện.  

Đây là giai đoạn kiểm tra, đánh giá và bàn giao các hoạt động về hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, các kết quả đào tạo cho các tổ chức nông dân/HTX và các hộ dân canh tác cà phê đã tiếp cận và hưởng lợi từ Dự án VnSat trong thời gian thực hiện dự án để địa phương có cơ sở tiếp tục duy trì, phát triển theo mục tiêu dự án đề ra.

Thời gian tới, VnSat Đắk Lắk sẽ tập trung thông tin cho các vùng dự án về danh sách các vườn ươm cây giống cà phê đạt chuẩn tham gia Dự án VnSat để phục vụ nhu cầu nhân rộng mô hình hình tái canh cà phê. Đồng thời, thông tin tuyên truyền về hiệu quả và những tác động tích cực của Dự án VnSat đã mang lại cho người dân trong toàn tỉnh Đắk Lắk để thúc đẩy phát triển ngành hàng cà phê của Đắk Lắk bền vững.

Trong thời gian 3 năm (từ 2018 - 2020), Dự án VnSat tỉnh Đắk Lắk đã tái canh được 11.129 ha/11.271 ha, bằng 98,7% kế hoạch. Trong đó, tỷ lệ đạt cao nhất là Thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Năng, Ea H’leo và Krông Pắc, các huyện có tỷ lệ đạt thấp hơn là Cư M’gar, Cư Kuin và Krông Búk.

Hầu hết các diện tích tái canh của các huyện, thị xã vùng Dự án VnSat Đắk Lắk đều thuộc vùng quy hoạch của tỉnh, giống và các biện pháp canh tác khác, cây che bóng, chắn gió cơ bản đáp ứng quy trình của Bộ NN-PTNT ban hành, nhờ vậy tỷ lệ cây sống cao, phát triển tốt và cho năng suất cao. Từ kết quả tái canh cà phê Dự án VnSat, đã tạo sự lan toả, giúp nhiều nông dân ở các vùng vệ tinh học hỏi, làm theo.


Có thể bạn quan tâm

chong-doi-ret-quan-ly-dan-gia-suc-di-cu-mua-dong Chống đói rét, quản lý… hieu-qua-kep-cua-canh-dong-lon Hiệu quả kép của cánh…