Mô hình kinh tế Hội thảo tiêu thụ sản phẩm rau VietGAP tại huyện Củ Chi

Hội thảo tiêu thụ sản phẩm rau VietGAP tại huyện Củ Chi

Ngày đăng 12/11/2015

Đến tham dự hội thảo có ông Võ Ngọc Đẹp - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông thành phố;

Ông Dương Văn Minh – Trưởng Trạm Khuyến nông huyện; Ông Lê Thanh Hùng – Phó Bí Thư, Chủ tịch HĐND xã Trung Lập Thượng;

Đại diện các HTX Nhuận Đức, Phú Lộc; Đại diện các ban ngành liên quan và đông đảo bà con nông dân ở địa phương đến tham gia, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm.

Mô hình cánh đồng rau VietGAP được triển khai tại ấp Trung Hiệp Thành, xã Trung Lập Thượng huyện Củ Chi từ tháng 10/2013.

Sau 02 năm triển khai mô hình đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi.

Ban đầu từ 14 thành viên, hiện đã phát triển lên 36 thành viên; diện tích ban đầu 15ha giờ đã lên đến 40 ha (đạt 44,4% so với kế hoạch đề ra trong năm 2015 là 90 ha).

Trong quá trình thực hiện, Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư cho các hộ tham gia mô hình;

Tổ chức 10 lớp tập huấn trồng rau theo VietGAP; 04 cuộc hội thảo về giải pháp phát triển rau VietGAP hiệu quả của việc gieo ươm cây con, giảm lượng hạt giống, tạo cây con khỏe mạnh, giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm công lao động…;

04 chuyến tham quan mô hình sản xuất rau theo qui trình VietGAP; Xây dựng 08 mô hình sản xuất rau ăn quả (khổ qua, dưa leo, bí xanh)…;

Phối hợp với Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp chứng nhận cho 25 hộ đạt 30 giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 15ha trồng rau cho sản lượng khoảng 375 tấn rau/vụ;

Về công tác hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, đến tháng 6/2015 đã có 22/36 (đạt 61% tổng số hộ) hộ tiêu thụ sản phẩm theo phương thức ký kết hợp đồng với các HTX, lượng sản phẩm tiêu thụ tại cánh đồng rau là 03 tấn/ngày;

Hiện nay có 100% tổ viên trong tổ hợp tác bán sản phẩm theo hợp đồng cho các nhà tiêu thụ, với nhiều hình thức như:

Mua đám với giá cố định đến cuối vụ, hợp đồng giá cố định nhưng hỗ trợ 50% giá chênh lệch khi giá thị trường tăng giá…

Cánh đồng rau VietGap Trung Hiệp Thành bước đầu đã thay đổi được tập quán sản xuất các hộ trồng rau sang sản xuất theo quy trình VietGAP, tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường, đạt được hiệu quả về kinh tế do tiết kiện hạt giống, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm được chi phí 30 triệu/ha/năm.

Tại Hội nghị các đại biểu cũng đã trao đổi về hướng tiêu thụ đầu ra sản phẩm của Tổ hợp tác sản xuất rau với Chủ nhiệm Hợp tác xã rau Nhuận Đức và Phú Lộc.

Ông Lê Thanh Hùng - Phó Bí Thư, Chủ tịch HĐND xã nhận định: Mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa có hiệu quả thấp sang trồng rau là chủ trương đúng đắn.

Lợi nhuận từ vụ lúa chỉ 3,6 triệu/ha trong khi với rau đạt 70,2 triệu/ha.

Việc chuyển đổi sẽ giúp nông dân tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.

Trong thời gian tới UBND xã Trung Lập Thượng sẽ tiếp tục vận động bà con nông dân tham gia vào mô hình chuyển đổi, tham gia tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP, tạo mọi điều kiện cho hội viên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, hưởng chính sách vay vốn, liên kết các Hợp tác xã rau tiêu thụ đầu ra sản phẩm cho nông dân, góp phần xây dựng xã nông thôn mới.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Ông Võ Ngọc Đẹp – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông thành phố cho biết: Qua hơn 02 năm thực hiện mô hình, cánh đồng rau VietGAP Trung Hiệp Thành chuyển đổi từ đất lúa đã mang lại hiệu quả cho bà con nông dân.

Mô hình thực hiện đúng theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg, ngày (24/06/2002) của Thủ tướng Chính Phủ “về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng”.

Theo đó hợp đồng được hai bên đàm phán đúng chất lượng, số lượng và thời điểm giao hàng, lợi nhuận được chia sẻ giữa nông dân và doanh nghiệp… Các điểm đó thể hiện tốt vấn đề “cung – cầu” trong kinh tế thị trường và xây dựng tốt mối liên kết 4 nhà “Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp và nông dân”.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một số điều: Dù đã xây dựng theo thỏa thuận hợp đồng, nhưng trong thực tế nếu có tranh chấp xảy ra thì người dân không biết xử lý thế nào, vì thế trong thời gian đến nên có các buổi tập huấn về vấn đề này, giúp nông dân có biện pháp và kiến thức giải quyết tốt hơn;

Tiếp tục xây dựng mô hình ứng dụng KHKT mới trong VietGAP, mạnh dạn chọn lựa những cây trồng mới có hiệu quả theo từng thời điểm, có cơ chế luân canh theo từng mùa, góp phần giải quyết vấn đề “được mùa rớt giá”;

Nên ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp và thường xuyên tham khảo thông tin ở Bản tin thị trường và Website của Trung tâm Khuyến nông, cập nhật các tin tức mới về cây trồng, giá cả… nhằm giảm chi phí rủi ro cho bà con trong sản xuất.

Đặc biệt trong năm 2016, những hộ nào có giấy chứng nhận VietGAP đã hết hạn, nên tiếp tục đăng ký và các hộ còn lại trong tổ nên phấn đấu để sớm đạt được chứng nhận, giúp sản phẩm đầu ra của mình ổn định hơn.

Với vai trò của mình, Trung tâm Khuyến nông sẽ cố gắn tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con nông dân tham gia nhiều mô hình hơn nữa, nâng cao chất lượng hợp tác, góp phần phát triển kinh tế cho từng hộ, đẩy mạnh quá trình phát triển nông thôn mới của thành phố.


Có thể bạn quan tâm

gia-cao-su-thap-ky-luc-trong-6-nam Giá cao su thấp kỷ… dieu-no-hoa-som-se-anh-huong-den-nang-suat Điều nở hoa sớm sẽ…