Tin thủy sản Hứa hẹn từ nhum sọ

Hứa hẹn từ nhum sọ

Tác giả Nam Hồng, ngày đăng 09/11/2020

Nhum sọ hay cầu gai sọ dừa, tên khoa học là Tripneustes gratilla thuộc họ Toxopneusstidae, nhóm cầu gai đều Regularia, lớp cầu gai Echinoidae, ngành da gai Echiodermata, là loài thủy sản vừa có giá trị dinh dưỡng, vừa có giá trị kinh tế cao; tuy nhiên loài thủy sản này đang nằm trong tình trạng báo động do bị khai thác quá mức.

Đặc điểm

Nhum sọ là loài cầu gai lớn nhanh nhất trong các loài cầu gai có giá trị kinh tế (Shimabukuro, 1982). Hiện nay, nhum sọ được khai thác để lấy trứng làm thức ăn. Theo Ngô Trọng Lư (1998) chỉ riêng trong năm 1993 ở TP Nha Trang, Khánh Hòa đã khai thác được 500 tấn nhum sọ cả vỏ, 30 tấn trứng xuất khẩu. Trứng của nhum sọ có hàm lượng protein cao (20 – 25%), bổ dưỡng, dùng để chế biến món trứng sống Sushi của người Nhật Bản và trứng sống ăn với mù tạt trong các nhà hàng ở Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới đã và đang tiến hành nghiên cứu các đặc tính sinh học nói chung, đặc điểm sinh học sinh sản nói riêng và sinh sản nhân tạo cũng như nghiên cứu sản xuất giống và nuôi thương phẩm.

Ở nước ta, nhum sọ chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều. Trong những năm gần đây, nguồn lợi nhum sọ tự nhiên ở Việt Nam hầu như cạn kiệt do bị khai thác quá mức để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Theo đó, để bảo vệ nguồn lợi và tăng cường xuất khẩu nhum sọ cần nghiên cứu các đặc tính sinh học sinh sản của chúng sâu hơn nữa vì tuyến sinh dục là nguồn sử dụng chính; đồng thời nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật để sản xuất giống cung cấp cho nuôi thương phẩm, phát triển nghề nuôi nhum sọ tại các hộ dân vùng ven biển và các đảo xa.

Triển vọng

Với mong muốn duy trì nguồn lợi nhum sọ và hình thành nghề NTTS mới cho người dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn phối hợp với Viện Hải dương học thực hiện mô hình nuôi thử nghiệm nhum sọ tại vùng biển Lý Sơn.

Mô hình được thí điểm tại một giàn bè của một hộ dân. Giàn bè này gồm 54 lồng, diện tích 50 m2 được tận dụng từ bè nuôi cá bớp. Lồng nuôi được thiết kế hình chữ nhật dài 60 cm, rộng 40 cm, sâu 2 m. Quy mô thí điểm 2.000 con giống, kích thước 2 – 3 cm/con được khai thác trực tiếp tại vùng biển Lý Sơn, nguồn thức ăn chủ yếu là rong, tảo biển có sẵn tại địa phương. Hộ gia đình tham gia nuôi thử nghiệm nhum sọ cho biết, sau 1 tháng thả nuôi, nhum sọ đã thích nghi môi trường giàn bè và phát triển tốt.

Nhum sọ có dạng hình cầu, vỏ ngoài cứng, trên mặt vỏ có các chân gai. Thịt nhum ngọt, có nhiều chất đạm, chất béo. Thịt nhum thành phẩm có giá bán 260.000 – 300.000 đồng/kg. Là đặc sản nên vài năm trở lại đây nhu cầu tiêu thụ của người dân và du khách tăng cao dẫn đến việc khai thác quá mức nguồn nhum sọ để đáp ứng nhu cầu thị trường, khiến nhum sọ tại Lý Sơn sụt giảm, mất cân bằng hệ sinh thái.

Trước đây, vùng biển ven bờ Lý Sơn nguồn thủy sản hết sức đa dạng, phong phú, tuy nhiên để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống cũng như khách du lịch, dần dần các đối tượng thủy sản ven bờ bị khai thác cạn kiệt. Việc triển khai nhiều mô hình NTTS ở Lý Sơn trong thời gian qua một mặt cải thiện thu nhập cho người dân, mặt khác góp phần giảm thiểu tần suất khai thác thủy sản ở môi trường tự nhiên, đặc biệt là trong Khu bảo tồn biển Lý Sơn.

Ông Trương Đình Nho, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn cho biết, bước đầu cho thấy, mô hình nuôi thử nghiệm nhum sọ tại Lý Sơn hứa hẹn cung cấp nguồn nhum sọ chủ động và tạo điều kiện để người dân tiếp cận được đối tượng NTTS mới ở địa phương; qua đó nâng cao thu nhập hộ gia đình.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-luan-canh-tom-cang-xanh-toan-duc-lua-tai-tra-vinh Nuôi luân canh tôm càng… quan-ly-he-thong-long-hpde Quản lý hệ thống lồng…