Mô hình kinh tế Hua Thanh, Khó Khăn Giao Đất Giao Rừng

Hua Thanh, Khó Khăn Giao Đất Giao Rừng

Ngày đăng 24/09/2014

Trong rất nhiều nguyên nhân khiến tiến độ giao đất giao rừng trên địa bàn huyện Điện Biên chậm phải kể đến những khó khăn, vướng mắc trong khâu tổ chức họp dân tuyên truyền để bà con nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng. Nếu như ở một số địa bàn khác người dân tích cực phối hợp, nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, thì tại bản Nậm Ty 1, Nậm Ty 2, xã Hua Thanh dù đến nay đã qua vài ba lần họp dân, nhưng rừng vẫn chưa thể giao cho cộng đồng!

Ông Quàng Văn Phanh, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên cho biết: Việc họp dân tại thôn, bản để triển khai kế hoạch giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp là một trong những khâu quan trọng, bắt buộc phải thực hiện.

Tuy nhiên, do nhận thức còn hạn chế của một bộ phận người dân trên địa bàn về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc giao đất giao rừng nên việc triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Đơn cử như ở bản Nậm Ty 1, Nậm Ty 2 đáng lẽ việc giao rừng cho cộng đồng phải diễn ra thuận lợi hơn cả, vì toàn bộ 125ha rừng khoanh nuôi trạng thái IIa dự kiến giao cho dân bản đều được chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ.

Tức là ngoài được hưởng lợi từ việc giao đất giao rừng thì người dân nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng còn được trả tiền dịch vụ, góp phần cải thiện cuộc sống.

Nghịch lý là ở chỗ bà con trong bản chẳng mặn mà với việc nhận khoanh nuôi bảo vệ diện tích rừng này. Cái "lý” mà Trưởng bản Nậm Ty 1 Giàng A Vừ đưa ra là: Chúng tôi không nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng theo hợp đồng của Nhà nước, nhưng chúng tôi cũng không chặt phá rừng, chỉ muốn tận dụng diện tích đất nương có một phần trong đó để gieo hạt thóc, trồng vạt ngô lấy lương thực để sống, vì trong bản không hộ nào có diện tích trồng lúa nước.

Cũng vì cái lý ấy của trưởng bản Vừ mà tại cuộc họp dân gần đây nhất ngày 9/9, dù chính quyền địa phương đã thông báo trước chương trình họp dân để thống nhất phương án giao rừng cho cộng đồng nhưng gần nửa số hộ vắng mặt.

Các hộ có mặt nhất định không nhận khoanh nuôi bảo vệ 125ha rừng thuộc khu vực 2 bản trên. Sau nhiều lần cán bộ kiểm lâm, cán bộ biên phòng đứng chân trên địa bàn, lãnh đạo xã Hua Thanh… thuyết phục, phân tích điều hay lẽ phải khi nhận khoán bảo vệ rừng, song kết thúc buổi họp, bà con trong bản cũng chỉ nhất trí nhận khoanh nuôi, bảo vệ 20ha rừng xen kẽ địa phận giữa 2 bản; hơn 100ha rừng còn lại vẫn chưa có... "chủ".

Nói về vấn đề này, ông Quàng Văn Phanh cho biết: Khi người dân chưa đồng thuận, cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương không thể giao rừng cho bà con được. Vì nếu cố làm hoặc làm lấy được thì việc giao rừng thực sự không hiệu quả.

Bởi trên thực tế chủ rừng không biết diện tích được giao ở đâu, ranh giới cụ thể thì không thể bảo vệ rừng tốt. Còn muốn thay đổi nhận thức của người dân tự nguyện nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng thì là cả quá trình không thể làm trong ngày một ngày hai; và sẽ còn rất nhiều buổi họp dân như ở Nậm Ty!

Thực hiện kế hoạch giao đất giao rừng, đến thời điểm này, huyện Điện Biên  đã triển khai được 22/25 xã; trong đó 11 xã đã hoàn thiện giao rừng; 5 xã đang trong quá trình nghiệm thu, còn lại 6 xã: Hua Thanh, Thanh Xương, Thanh An, Thanh Hưng, Hẹ Muông và Pa Thơm đang tiếp tục rà soát diện tích rừng dự kiến giao rừng.

Cùng với việc xây dựng Quy ước bảo vệ rừng đến từng cộng đồng thôn bản thì giao đất giao rừng được xem là một trong những giải pháp tối ưu nhằm tăng cường trách nhiệm của từng chủ rừng, cộng đồng thôn bản trong quản lý bảo vệ, hạn chế thấp nhất các hành vi xâm hại rừng. Vì vậy, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện cần có các giải pháp kịp thời tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ.


Có thể bạn quan tâm

trao-can-cau-van-kho Trao “Cần Câu”... Vẫn Khó! ky-thuat-trong-va-cham-soc-cay-mac-ca Kỹ Thuật Trồng Và Chăm…