Mô hình kinh tế Hưng Yên mở rộng diện tích sản xuất nhãn lồng theo quy trình VietGap

Hưng Yên mở rộng diện tích sản xuất nhãn lồng theo quy trình VietGap

Ngày đăng 28/09/2015

Thực hiện dự án “Bảo tồn giống nhãn và nâng cao chất lượng sản phẩm vùng chuyên canh nhãn của tỉnh giai đoạn 2012 - 2015”, năm nay Ban quản lý dự án tiếp tục xây dựng mô hình thâm canh nhãn với diện tích 6ha tại các huyện: Kim Động, Khoái Châu, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên.

Qua đánh giá, so với nhãn trồng, chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống, một sào nhãn trồng trong mô hình chi phí lao động thấp hơn 150 nghìn đồng; năng suất cao hơn 40kg; lãi cao hơn 1,9 triệu đồng.

 

Nhãn lồng Hưng Yên được trưng bày giới thiệu tại hội nghị xúc tiến thương mại nhãn năm 2015 của tỉnh

Ông Lê Đình Tư, chủ vườn nhãn ở xã Hàm Tử (Khoái Châu) cho biết:

“Tuy có thâm niên nhiều năm trồng nhãn nhưng trước đây tôi và những hộ dân ở xã chỉ chăm sóc theo phương pháp truyền thống.

Năm nay tham gia mô hình thâm canh nhãn, tôi áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh theo hướng dẫn nên nhãn đạt chất lượng ngon, mã quả đẹp, được khách hàng đặt mua với giá trung bình 30 nghìn đồng/kg, cao hơn 7 - 10 nghìn đồng/kg so với sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống.

Từ năm sau, tôi tiếp tục ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nhãn để nâng cao giá trị thu nhập”.

Năm nay, nhãn quả của tỉnh ta là một trong những sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Để đáp ứng yêu cầu từ phía đối tác, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chọn quy hoạch 2 vùng sản xuất nhãn và được cơ quan chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp mã số xuất khẩu sang Mỹ với diện tích hơn 20ha tại xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) và xã Hàm Tử (Khoái Châu).

Các hộ tham gia mô hình được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ bao gói quả và giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình chăm bón, phòng, trừ sâu bệnh theo quy trình Vietgap.

Tháng 8 vừa qua, ở 2 vùng được cấp mã số xuất khẩu đã thu hoạch 1,5 tấn nhãn quả chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh chiếu xạ và xuất khẩu. Đây là lần đầu tiên nhãn Hưng Yên được chính thức xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Theo Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên Nguyễn Văn Oanh tuy sản lượng lần đầu xuất khẩu chưa được nhiều nhưng đây là tiền đề và cơ hội cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu nhãn của tỉnh ra thị trường quốc tế, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng nhãn trong những năm tiếp theo, đồng thời giúp nông dân có thêm hiểu biết về quy trình sản xuất nhãn bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhằm tạo thuận lợi trong khâu tiêu thụ và nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng nhãn, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương đã phối hợp với huyện Khoái Châu và thành phố Hưng Yên tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại giới thiệu về tiềm năng, đặc điểm của sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên, giúp người tiêu dùng nhận biết được sự khác biệt giữa nhãn lồng Hưng Yên với nhãn sản xuất ở những địa phương khác.

Cùng với đó, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) quảng bá, giới thiệu, kết nối thông tin nhãn lồng Hưng Yên với một số nhà nhập khẩu của các nước như:

Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, các siêu thị của nước ngoài trên địa bàn Hà Nội; phối hợp và được Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) hỗ trợ quảng bá vùng nhãn của tỉnh trên Đài truyền hình Việt Nam.

Từ những hoạt động trên, nhiều doanh nghiệp đầu mối, nhà phân phối, siêu thị đã giao kết thương mại và ký kết hợp đồng tiêu thụ nhãn.

 

Mô hình thâm canh nhãn theo quy trình VietGap tại Khoái Châu

Ngoài phối hợp với tỉnh tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, năm nay HTX nhãn lồng Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) còn trực tiếp đưa nhãn quả vào hệ thống siêu thị, cửa hàng chuyên kinh doanh hoa quả tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế để quảng bá, giới thiệu

Qua đó có gần 10 tấn nhãn của xã Hồng Nam được các doanh nghiệp, siêu thị thu mua với giá cao hơn từ 5 – 15 nghìn đồng/kg. Một số hộ sản xuất nhãn ở các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ cũng mang nhãn đến chào bán tại những cửa hàng, siêu thị trên địa bàn các tỉnh, thành phố như:

Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đoàn Thị Chải, cho biết: Ngành Nông nghiệp và PTNT đã tích cực tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nên năm nay nông dân đã ứng dụng và mở rộng diện tích sản xuất nhãn theo quy trình Vietgap cho ra sản phẩm có chất lượng và mẫu mã tốt hơn.

Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh nhãn lồng Hưng Yên được ngành chuyên môn và các địa phương quan tâm hơn, do đó nhãn bán được giá cao.

Qua khảo sát cho thấy, nhãn chín sớm được khách mua làm quà biếu với giá dao động 45 – 60 nghìn đồng/kg; nhãn chính vụ giá 25 – 30 nghìn đồng/kg; nhãn chín muộn giá phổ biến 30 – 35 nghìn đồng/kg.


Có thể bạn quan tâm

thu-nhap-tu-na-dat-hon-400-trieu-dong-ha Thu nhập từ na đạt… xuat-khau-san-kha-quan Xuất khẩu sắn khả quan