Tin nông nghiệp Hướng dẫn kỹ thuật và một số lưu ý khi nuôi cá xen lúa

Hướng dẫn kỹ thuật và một số lưu ý khi nuôi cá xen lúa

Tác giả TTKN Hải Phòng, ngày đăng 29/11/2019

Nuôi cá kết hợp cấy lúa làm tăng lợi nhuận, giảm chi phí trên một đơn vị diện tích như giảm phân bón, thuốc trừ sâu tạo ra nguồn thực phẩm an toàn và thân thiện với môi trường, cá ăn sâu hại lúa, lúa ít bị bệnh.

Mô hình lúa cá. Ảnh: eco-business

Khi thu hoạch lúa, thóc vương vãi xuống ruộng là nguồn thức ăn tự nhiên rất thích hợp với cá chép và cá rô phi…, thân lúa là thức ăn của cá trắm cỏ, cá chim. Để giúp bà con thực hiện mô hình thành công, chúng tôi xin hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá xen lúa như sau:

1. Chuẩn bị ruộng nuôi

Sau khi thu hoạch lúa cần dọn sạch rơm rạ, vét lớp bùn dày ở mương ao, chỉ để lại lớp bùn dày 15- 20 cm rồi cho nước vào ruộng ngâm 2-3 ngày sau đó xả bỏ. Tiếp theo bón 10 -15 kg vôi bột cho 100 m2 đáy mương, tháo cạn nước, rắc vôi bột xung quanh bờ mương, bờ ruộng để diệt tạp và ổn định pH, tăng lượng thức ăn phù du cho cá. Mực nước trong mương sâu 0,8 – 1m so với mặt ruộng, rộng 3m (đây là hình thức nuôi 1 vụ lúa + 1 vụ cá có mương chạy bốn xung quanh)

2. Thả giống

Sau khi cấy lúa hè thu được 1-2 tháng tiến hành thả cá trong mương. Sau khi thu hoạch lúa thì dâng nước cho cá lên ruộng.

Đối tượng nuôi gồm cá chép, mè, rô phi, trắm cỏ, rô đồng. Tuy nhiên trong một ruộng nuôi không ghép quá 3 loài. Tùy theo khả năng đầu tư của từng hộ gia đình để chọn đối tượng chính. Đối tượng chính chiểm tỷ lệ 50% số cá trong ruộng nuôi.

3. Thức ăn và cách cho ăn

Cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp lượng thức ăn thay đổi theo tháng nuôi.

Tháng đầu và tháng thứ 2 cho ăn 7% trọng lượng đàn cá

Tháng thứ 3 và tháng thứ 4 cho ăn bằng 5% trọng lượng đàn cá

Tháng thứ 5 và thứ 6 cho ăn bằng 3% trọng lượng đàn cá

4. Chăm sóc và quản lý.

Định kỳ 1 con nước thay một lần trong trường hợp nước trong ruộng nuôi có mùi hôi hoặc màu đen, cá bị nổi đầu thì phải tiến hành thay nước ngay, mỗi lần thay không quá 30% lượng nước trong ao nuôi, tránh hiện tượng cá bị sốc nước mới. Xung quanh ruộng nuôi phải căng bạt tránh cá rô thoát ra ngoài.

* Khi nuôi cá kết hợp cấy lúa cần chú ý:

- Khi phun thuốc trừ sâu cho lúa thì nên dùng loại an toàn cho cá hoặc dùng thuốc trừ sâu sinh học và phun ở dạng sương mù hạt nhỏ vào lúc sáng sớm lúc lúa còn ướt sương.

- Cũng có thể dâng nước lên cao gần ngập cây lúa để cá ăn sâu bọ, nhưng hôm sau phải tháo nước đi ngay tránh trường hợp lúa bị chết úng.

- Trường hợp bất khả kháng phải phun thuốc trừ sâu cho lúa thì ta phải tháo cạn nước ruộng nuôi, đưa hết cá xuống mương, sau 1 tuần hết mùi thuốc trừ sâu lúc đó ta mới cho nước mới vào để cá lên ruộng.

- Khi nuôi cá kết hợp cấy lúa ta phải chọn bộ giống lúa có khả năng kháng bệnh cao, ít bị ảnh hưởng của sâu bệnh, lúc cấy cũng phải cấy thưa hơn, hàng cách hàng 25 cm và khóm cách khóm 25 cm. 

- Qua kinh nghiệm thực tế cho thấy nếu cấy thưa theo tỷ lệ (25x25cm) thì cây lúa cứng cây hơn, bông lúa to hơn và hạt thóc cũng chắc mẩy hơn.


Có thể bạn quan tâm

nhung-dich-benh-hai-can-chu-y-trong-tuan Những dịch bệnh hại cần… tac-dong-cua-lua-den-n2o-va-nh3-trong-ao-nuoi-tom-ca Tác động của lúa đến…