Tôm thẻ chân trắng Hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật nuôi tôm chân trắng thâm canh hạn chế dịch bệnh

Hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật nuôi tôm chân trắng thâm canh hạn chế dịch bệnh

Ngày đăng 18/09/2015

Diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh bệnh nguy hiểm trên thế giới nhất hội chứng gan tuỵ cấp tính chưa tìm ra tác nhân gây bệnh; thời tiết có nhiều diễn biến bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu...

Ở tỉnh ta, theo đề án nuôi trồng thuỷ sản năm 2013, toàn tỉnh sẽ thả nuôi trên 1.000ha tôm thẻ chân trắng; hơn một tháng qua bà con đã tập trung cải tạo ao đầm, hiện tại đã cải tạo chuẩn bị đạt trên 95% diện tích ao đầm nuôi, theo lịch thời vụ thả giống vụ Xuân Hè bà con ngư dân đang tập trung thả giống.

Để thực hiện tốt kế hoạch vụ nuôi Xuân hè, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do các yếu tố thiên tai, dịch bệnh có thể gây ra, trên cơ sở tài liệu của Tổng cục Thuỷ sản xin lưu ý các hộ/cơ sở nuôi trong tỉnh một số biện pháp kỹ thuật sau:

1. Công tác chọn và thả giống:

1.1 Chọn giống:

- Chọn mua tôm giống từ các cơ sở có uy tín; có phiếu xét nghiệm âm tính về các mầm bệnh MBV, đốm trắng, đầu vằng, taura, hoại tử gan tuỵ…

- Cở giống: P12.

- Kiểm tra sức khoẻ tôm: bà con có thể đánh giá sức khỏe của tôm giống bằng phương pháp gây sốc độ mặn, lấy 40 - 50 con tôm giống cho vào cốc thuỷ tinh chứa 300ml nước lấy từ bao vận chuyển giống (hoặc từ bể ương).; hạ độ mặn đột ngột xuống còn 15%0 và theo dõi trong 30 phút, nếu tỷ lệ sống 100% là đạt yêu cầu.

1.2 Thả giống:

- Mật độ thả: 30 - 60 con/m2 (đối với những hộ mới chuyển đổi) và 30 - 60 con/m2 (những hộ có kinh nghiệm và điều kiện).

- Cách thả:

+ Thả vào sáng sớm hoặc chiều mát.

+ Trước khi thả giống cần chạy quạt nước từ 8 - 12 giờ để bảo đảm hàm lượng oxy hoà tan trong ao phải lớn hơn 4mg/l.

+ Cân bằng nhiệt độ giữa bao giống và nước ao nuôi bằng cách thả nỗi bao tôm giống trên mặt hồ 5 - 10 phút. Sau đó, cho nước từ từ vào đầy bao, cầm phía đáy bao từ từ dốc ngược để tôm giống theo nước ra ao nuôi.

2. Chăm sóc và quản lý ao nuôi:

2.1 Cho ăn:

* Cho tôm ăn theo bảng hướng dẫn. Ngoài ra tuỳ vào thực tế (sức khoẻ của tôm, chu kỳ lột xác, thời tiết,…) và theo dõi sàng ăn/chài khi tôm 20 ngày tuổi trở lên để điều chỉnh, quản lý thức ăn cho phù hợp, tránh tình trạng cho tôm ăn thiếu hoặc thừa ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của tôm. Cho tôm ăn mỗi ngày 3 lần.

* Lượng thức ăn:

- Tháng nuôi thứ nhất: Sử dụng thức ăn cở nhỏ cho tôm giai đoạn mới thả nuôi.

+ Ngày đầu tiên cho ăn 2,8 - 3 kg/100.000 tôm giống; trong 10 ngày đầu tiên, cứ 1 ngày tăng 0,4 kg/100.000 tôm giống; từ ngày thứ 10 - 20, cứ 1 ngày tăng 0,5 kg/100.000 tôm giống;

+ Ngày thứ 10 sau khi thả giống, cho ít thức ăn vào sàng/nhá để tôm làm quen, dễ cho việc kiểm tra lượng thức ăn dư sau này. Sàng ăn cần đặt ở nơi bằng phẳng, cách bờ ao 1,5 - 2 m, sau cánh quạt nước 12 - 15 m, không đặt ở các góc ao, với diện tích 1.600 - 2.000 m2đặt 1 sàng ăn.

+ Sau 15 ngày có thể sử dụng các chất bổ sung vitamin, khoáng chất cho tôm ăn theo chỉ dẫn của nhà sản xuất cung cấp giúp tôm tăng sức đề kháng.

- Tháng nuôi thứ hai đến khi thu hoạch:

+ Điều chỉnh thức ăn trong ngày qua theo dõi lượng thức ăn trên sàng ăn.

+ Chuyển đổi loại thức ăn phù hợp theo giai đoạn phát triển, cở miệng tôm và nhu cầu dinh dưỡng như hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì. Khi chuyển đổi thức ăn, nên trộn lẫn thức ăn cũ và mới cho ăn ít nhất 3 ngày rồi mới chuyển hẳn sang cho ăn thức ăn số mới.

+ Cách điều chỉnh lượng thức ăn:

Kiểm tra thức ăn trong sàng/nhá

Cách xử lý cho lần ăn tiếp theo

Nếu tôm ăn hết

Tăng 5% thức ăn cho lần sau

Nếu thức ăn dư khoảng 10%

Giữ nguyên thức ăn cho lần sau

Nếu thức ăn dư khoảng 11 - 25%

Giảm 10% thức ăn cho lần sau

Nếu thức ăn dư khoảng 26 - 50%

Giảm 30% thức ăn cho lần sau

Nếu thức ăn còn nhiều hơn 50%

Ngưng cho ăn lần sau

Ảnh: Kiểm tra thức ăn tôm trong sàng/nhá

+ Thời gian kiểm tra thức ăn trong sàng/nhá:

Thời gian nuôi (ngày)

Thời gian kiểm tra sàng ăn (giờ)

21- 60 ngày : 2,5 - 2 giờ

61 - 90 ngày: 2 - 1,5 giờ

> 90 ngày: 1,5 - 1 giờ

* Lưu ý: Nhưng ngày thay đổi thời tiết, mưa, nắng gắt chỉ cho tôm ăn 70 - 80% lượng thức ăn đã định, tránh dư thừa gây ô nhiễm nước. Theo dõi kỳ lột vỏ của tôm để giảm lượng cho ăn và tăng sau khi tôm lột vỏ xong.

2.2 Quản lý môi trường ao nuôi:

- Thực hiện tốt việc kiểm tra và xử lý các yếu tố môi trường như sau:

+ Đo hàng ngày các chỉ số: oxy hoà tan, pH, độ trong.

+ Đo 3 - 5 ngày 1 lần các chỉ số: Độ kiềm và NH3.

* pH và độ kiềm là 2 yếu tố quan trọng tác động đến đời sống của tôm; khi pH và độ kiềm thay đổi ngoài khoảng thích hợp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tôm, do vậy cần:

+ Khắc phục tình trạng pH thấp: gây tảo và giữ màu nước thích hợp đảm bảo độ trong đạt từ 30 - 40cm. Trong quá trình nuôi nếu pH < 7,5 cần bón vôi (CaCO3, Dolomite) với liều 10 - 20kg/1.000m3nước.

+ Khắc phục tình trạng pH cao: sử dụng đường 3kg/1.000m3nước kết hợp sử dụng vi sinh hoặc dùng Acid acetic 3 lít/1.000m3nước.

+ Khắc phục độ kiềm thấp: sử dụng Dolomite 15 - 20 kg/1.000m3nước vào ban đêm cho đến khi đạt yêu cầu.

+ Khắc phục độ kiềm cao: sử dụng EDTA 2 - 3kg/1.000m3nước vào ban đêm.

Tuỳ vào tình hình thực tế môi trường ao nuôi để điều chỉnh và bón lượng vôi thích hợp.

- Định kỳ bón vôi nông nghiệp CaCO3 10 ngày/lần vào lúc 20 - 21 giờ với liều lượng dao động từ 15 - 20 kg/1.000m3nước tuy theo độ mặn để điều chỉnh pH thích hợp:

+ Nếu độ mặn dưới 17%o thì điều chỉnh pH từ 8,2 - 8,4;

+ Nếu độ mặn trên 17%o thì điều chỉnh pH từ 8,0 - 8,2;

+ Nếu độ mặn = 25%o thì điều chỉnh pH từ 7,7 - 7,8;

Đến 11 - 12 giờ trưa ngày hôm sau, cấy vi sinh theo chỉ dẫn của nhà cung cấp (sản phẩm có uy tín, thương hiệu) để làm sạch môi trường;

- Khi tảo trong ao phát triển quá mạnh, màu nước thay đổi, pH dao động trong ngày > 0,5, cần:

+ Thay đổi tối thiểu 30% lượng nước trong ao;

+ Hoà tan 2 - 3kg đường cát/1.000m2 và tạt đều ao vào lúc 9 - 10 giờ sáng;

+ Chạy quạt, sục khí liên tục trong vài giờ;

- Khi nhiệt độ nước ao tăng trên 340C:

+ Cần giảm thức ăn;

+ Bổ sung Vitamin C (trộn vào thức ăn);

+ Tăng thời gian chạy quạt nước, sục khí;

* Một số lưu ý:

- Hạn chế lấy nước vào ao nuôi, khi cần thiết thì lấy vào hồ chứa lắng rồi xử lý Chlorin liều 30kg/1.000m3nước chạy quạt liên tục, đến khi hết dư lượng Chlorin thì bơm vào ao nuôi (qua túi lọc);

- Luôn duy trì độ kiềm đạt 120mg/lít trở lên bằng cách sử dụng vôi CaCO3hoặc vôi Dolomite và thường xuyên bổ sung khoáng cho ao nuôi vào ban đêm 3 - 5 ngày/lần giúp tôm lớn nhanh, cứng vỏ và lột xác đồng loạt.

- Chỉ diệt khuẩn khi cần thiết (tránh những trường hợp như: tôm đang suy yếu, đang lột xác, hay có các bệnh về gan tuỵ…);

- Hạn chế sử dụng men vi sinh trong giai đoạn đầu (khi mới thả giống đến 1,5 tháng nuôi);

- Tháng thứ nhất cần giữ màu nước hồ nuôi thích hợp (xanh nõn chuối) tạo sự ổn định các chỉ số môi trường như pH, độ kiềm, nhiệt độ, oxy hoà tan,…tránh sinh tảo đáy hoặc tảo phát triển quá mức.

- Tháng thứ hai:

+ Giữ màu nước hồ nuôi thích hợp; mực nước ao 1,2 - 1,8m để sự dao động về nhiệt độ, oxy hoà tan, pH giữa ban ngày và ban đêm diễn ra chậm không làm gây sốc tôm. Duy trì độ trong 30 - 40cm; độ kiềm 120mg/l trở lên; độ mặn 15 - 25%o ; pH 7,5 - 8,5; oxy hoà tan lớn hơn 4mg/l; H2S <0,01mg/l; NH3 < 0,1mg/l;

+ Định kỳ 20 - 25 ngày xử lý nước và đáy hồ nuôi bằng chế phẩm sinh học theo hướng dẫn của nhà cung cấp;

+ Quạt nước, bổ sung oxy từ 19h00 đến 05h00 sáng hôm sau;

+ Có thể bổ sung thuốc bổ, thuốc đường ruột, các loại khoáng trộn vào thức ăn theo hướng dẫn của nhà cung cấp có thương hiệu, uy tín để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.

 Tags: nuoi tom, tom, thuy san, nuoi trong thuy san, ky thuat nuoi tom, ao nuoi tom, tom the chan trang


Có thể bạn quan tâm

cach-tinh-luong-thuc-an-de-trong-sang-an Cách tính lượng thức ăn… ky-thuat-nuoi-tom-su-cong-nghiep-cua-uc-phan-1 Kỹ thuật nuôi tôm sú…