Tôm thẻ chân trắng Hướng dẫn phát hiện và xử lý bệnh đốm trắng trên tôm

Hướng dẫn phát hiện và xử lý bệnh đốm trắng trên tôm

Ngày đăng 03/06/2015

Tôm bệnh vào bờ, lờ đờ, dấu hiệu bệnh lý đặc trưng là có những đốm trắng  tròn, đường kính khoảng 0.5 - 2mm. Các đốm trắng tập trung nhiều ở vỏ giáp đầu ngực và đốt bụng cuối cùng, những đốm này không bị mất đi khi dùng tay cạo dưới lớp vỏ.

Màu sắc tôm có thể thay đổi như đỏ hoặc hồng, mang bị bẩn, tôm chết rải rác hoặc chết hàng loạt có thể lên tới 90 - 100% trong vòng 3 - 7 ngày.

II. TÁC NHÂN GÂY BỆNH VÀ ĐƯỜNG LÂY NHIỄM

Tác nhân gây bệnh là virus đốm trắng White Spot Syndrome Virus (WSSV). Có rất nhiều loài giáp xác như tôm rảo, cua, còng… là loài trung gian mang mầm bệnh.

Bệnh này có thể lây từ tôm bố mẹ sang tôm giống, lây lan từ tôm do ăn thịt đồng loại, từ các động vật mang bệnh hoặc do nguồn nước bị nhiễm virus lây nhiễm sang tôm nuôi...

III. XỬ LÝ, NGĂN CHẶN, HẠN CHẾ LÂY LAN  BỆNH ĐỐM TRẮNG

1. Khuyến cáo môt số biện pháp kỹ thuật hạn chế phát sinh bệnh:

+ Đối với các ao chưa tiến hành thả nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật cải tạo ao hồ, chọn giống và kiểm dịch con giống trước khi thả nuôi.

+ Đối với các ao đã thả nuôi chưa có dấu hiệu dịch bệnh: Cần chăm sóc, quản lý sức khoẻ tôm theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn, đặc biệt phải đảm bảo độ sâu nước ao tối thiểu 1,2 - 1,5 m; cho tôm ăn bằng thức ăn công nghiệp, không được dùng thức ăn tươi sống; tăng cường bổ sung Vitamin C vào thức ăn tổng hợp với liều lượng 2- 4g/kg và  một số khoáng chất vào thức ăn để tăng cường sức khoẻ và sức đề kháng cho tôm.

+ Quản lý, điều chỉnh các yếu tố môi trường như độ mặn, pH, độ trong, oxy hoà tan phù hợp. Dùng lưới chắn rào xung quanh bờ để ngăn chặn vật chủ trung gian (cua, còng,...) bên ngoài mang mầm bệnh vào ao nuôi lây lan dịch bệnh. Xử lý nguồn nước ở ao chứa trước khi cấp vào ao nuôi bằng chlorine( nếu có ao chứa lắng); Không cấp nước từ bên ngoài vào ao nuôi khi nguồn nước có dấu hiệu bị nhiễm bệnh.

2. Xử lý:

* Bệnh đốm trắng do virus gây ra trên tôm  hiện nay chưa có thuốc chữa trị, vì vậy để hạn chế  lây lan thành dịch, cần tập trung thực hiện tốt  các yều cầu sau:

- Khi thấy tôm nuôi có các hiện tượng bất thường như trên thì ngừng hoặc giảm cho tôm ăn để kiểm tra.

- Đóng cống cấp/ thoát không cho nước ao nuôi rò rỉ ra ngoài môi trường (để tránh lây nhiễm mầm bệnh từ nguồn nước ra môi trường xung quanh).

- Báo ngay cho cán bộ quản lý địa phương, phòng chức năng trên địa bàn để được hướng dẫn xử lý.

- Chẩn đoán, lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm PCR (nếu dấu hiệu đốm trắng chưa rõ).

+ Khi xác định chính xác tôm bị bệnh đốm trắng do virus phải thực hiện nghiêm túc các nội dung tại công văn số 70/TY- TYTS ngày 29/3/2010 và nhanh chóng xử lý như sau:

+ Nếu tôm đã lớn thì tiến hành đóng các cửa cống, không tháo nước ra ngoài, nhanh chóng thu hoạch tôm bằng lưới, tôm thu hoạch đựng trong các dụng cụ kín, không cho nước và tôm rơi vãi ra môi trường xung quanh, giữ nguyên nước ao. Khi thu hoạch xong cần phải được xử lý Chlorine liều lượng dùng là 30-50gam/m3 (đối với Chlorine có hoạt tính từ 60 - 80%) giữ nguyên nước ao từ 10 -15 ngày. Tôm thu hoạch chỉ được sử dụng làm thực phẩm và phải được làm chín bằng nhiệt. Dụng cụ sử dụng thu hoạch tôm xong cần được khử trùng, phơi nắng.

+ Nếu tôm còn bé thì đóng cống và huỷ tôm bằng Chlorine liều lượng dùng là 30 - 50gam/m3 (đối với Chlorine có hoạt tính từ 60 – 80%) nước ao sau khi xử lý cần phải lưu giữ trong ao 10 - 15 ngày mới thải ra ngoài.

+ Phải thận trọng trong hoạt động mua bán, chế biến tôm trong vùng nuôi bị bệnh, giữa vùng nuôi bị bệnh và vùng khác.

+ Tôm  và giáp xác khác chết cần được thu gom cẩn thận và huỷ bỏ đúng nơi quy định (bằng cách chôn với vôi ngay tại nơi bị phát sinh bệnh)

+ Sau khi xử lý chlorine như trên phải cải tạo lại ao nuôi đúng quy trình, mới đảm bảo cho việc nuôi thả tôm.

* Cách tính toán  lượng Chlorine cần dùng để xử lý ao nuôi bị bệnh:

-  Để nguyên mực nước ao, tính toán cụ thể lượng nước ao theo công thức:

                                          V= S x H

 Trong đó: S là diện tích ao tính bằng (m2),

                  H là độ sâu mức nước ao tính bằng (mét)

- Tính liều lượng Chlorine cần dùng theo công thức tính sau:  

                                         m =  V x A/1.000

Trong đó:    m: là khối lượng Chlorine cần dùng (kg)

                    V: Thể tích ao nuôi (m3)

                    A: liều lượng xử lý (30-50gam/m3)

Ví dụ: Khi xử lý một ao nuôi tôm bị bệnh có khối lượng nước là 5.000m3.  Khối lượng Chlorine (nếu xử lý mức 30gam/m3) để xử lý là: 

m =  V x A/1000  = 5.000 x 30 /1000 = 150 (kg)

* Lưu ý: Tuỳ chất lượng và hoạt tính Clorine và pH nước ao nuôi để quyết định liều chlorine; Chlorine cần hoà thật tan với nước ngọt rồi tạt xuống ao, khi tạt Chlorine cần tạt phía trên hướng gió; không bón vôi trước khi sử dụng Chlorine vì sẽ làm giảm tác dụng của hoá chất này. Sử dụng các dụng cụ bảo hộ để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Tags: benh dom trang o tom, nuoi tom, nuoi trong thuy san


Có thể bạn quan tâm

ha-tinh-phat-trien-nhanh-nuoi-tom-cong-nghe-cao-tren-cat Hà Tĩnh phát triển nhanh… nguoi-nuoi-tom-can-biet-nguyen-nhan-lam-tom-chay-trong-ao-va-cach-xu-ly Người nuôi tôm cần biết…