Mô hình kinh tế Hướng Đến Mặt Hàng Cao Su Sản Xuất Lốp Ô Tô

Hướng Đến Mặt Hàng Cao Su Sản Xuất Lốp Ô Tô

Ngày đăng 19/09/2014

Lâu nay, mặt hàng chủ lực của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận là RSS1, RSS3, SVR3L, SVR5L được  dùng để sản xuất găng tay, dây thun, đế giày dép… Còn hiện tại, công ty đang hướng mặt hàng thị trường cần, dùng để  chế tạo lốp  ô tô.

Dịch chuyển từ thị trường

Nếu sắp tới  không mưa nhiều, không gió bão thì vùng cao su ở Đức Linh, Tánh Linh năm nay khả năng trúng mùa. Tuy nhiên, không có tín hiệu nào để người trồng cao su ở đây hy vọng giá mủ sẽ lên (trong thời gian cạo kéo dài) từ nay đến tết.

Hiện giá cao su thành phẩm SVR 3L, một chủng loại mủ tốt  đang có giá 30 triệu đồng/tấn, thấp nhất kể từ năm 2008 (tính theo tỷ giá đô la Mỹ). Vì thế, các cơ sở, doanh nghiệp cao su đang đối mặt với tình cảnh tồn kho.

Tại Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận tồn hơn 1.500 tấn mủ các loại, chủ yếu là sản phẩm SVR 3L, SVR 5L, RSS1, RSS2. Trong khi đó, trên thị trường thế giới  thì sản phẩm cao su SVR 10, SVR 20 đang tiêu thụ mạnh. Điều này  cũng có  nghĩa là các doanh nghiệp chế biến cao su của Việt Nam nếu không chuyển mặt hàng  sản xuất, bắt kịp nhu cầu thị trường thì sẽ tiếp tục tồn đọng sản phẩm cho dù sản phẩm đó đạt chất lượng tốt như SVR 3L.

Thông tin từ các báo cho thấy, từ năm 2013, bốn nước nhập khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới là: Trung Quốc, Malaysia, Mỹ và Nhật Bản đã nhập gần 66% trong tổng số gần 10 triệu tấn cao su thiên nhiên xuất khẩu của các nước, trong đó, nhiều nhất là cao su dùng để sản xuất lốp ô tô như SVR 10, SVR 20.

Sản xuất theo nhu cầu thị trường

Nắm bắt nhu cầu này, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận đang tập trung đầu tư nhiều hơn cho dây chuyền sản xuất 2 loại hàng SVR 10, SVR 20 đồng thời bố trí thêm kỹ thuật bắt đầu nâng sản lượng 2 sản phẩm trên cùng với 2 sản phẩm khác là CV50, CV60.

Đồng thời vẫn củng cố các mặt hàng chủ lực lâu nay, vì thế đến nay, công ty đã có nhiều bộ sản phẩm mủ cao su theo hướng đa dạng hóa đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận, nếu so sánh giữa các loại mủ thành phẩm thì cao su SVR 3L là loại tốt được thu hoạch vào sáng sớm, chỉ vài giờ sau khi vừa cạo mủ xong.

Còn SVR 10 hay SVR 20 được thu mủ vào cuối ngày, khi cao su trong chén... đã đông lại, kèm theo đó có một lượng tạp chất nhất định. Hiện công ty đang sản xuất thử nghiệm 2 mặt hàng mà thị trường đang cần này để phân tích chất lượng, chi phí, giá thành sản phẩm so với giá bán ra sao.

Vì qua tìm hiểu có một số công ty cao su đã thử nghiệm cho rằng,  sản xuất SVR 10, SVR 20 không sử dụng hóa chất nên chi phí đầu vào giảm khoảng 6 đô la Mỹ/tấn; chi phí vận chuyển giảm 35% và nếu công suất chế biến trên 6.000 tấn/năm thì chi phí giảm thêm 20% nữa, tương đương 20 đô la Mỹ/tấn; chi phí xử lý nước thải cũng giảm 50%, tương đương 7 -15 đô la Mỹ/tấn. Tính ra, chi phí sản xuất SVR 10, SVR 20 giảm được khoảng 200 đô la Mỹ/tấn.

Ông Thanh cho rằng, đây là cơ hội để công ty đẩy hàng xuất bán, vì hàng SVR 10, SVR 20 có giá thấp, dễ bán. Đây cũng là hy vọng, vì năm nay, công ty sẽ sản xuất gần 12.000 tấn thành phẩm mủ các loại, trong đó vùng nguyên liệu của công ty đạt 6.700 tấn, thu mua mủ trong dân 5.000 tấn.


Có thể bạn quan tâm

dac-san-binh-thuan-ninh-thuan-lam-dong-chao-hang-thi-truong-ha-noi Đặc Sản Bình Thuận -… 130-tan-thanh-long-cho-ha-noi-moi-ngay 130 Tấn Thanh Long Cho…