Mô hình kinh tế Hướng Đi Bền Vững Cho Nghề Câu Cá Ngừ

Hướng Đi Bền Vững Cho Nghề Câu Cá Ngừ

Ngày đăng 18/09/2014

Đề án thí điểm tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đang được triển khai. Nhiều mô hình liên kết bước đầu khẳng định hiệu quả theo hướng phát triển bền vững.

Nghề khai thác cá ngừ đại dương du nhập vào Việt Nam từ năm 1994, tuy hình thành muộn nhưng có tốc độ phát triển nhanh. Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), hiện số lượng tàu khai thác cá ngừ trên cả nước có khoảng 3.600 chiếc. Tổng số lao động tham gia khai thác cá ngừ khoảng 35.000 người. Sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã được xuất khẩu đến 99 nước trên thế giới, trong đó thị trường chủ yếu là Mỹ, EU và Nhật Bản.

Trong thời gian qua, nghề khai thác cá ngừ đại dương đã có bước phát triển mạnh, nhưng vẫn còn bộc lộ một số bất cập. Ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa), cho biết: “Hiện Phú Yên có tàu làm dịch vụ thu mua trên biển nhưng chủ yếu ở vùng ven bờ và chưa có tàu dịch vụ hậu cần thu mua cá ngừ đại dương.

Trong khi đó, các tàu câu cá ngừ đại dương về đến bờ thì các nậu, vựa chủ yếu mua xô, ép cấp, ép giá gây bất lợi lớn cho ngư dân; không tạo được động lực để khuyến khích ngư dân bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch.

Công tác dự báo ngư trường còn hạn chế, ngư dân khó tiếp nhận được thông tin. Nghề câu tay kết hợp ánh sáng cho năng suất rất cao, kỹ thuật đơn giản, chi phí chuyến biển thấp nhưng chất lượng cá đánh bắt được kém. Nếu cải thiện được nhược điểm này thì nghề câu tay kết hợp ánh sáng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trong tương lai…”.

Với định hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững nghề câu cá ngừ, Bộ NN-PTNT đã triển khai đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Để thực hiện đề án này, Phú Yên xây dựng mô hình liên kết từ khâu khai thác, bảo quản, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ. Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Bá Hải, cho biết: Công ty có kế hoạch liên kết với ngư dân thành lập 5 tổ, đội khai thác cá ngừ (khoảng 50 tàu).

Công ty cũng mua mới 5 tàu vỏ composite hoặc vỏ thép làm dịch vụ hậu cần trực tiếp trên biển kết hợp khai thác, đảm bảo cá sau khi thu hoạch được đưa về chế biến nhanh nhất.

Hiện Công ty cổ phần Bá Hải được Bộ KH-CN chọn phối hợp với Tập đoàn ABI (Nhật Bản) chuyển giao công nghệ đông lạnh sản phẩm theo công nghệ CAS. Với công nghệ này, chất lượng cá khi rã đông vẫn tươi ngon như ban đầu. Dự kiến khoảng tháng 12/2014, doanh nghiệp sẽ hoàn thành và đưa công nghệ CAS vào sử dụng.

Tại tỉnh Bình Định, đề án thí điểm tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị cũng đang được triển khai. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định, cho biết: Trên cơ sở bản ghi nhớ cam kết hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Định và Hội Hữu nghị Việt - Nhật tại Sakai (Nhật Bản), Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định xây dựng mô hình thí điểm tổ chức khai thác, thu mua và xuất khẩu cá ngừ đại dương nguyên con sang Nhật.

Mô hình này có 3 bên tham gia gồm nhóm ngư dân, Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định và Công ty Kato Hitoshi General Office (Nhật Bản). Nhóm ngư dân có 5 tàu câu cá ngừ đại dương và được trang bị 5 bộ thiết bị câu cá ngừ mua từ Nhật Bản, gồm máy tạo xung và máy thu câu tự động với chi phí khoảng 1,3 tỉ đồng.

Theo đề án thí điểm, mục tiêu đến năm 2020, sản lượng khai thác cá ngừ đạt 89.000 tấn/năm, số lượng tàu khai thác cá ngừ đối với nghề câu là 2.000 chiếc, nghề lưới vây là 1.550 chiếc và tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác cá ngừ khoảng 65 chiếc.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết: “Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế đã làm việc với đối tác phía Nhật Bản và họ đồng ý quy hoạch, thiết kế chi tiết trung tâm nghề cá vùng tại Khánh Hòa để phục vụ khai thác xa bờ.

Đơn vị cũng đề xuất phía Nhật Bản hỗ trợ vốn ODA để quy hoạch, đầu tư xây dựng và nâng cấp các cảng cá chuyên dụng cho 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; chuyển giao công nghệ đóng tàu (đặc biệt là mẫu tàu câu và tàu lưới vây đuôi) và kỹ thuật khai thác cá ngừ đại dương. Ngoài ra, cơ quan xúc tiến thương mại phía Nhật Bản còn hỗ trợ tìm kiếm đối tác đầu tư vốn, công nghệ, hợp tác kinh doanh, bao tiêu sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực khai thác và thương mại đối với sản phẩm cá ngừ đại dương”.

Theo thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, thời gian qua, một số chính sách liên quan đến phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân đã được ban hành khá đầy đủ. Để thực hiện tốt các chính sách này, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các địa phương để đưa ra quy trình chuẩn về kỹ thuật khai thác, bảo quản để hướng dẫn cho các địa phương và ngư dân.


Có thể bạn quan tâm

tom-hum-thuong-pham-duoc-gia Tôm Hùm Thương Phẩm Được… tang-cuong-kiem-tra-cu-qua-tuoi-nhap-khau Tăng Cường Kiểm Tra Củ…