Mô hình kinh tế Hướng Đi Mới Cho Chăn Nuôi Dê, Cừu

Hướng Đi Mới Cho Chăn Nuôi Dê, Cừu

Ngày đăng 30/07/2013

Từ sau cơn biến động rớt giá trong những năm 2005, 2006 làm các trang trại và người chăn nuôi lao đao, thì hiện nay dê, cừu đã dần lấy lại vị thế với tổng đàn ngày càng tăng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có đàn dê gần 60.000 con và đàn cừu gần 82.500 con. Do điều kiện chăn thả thuận lợi hơn, nhiều nông dân chuyển từ nuôi dê sang nuôi cừu, nên đàn cừu có xu hướng mở rộng, nhưng nhìn chung chăn nuôi dê hay cừu đều có hướng đi mới đầy triển vọng.

Tìm hiểu ở những người chăn nuôi, chúng tôi được biết giá bán thịt dê, cừu ngày càng nhích lên, bảo đảm đem lại lãi suất cho người chăn nuôi. Bà Lê Thị Hoa, ở thôn An Hòa, (xã Xuân Hải, Ninh Hải) cho biết: “Cừu thịt có giá từ 82.000đồng đến 83.000 đồng/kg hơi, so với giá dê thịt cũng không chênh lệch bao nhiêu.

Từ đầu năm đến nay, tôi đã xuất bán gần 40 con nên có nắm được đôi chút tình hình về thị trường tiêu thụ. Hiện nay, tuy giá có hạ xuống chút đỉnh nhưng không ảnh hưởng nhiều đến người chăn nuôi”. Theo chị Lưu Thị Mỹ, một người chăn nuôi trong vùng, bình quân người nuôi từ 100 con trở lên, thông thường với số cừu thịt xuất chuồng mỗi năm có khả năng thu lãi khoảng 60-100 triệu đồng.

Đây rõ ràng là tín hiệu mới rất đáng phấn khởi cho chăn nuôi dê, cừu. Còn nhớ những năm 2003-2005, giai đoạn được coi “thịnh” nhất của nghề chăn nuôi dê, cừu ở tỉnh ta, khi ấy giá dê, cừu thịt bình quân cũng chỉ cỡ 28.000-30.000 đồng/kg hơi mà đã mang lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi.

Nhưng hiện nay, với giá bán thịt còn cao hơn và “đầu ra” mạnh hơn đã chứng tỏ việc chuyển hướng nuôi dê, cừu thương phẩm đang trở thành ngành kinh tế quan trọng. Có dịp đi trên con đường mới từ Xuân Hải lên Phước Trung, chúng tôi bắt gặp nhiều chuồng trại quy mô lớn mọc lên dày đặc. Có trại nuôi trên cả ngàn con cừu như trại ông Trần Cao Hòa ở thôn Đồng Dày.

Trao đổi với chúng tôi về lĩnh vực chăn nuôi dê, cừu trong xu hướng phát triển mới, ông Đặng Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KNKN) tỉnh nhận định: “Nhu cầu rất lớn của thị trường tiêu thụ thịt dê, cừu cho thấy “đầu ra” không còn phải lo như trước, nhưng đồng thời cũng đặt ra vấn đề về nâng chất lượng sản phẩm dê, cừu, đã đến lúc cần phải cải tạo giống và có phương pháp nuôi thích hợp”. Tầm quan trọng của cải tạo giống trong phát triển đàn dê, cừu là điều hiển nhiên. Trong thực tế, từ năm 2002 đến nay, Trung tâm KNKN tỉnh đã quan tâm thực hiện mô hình cải tạo đàn cừu, chuyển giao các hộ chăn nuôi có được giống tốt.

Với giống cừu lai Úc, chỉ cần 7-8 tháng nuôi theo đúng kỹ thuật sẽ xuất chuồng, có trọng lượng bình quân mỗi con thịt 30 kg. Những năm gần đây, nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh, chăn nuôi dê, cừu đã có những bứt phá đáng ghi nhận. Trước hết là sự ra đời của Liên minh Nuôi cừu Huỳnh Thiên đã mở màn cho sự hợp tác tự nguyện đầu tiên giữa doanh nghiệp tư nhân với Tổ hợp tác Nuôi cừu xã Xuân Hải (Ninh Hải).

Dù sự hợp tác đã “gãy gánh giữa đường” sau 1 năm hoạt động nhưng tác dụng từ mô hình hợp tác đã được chứng minh rõ. Đến nay, 52 hộ nuôi cừu với tổng đàn trên 2.000 con vẫn duy trì tổ hợp tác, cùng nhau áp dụng công nghệ, phương thức làm ăn mới và mở rộng thị trường tiêu thụ. Chính hiệu quả của mô hình tổ hợp tác đang gợi ý cho sự hình thành HTX nuôi cừu tương lai ở tỉnh ta.

Ngoài ra, sự hình thành Liên minh sản xuất giống dê lai Bachboer Phước Hậu (Ninh Phước) với hàng chục hộ chăn nuôi có tên tuổi ở khắp các nơi trong tỉnh tham gia, tuy thời gian hoạt động còn ngắn nhưng bước đầu cho thấy sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh hướng tới mục tiêu tạo thương hiệu giống dê lai siêu thịt Bachboer Phước Hậu đang thúc đẩy chăn nuôi dê phát triển.

Một người chăn nuôi dê ở Phước Hậu, thành viên Liên minh cho biết: “Qua nuôi thử dê lai siêu thịt Bachboer, tôi nhận ra đây đúng là giống dê có nhiều ưu điểm, cùng thời gian nuôi nhưng trọng lượng của nó đã lớn gấp rưỡi con dê thường. Trong tương lai có lẽ nó sẽ thay thế dần giống dê địa phương và đem lại lợi nhuận rất lớn khi bán thịt”. Hiện nay việc xây dựng thương hiệu dê lai siêu thịt Bachboer đang được Phước Hậu xúc tiến với sự hỗ trợ của tỉnh.

Theo ngành NN&PTNT, để có “đầu ra” thật sự ổn định, các địa phương nên mở rộng, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia vào lĩnh vực giết mổ, chế biến, bảo quản, hình thành mối liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành NN&PTNT dự kiến trong những năm tới sẽ xây dựng nhiều chương trình, mô hình xuống tận huyện, xã nhằm giúp người chăn nuôi dê, cừu phát triển theo hướng đi mới, trên cơ sở quy hoạch đồng cỏ, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, mô hình chuyển giao và nâng chất lượng dê, cừu thịt.


Có thể bạn quan tâm

vu-yen-son-voi-mo-hinh-trai-ga-sieu-trung Vũ Yên Sơn Với Mô… nang-cao-hieu-qua-san-xuat-cay-lua Nâng Cao Hiệu Quả Sản…