Tin thủy sản Hướng đi mới cho mô hình tôm – lúa

Hướng đi mới cho mô hình tôm – lúa

Tác giả Xuân Trường, ngày đăng 21/10/2020

Lúa thơm – Tôm sạch” là chủ trương mới nhằm “nâng tầm” cho mô hình tôm – lúa và mục tiêu mà ngành thủy sản đang hướng tới nhằm tạo ra sản phẩm đạt chứng nhận quốc tế, như: sinh thái, hữu cơ, ASC… để tiến tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trong mô hình.

Cần phát triển mô hình tôm – lúa theo hướng nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu Ảnh: PTC

Tầm nhìn mới

Là người nhiều năm gắn bó, nghiên cứu mô hình tôm – lúa ở ĐBSCL, TS Võ Nam Sơn, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, nhận xét: “Năng suất của tôm trong mô hình tôm – lúa hiện bình quân chỉ 300 – 500 kg/ha, còn lúa cao nhất cũng chỉ 700 kg/ha. Do đó, vấn đề hiện nay đặt ra đối với chúng ta là nên tập trung vào giải pháp tăng năng suất hay tăng giá trị cho con tôm và cây lúa trong mô hình thông qua việc sản xuất và đạt các chứng nhận quốc tế. Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, dưới tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng sâu và cao nên diện tích tôm – lúa ở Cà Mau cũng đang dần bị đẩy lùi vào nội địa và để lại phía sau nó là mô hình quảng canh cải tiến. Vì vậy, cần có một cái nhìn mới về tính bền vững của mô hình tôm – lúa trong điều kiện này”.

Ông Huỳnh Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu cho biết, tỉnh Bạc Liêu hiện có 25.800 ha nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh, 72.796 ha nuôi quảng canh cải tiến và 39.578 ha tôm – lúa. Khác với Cà Mau, mô hình tôm – lúa của Bạc Liêu không bị đẩy lùi vào nội địa mà lại lan rộng ra, nên theo định hướng chung của tỉnh, đến năm 2030, diện tích tôm – lúa sẽ vào khoảng 45.000 – 50.000 ha. Mô hình tôm – lúa của Bạc Liêu cũng rất đa dạng, nhưng có hiệu quả nhất tập trung vào 3 mô hình: tôm sú – lúa với tôm sú được thả 2 – 3 đợt trong 1 vụ nuôi; mô hình sú, thẻ (2 – 3 đợt/vụ) kết hợp thả xen cua vào mùa khô, sau đó lặp lại vụ lúa vào mùa mưa và cuối cùng là mô hình tôm sú, thẻ mùa khô (2 – 3 đợt/vụ) và cây lúa, tôm càng xanh trong mùa mưa. Đối với cây lúa, nhờ áp dụng sạ hàng nên lượng giống giảm xuống chỉ còn 50 kg/ha, với các giống lúa thơm chất lượng cao, trong đó có giống ST.

Mục tiêu tăng giá trị

Đối với vấn đề phát triển bền vững cho mô hình tôm – lúa, theo kỹ sư Hồ Quang Cua, vùng tôm – lúa rất thuận lợi cho việc sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ, nhất là đối với cây lúa. Tuy nhiên, quan trọng là phải làm sao chủ động trong việc rửa mặn để đất không bị mặn hóa và cần có sự kết nối giữa các vùng để không chỉ đảm bảo về số lượng, chất lượng mà còn tạo được tính liên tục giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn hàng xuất khẩu, tiến tới xây dựng thương hiệu hay chỉ dẫn địa lý.

Đồng tình với định hướng phát triển mô hình tôm – lúa theo hướng nâng cao giá trị và tiến tới xây dựng thương hiệu, nhưng với kinh nghiệm nhiều năm thực hành nuôi tôm đạt chứng nhận hữu cơ, ông Lâm Thái Xuyên, Giám đốc Công ty CP Xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, chia sẻ: “Đến thời điểm này chỉ mới có con tôm rừng của Cà Mau là đạt chứng nhận hữu cơ, còn các mô hình nuôi khác thì hầu như chưa có. Điều này cho thấy, việc đạt chứng nhận tôm hữu cơ đối với các mô hình nuôi khác là không hề đơn giản, vì chỉ với 2 tiêu chí đầu vào là con giống và thức ăn phải đạt chứng nhận hữu cơ thôi là chúng ta đã khó lòng đáp ứng được. Do đó, trong định hướng cần cân nhắc, trước mắt chỉ nên lấy cây lúa làm chứng nhận hữu cơ, còn con tôm chỉ nên thực hành đạt các chứng nhận quốc tế, như: ASC, BAP… khi nào điều kiện thuận lợi mới nâng con tôm lên chứng nhận hữu cơ”.

Liên quan đến vấn đề liên kết sản xuất, các doanh nghiệp ngành tôm lẫn lúa gạo, như: Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty CP Việt – Úc, Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú, DNTN Hồ Quang… đều khẳng định sẽ đồng hành cùng mô hình trong việc tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ hay các chứng nhận quốc tế khác nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả của mô hình tôm – lúa.


Có thể bạn quan tâm

thi-diem-mo-hinh-san-xuat-giong-ca-leo-tai-quang-tri Thí điểm mô hình sản… luu-y-nuoi-tom-mua-mua Lưu ý nuôi tôm mùa…