Hướng Đi Mới Cho Ngành Cá Tra
Những năm qua cá tra được xem là sản phẩm “độc quyền” của Việt Nam trên thế giới, sản lượng chiếm hơn 80% thị phần cá tra toàn cầu. Cá tra của Việt Nam được xuất đi 149 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch năm 2013 đạt hơn 1,76 tỷ USD.
Riêng 4 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu cá tra mang về 546 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ. Nhưng nghịch lý là diện tích nuôi cá tra lại giảm hơn 19%, căng thẳng nhất là giá cá tiếp tục giảm mạnh xuống mức 21.000 - 23.000 đồng/kg.
Giá cả phập phù
Nhiều ý kiến đặt vấn đề, vì sao giá cá tra cứ mãi phập phù, chỉ nhích lên trong thời gian ngắn rồi rớt giá kéo dài mấy năm liền khiến hàng loạt hộ nuôi cá lỗ te tua, nợ chất chồng, ao hầm bỏ phế tăng liên tục. Tại sao sản phẩm độc quyền “một mình một chợ” trên thế giới nhưng luôn bị các nhà nhập khẩu ép giá đến nỗi bán rẻ “như cho”.
Có nhiều nguyên nhân được đưa ra như phát triển nóng, mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp, cạnh tranh nội bộ, bán phá giá, bán sản phẩm kém chất lượng gây mất uy tín, thiếu quản lý về chuyên môn, thiếu chiến lược phát triển dài hạn…
Câu chuyện này được đưa ra bàn thảo tại rất nhiều hội nghị đến nỗi “nói mãi khổ lắm” nhưng cuối cùng vẫn đâu vào đấy (!?). Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cảnh báo, hiện nay ngành cá tra đang lún sâu vào 3 cái thừa là “thừa diện tích, thừa nhà máy chế biến xuất khẩu và thừa nhà máy sản xuất thức ăn”; từ đó gây ra những lãng phí lớn về cơ sở vật chất, trong khi ngành cá tra ngày càng yếu.
Chính phủ đã xác định đưa cá tra trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước và mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 về “nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra”; nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo hướng đi mới thúc đẩy ngành cá tra phát triển bền vững. Bộ NN-PTNT cho rằng, Nghị định 36 ra đời sẽ giải quyết hàng loạt những bất cập tồn tại của ngành cá tra trong nhiều năm qua.
Từ đó siết chặt vấn đề quy hoạch, diện tích nuôi, sản lượng, tiêu chuẩn sản phẩm, giá cả xuất khẩu… đưa ngành cá tra vào hoạt động một cách bài bản. UBND các tỉnh ĐBSCL tỏ ra phấn khởi bởi từ ngày 20-6 trở đi nghị định về cá tra sẽ có hiệu lực, khi đó những doanh nghiệp, cá nhân… làm ăn kiểu chụp giựt sẽ bị loại bỏ.
Kỳ vọng là vậy, tuy nhiên mới đây khi Bộ NN-PTNT cùng Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tổ chức triển khai nghị định nêu trên thì vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn về việc sắp xếp lại hoạt động của ngành này.
Đại diện VASEP và một số doanh nghiệp “đầu đàn” tỏ ra không hài lòng khi nghị định giao cho Hiệp hội Cá tra Việt Nam là đơn vị quản lý và xác nhận tất cả các hợp đồng xuất khẩu cá tra ra thế giới. Rồi chuyện quy định chất lượng sản phẩm, xác định giá sàn cá nguyên liệu và giá sàn sản phẩm phi lê… cũng có những ý kiến tranh cãi.
Ai cũng biết việc nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra lâu nay theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, từ đó dẫn đến không ít trường hợp “cá lớn nuốt cá bé”, cạnh tranh không lành mạnh.
Nguy hiểm nhất là xuất hiện một số doanh nghiệp sẵn sàng chế biến sản phẩm kém chất lượng để bán phá giá, làm mất lòng tin của người tiêu dùng thế giới đối với cá tra Việt Nam. Mặt khác, giá cá tra nguyên liệu trong nước tăng hay giảm chủ yếu do một vài doanh nghiệp lớn “thâu tóm, làm giá” theo dạng “lợi ích nhóm”.
Đây chính là sự “lộn xộn” bất hợp lý, làm cho ngành cá tra chao đảo trong nhiều năm qua. Từ những yếu tố trên, nên khi siết chặt lại hoạt động ngành cá tra khiến một số doanh nghiệp “lợi ích nhóm” không còn cơ hội để thao túng và họ mạnh dạn phản ứng là chuyện hiển nhiên.
Hộ nuôi cá thể “chết dần”
Có một thực tế là nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL đang thay đổi rõ rệt. Nếu như trước đây đa số nông dân nuôi cá trên phần đất của mình để cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Trong khi hiện nay những hộ nuôi cá thể đã “chết dần” và có tới 70%, thậm chí 80% diện tích và sản lượng cá tra do doanh nghiệp nuôi.
Nguyên nhân do chi phí nuôi cá tra bây giờ quá lớn, trong khi tính rủi ro cao bởi doanh nghiệp “ngại” ký hợp đồng với nông dân, từ đó đẩy nông dân từng bước đứng ngoài cuộc chơi. Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL nhìn nhận, xóa hình thức nuôi cá nhỏ lẻ để tiến tới nuôi tập trung quy mô lớn, áp dụng các tiêu chuẩn như GlobalGAP, VietGAP… là cần thiết.
Song, cũng cần xem lại một số doanh nghiệp ôm đồm nuôi cá quá nhiều, xảy ra tình trạng không quản lý được khiến chi phí giá thành tăng cao, hao hụt và thất thoát nhiều; chưa kể việc doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn nhưng đầu tư dài hạn dẫn tới mất cân đối tài chính, thua lỗ…
Bộ NN-PTNT khẳng định, Nghị định 36/2014/NĐ-CP về “nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra” đang triển khai dù còn những trở ngại nhưng quan điểm chung là phải cương quyết thực hiện, bởi đây là cơ sở pháp lý cao nhất để ổn định và phát triển bền vững ngành cá tra.
Quá trình triển khai nếu nảy sinh khó khăn thì sẽ khắc phục. Không chỉ chính quyền địa phương, ngành chuyên môn, người nuôi cá, doanh nghiệp làm ăn chân chính… sẽ ủng hộ nghị định này, mà các đối tác quốc tế cũng đồng tình bởi họ an tâm và đánh giá cao nghề sản xuất, xuất khẩu cá tra của Việt Nam được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.
Làm sao hài hòa lợi ích giữa người nuôi với doanh nghiệp xuất khẩu và nhà cung cấp thức ăn, con giống… nhằm cung cấp cho người tiêu dùng thế giới sản phẩm cá tra chất lượng, giá cả hợp lý là mục tiêu mà ngành công nghiệp cá tra đang hướng tới.
Theo các nhà chuyên môn, cần nghiên cứu mô hình nuôi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Cụ thể, nông dân đầu tư đất đai, ao hầm và công chăm sóc, còn doanh nghiệp đầu tư con giống và thức ăn; đến khi thu hoạch thì doanh nghiệp lấy nguyên liệu và trả tiền công cho nông dân. Mô hình “nuôi gia công” này được xem là giải pháp hài hòa lợi ích đôi bên.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ