Mô hình kinh tế Kết Thúc Vụ Mì Năm 2013 - 2014 Nông Dân Và Nhà Máy Đều Có Lợi

Kết Thúc Vụ Mì Năm 2013 - 2014 Nông Dân Và Nhà Máy Đều Có Lợi

Ngày đăng 03/06/2014

Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Ðịnh (BDSTAR) vừa kết thúc niên vụ sản xuất năm 2013-2014. Trong vụ này, năng suất mì toàn tỉnh Bình Định đạt mức khá cao (bình quân từ 25-30 tấn/ha), giá mua mì nguyên liệu ổn định nên nông dân lãi khá cao.

Trúng mùa, được giá

Nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân và nhà máy, trong vụ sản xuất 2013-2014, BDSTAR đã điều chỉnh các chính sách đầu tư, mua nguyên liệu với giá hợp lý hơn. Về giá mua mì nguyên liệu, BDSTAR đưa ra mức giá bảo hiểm với giá sàn 1,5 triệu đồng/tấn đối với mì nguyên liệu có hàm lượng tinh bột đạt từ 30% trở lên; mức giá bảo hiểm này cao hơn 300 ngàn đồng/tấn so với niên vụ trước.

Tùy vào giá cả thị trường tại từng thời điểm, Công ty đã nâng mức giá mua mì nguyên liệu hợp lý, đảm bảo tăng từ 20-30% so với mức giá sàn. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã thực hiện hỗ trợ cước vận chuyển đối với các vùng nguyên liệu ở xa nhà máy; đa dạng hóa hình thức mua nguyên liệu, đảm bảo mua hết mì của nông dân.

Ông Lê Thanh Hà, Phó Giám đốc BDSTAR, cho biết: Trong niên vụ sản xuất 2013-2014, công ty đã mua 25.000 tấn mì của nông dân trong tỉnh, chế biến được 6.000 tấn tinh bột mì.

Nhờ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các nước ổn định nên sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không bị tồn đọng nhiều như các năm trước. Trong vụ sản xuất này, BDSTAR mua mì nguyên liệu của nông dân với giá bình quân cả vụ từ 1,8 triệu đồng/tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước trên 400 ngàn đồng/tấn.

Cuối vụ sản xuất, có thời điểm nhà máy đã tăng giá mua thêm 150 ngàn đồng/tấn, nâng giá mì nguyên liệu lên 1,95 triệu đồng/tấn đối với mì có hàm lượng tinh bột đạt 30% - mức cao nhất từ trước đến nay. Không những mua hết nguyên liệu mì trong tỉnh, Công ty còn mở rộng địa bàn mua nguyên liệu sang các tỉnh lân cận như Phú Yên, Gia Lai, Quảng Ngãi…

Công tác tổ chức mua mì nguyên liệu được công ty triển khai hợp lý, tạo thuận lợi cho nông dân. Việc vận chuyển được thực hiện nhanh chóng, không để ảnh hưởng đến sản lượng và hàm lượng tinh bột mì; sau khi cân nhập vào bãi chứa nguyên liệu của nhà máy, người bán được thanh toán tiền mặt ngay. Theo tính toán của người trồng mì, với giá mua bình quân 1,8 triệu đồng/tấn, mỗi héc ta mì cho thu nhập gần 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, còn lãi từ trên 20 triệu đồng/ha, cao gần gấp đôi so với vụ trước.

Nâng công suất nhà máy lên gấp đôi

Theo kế hoạch, sau khi kết thúc vụ sản xuất 2013-2014, BDSTAR sẽ tạm nghỉ trong 2 tháng để sửa chữa, bảo trì máy móc thiết bị, nâng công suất nhà máy lên gấp đôi và sẽ chính thức bước vào vụ sản xuất mới từ đầu tháng 8 tới.

Ông Lê Thanh Hà cho biết thêm: Hiện nay, nhà máy đã đầu tư 25 tỉ đồng để lắp đặt dây chuyền thiết bị, nâng công suất của nhà máy lên gấp đôi, từ 250 tấn mì nguyên liệu/ngày lên 500 tấn/ngày. Hệ thống dây chuyền thiết bị sản xuất tại Đức đã được đơn vị nhập về và đang tiến hành lắp đặt để kịp đưa vào hoạt động từ đầu vụ sản xuất đến.

Cũng theo lãnh đạo BDSTAR, nhằm đảm bảo cung ứng đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động sau khi nâng công suất, thời gian qua, BDSTAR đã tăng cường đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu và nâng cao năng suất mì; quy hoạch mở rộng vùng nguyên liệu từ 4.400 ha lên 8.800 ha tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão... Các giống mì được trồng phổ biến hiện nay gồm: KM 60, KM 94, KM 98-2, KM 98-5, KM 140-2, KM 146, KM 163, SM 37026, SM 937-26… Năng suất mì bình quân đạt từ 25 - 30 tấn củ tươi/ha, cá biệt có nơi đạt tới 35 - 40 tấn/ha.

Hiện nay, Công ty đang chủ động phối hợp với Sở NN-PTNT đưa một số giống mì mới triển vọng cho năng suất và hàm lượng tinh bột cao về trồng khảo nghiệm tại xã Cát Lâm (Phù Cát), nhằm thay thế các giống mì hiện có đang dần bị thoái hóa.

Đáng chú ý là các giống mì mới như KM 419, KM140, Lay Joong 09 có tiềm năng năng suất đạt 60 tấn/ha, thời gian sinh trưởng từ 8 - 10 tháng, đang được khảo nghiệm, cây mì sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao. Công ty cũng sẽ tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân vùng nguyên liệu các quy trình kỹ thuật trồng mì thâm canh, rải vụ nhằm nâng cao năng suất mì bình quân của tỉnh.

Trong vụ sản xuất tới, BDSTAR tiếp tục áp dụng giá bảo hiểm mua mì nguyên liệu ở mức trên 1,5 triệu đồng/tấn đối với mì có hàm lượng tinh bột từ 30% trở lên. Tùy vào giá thị trường tại từng thời điểm, đơn vị sẽ có thông báo giá mua hợp lý nhưng đảm bảo không thấp hơn giá bảo hiểm nói trên.

Đối với các vùng nguyên liệu trọng điểm của nhà máy, đơn vị sẽ hỗ trợ cho nông dân mượn mì giống, mượn vốn để sản xuất và bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý. BDSTAR cam kết thực hiện hợp đồng mua nguyên liệu với nông dân theo tinh thần Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...

Nhằm đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, BDSTAR đã đầu tư gần 4 tỉ đồng để xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải của nhà máy. Hiện nay, Công ty đã thành công trong việc đầu tư hệ thống biogas để thu hồi khí mê tan làm nhiên liệu đốt thay dầu FO, góp phần giảm chi phí sản xuất và đảm bảo xử lý môi trường tốt hơn.

Nước thải sau xử lý đạt các chỉ tiêu xả thải của Bộ TN-MT (theo QCVN 40:2011/BTNMT, cột B). Công ty đã làm mô hình dùng nước đã qua xử lý để tưới trên cánh đồng trồng hoa màu cạnh nhà máy, cho năng suất cao và tiết kiệm lượng phân bón hóa học…


Có thể bạn quan tâm

thu-nhap-cao-tu-mo-hinh-rau-an-toan-o-yen-vien-ha-noi Thu Nhập Cao Từ Mô… hieu-qua-tu-mo-hinh-trong-dua-gai-xen-cao-su-o-ngoc-lac-thanh-hoa Hiệu Quả Từ Mô Hình…