Mô hình kinh tế Khá Giả Nhờ Nuôi Tằm Bài Bản

Khá Giả Nhờ Nuôi Tằm Bài Bản

Ngày đăng 13/06/2013

Nhờ được học nghề trồng dâu, nuôi tằm bài bản, nhiều hộ dân xã Bắc Bình (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) bây giờ đang có thu nhập cao từ nghề này và tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Bắc Bình là một trong những xã khó khăn của huyện Lập Thạch, với khoảng 206ha đất trồng lúa, không có nghề phụ nên đời sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn.

Đưa nghề mới về làng

Năm 2001, anh Nguyễn Đức Quang (thôn Bắc Sơn) đã đưa nghề trồng dâu nuôi tằm về làng. Lúc đầu anh chỉ trồng 3 sào dâu, nuôi khoảng 3 vòng trứng (1 sào nuôi được 1 vòng, mỗi vòng kéo dài 20 ngày, thu khoảng 18 - 20kg kén). Hồi đó giá kén mới chỉ 60.000 - 70.000 đồng/kg, nhưng so với trồng lúa thì nghề trồng dâu nuôi tằm cho lợi nhuận hơn hẳn. Xã nằm cạnh sông Hồng nên có diện tích đất bãi tương đối lớn, đất phù sa phì nhiêu rất thích hợp với cây dâu.

Thấy anh Quang trồng dâu nuôi tằm khấm khá, người dân trong thôn, rồi các thôn khác học hỏi, đua nhau trồng dâu nuôi tằm. Nhưng phải đến năm 2008, khi xã tổ chức các lớp dạy nghề về trồng dâu nuôi tằm, cách lấy kén, thì hoạt động trồng dâu nuôi tằm ở đây mới thực sự trở thành nghề. Ông Phùng Xuân Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Bình cho biết: “Vài năm gần đây, khi có chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 và gần đây là Chương trình xây dựng nông thôn mới, hàng năm xã mở 3 - 5 lớp dạy nghề trồng dâu nuôi tằm, mỗi lớp khoảng 30 học viên. Đến nay cả xã có khoảng 40ha dâu, với hơn 100 hộ làm nghề, tập trung ở 3 thôn Bắc Sơn, Bình Long và Hữu Phúc. Nghề này đã tạo việc làm cho hơn 300 lao động, với thu nhập khoảng 2,5-3 triệu đồng/người/tháng” - ông Thành cho biết thêm.

Khá giả nhờ “ăn cơm đứng”

Người dân đi học nghề được hỗ trợ 100% kinh phí, ngoài ra còn được hỗ trợ 20.000 đồng tiền ăn trưa. Mặc dù đã nuôi tằm gần chục năm, nhưng khi được học nghề, anh Quang vỡ ra thêm nhiều điều: “Trước đây, mình trồng dâu theo phương pháp truyền thống, chứ chưa biết cách trồng thế nào để tiết kiệm diện tích, bón phân ra sao để dâu cho nhiều lá, rồi hái dâu cũng đòi hỏi phải có kỹ thuật. Khi tham gia lớp học nghề do xã tổ chức, được các thầy hướng dẫn, tôi mới biết, sau 1 - 2 lần hái cần cho dâu ăn thêm đạm, hoặc phân bón lá...”.

Xã Bắc Bình đang quy hoạch thêm khoảng 30ha để trồng dâu. Trung bình mỗi năm xã sản xuất khoảng 120 tấn kén, thu về khoảng 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, với thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.

Chị Bùi Thị Hường mỗi lứa nuôi khoảng 6 - 8 vòng trứng. Chị cho hay: “Người ta thường bảo “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, nhờ “ăn cơm đứng” mà gia đình tôi đã có của ăn của để, nuôi con cái ăn học đàng hoàng”. Cuối năm ngoái, gia đình chị Hường khánh thành ngôi nhà 3 tầng khang trang, chi phí chủ yếu từ nuôi tằm.

Ông Nguyễn Văn Sự ở thôn Bình Long là một trong những hộ phất lên từ nghề nuôi tằm. Ông bảo, trước đây, khi tằm làm kén ông thường cho làm vào rơm, lá chuối, cành nhãn… nên khi lấy kén rất khó, mất thời gian. Hơn nữa tằm thường làm kén đôi, giá rất rẻ vì khó kéo tơ. “Năm 2009, tôi tham gia lớp học nghề, các thầy dạy chẻ que tre ra thành 4, cắm ngược lên phên nứa đan thưa, rồi cho tằm lên làm kén. Khi lấy kén, chỉ cầm que rút xuống là kén mắc lại trên phên nứa, vả lại làm cách này mình có thể kiểm tra tách kén đôi ra, nên tỷ lệ kén đôi rất ít... Biết cách làm nên cứ mỗi vòng trứng tôi lãi 7 - 9 triệu đồng, tùy theo giá kén” - ông Sự nói.

Ở Bắc Bình không chỉ gia đình chị Hường, ông Sự, mà hàng chục hộ nhờ nuôi tằm đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu như anh Phạm Văn Hiến, anh Trần Văn Cừ, chị Nguyễn Thi Ngân…


Có thể bạn quan tâm

ga-sieu-trung-cho-sieu-lai Gà Siêu Trứng Cho “Siêu… thu-tuong-phe-duyet-de-an-tai-co-cau-nong-nghiep-1 Thủ Tướng Phê Duyệt Đề…