Mô hình kinh tế Khấm Khá Nhờ Bỏ... Buôn Lậu

Khấm Khá Nhờ Bỏ... Buôn Lậu

Ngày đăng 06/06/2013

Đi chở hàng cho bọn buôn lậu cũng là vi phạm pháp luật. Nhận thức được điều này, nhiều hộ đồng bào Khmer ở xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đã trở về làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Quá khứ gian khó

Nằm giáp ranh với vùng "mỏ vẹt" của nước bạn Campuchia, từ lâu dải đất Hòa Thạnh là một trong những địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Tây Ninh. Nơi mà cuộc sống của số đông đồng bào Khmer từ sau giải phóng đến gần đây vẫn rất khó khăn, vì bà con thường có tâm lý ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước.

Ngồi giữa những luống khổ qua (mướp đắng) đang mùa thu hoạch, anh Danh Thi ở ấp Hiệp Phước (Hòa Thạnh) vừa lau mồ hôi, vừa cười hề hề: “Nhờ ơn Đảng và Nhà nước, chỉ mấy năm thôi mà gia đình mình đã có cuộc sống khác hoàn toàn. Trước đây, có nằm mơ mình cũng không nghĩ trồng cây lại dễ dàng và thuận lợi như thế”.

Anh Danh Thi kể rằng: Trước đây, cũng như nhiều thanh niên khác trong ấp, anh nghe bọn xấu xúi giục đi dắt trâu bò thuê, chở xăng... vượt biên cho những chủ buôn lậu. Tính ra, dắt trâu bò thuê từ bên Campuchia về tới địa điểm tập kết mỗi con cũng được vài trăm ngàn đồng, còn đi chở xăng dầu lậu từ bên mình qua bên kia biên giới, mỗi can xăng cũng lãi vài chục ngàn đồng.

Nhưng sau nhờ sự vận động và thuyết phục của chính quyền xã, cùng quyết tâm của mọi người mà anh cùng nhiều gia đình bà con Khmer khác mới bỏ được cách làm ăn bất hợp pháp trên để trở về canh tác sản xuất trên mảnh đất của mình. “Bà con đã hiểu rằng, giúp bọn buôn lậu là vi phạm pháp luật và không bao giờ khấm khá lên được” - anh Thi khẳng định.

Làm giàu trên đất quê hương

Với Chương trình 134 và 135 của Chính phủ mà người dân Khmer ở xã Hòa Thạnh bước đầu đã có vốn, có cơ sở vật chất để thoát nghèo và tiến tới làm giàu. Chị Danh Miên - vợ anh Thi, tươi cười cho hay: Lúc đầu, mấy cán bộ xã và bộ đội biên phòng xuống tận ruộng giúp chúng tôi làm đất, cắm cọc và ương hạt. Rồi mấy ngày sau các anh lại xuống chăm sóc và hướng dẫn bà con tưới nước thường xuyên.

Chỉ hơn một tháng là những dây khổ qua xanh mướt đã mọc kín ruộng, rồi đơm hoa, đậu trái. Chẳng mấy chốc lứa đầu tiên đã cho trái bán, gia đình chị chở xuống dưới chợ Biên Giới, chợ Thành Long, chợ Bến Cầu, để bán. Có tiền, cuộc sống gia đình thay đổi rất nhiều. Con cái cũng đỡ khổ hơn, được ăn uống đầy đủ, có xe đạp đi học như nhiều bạn bè khác.

Quan trọng hơn, thấy gia đình anh Thi làm được, nhiều hộ trong ấp, trong xã như gia đình anh Lốc Rôm, Dốt Sum, Danh Phoong… cũng làm theo. Nay, những ruộng khổ qua, đậu que, khoai mì, cà tím… xanh ngút ngàn mọc khắp nơi, thu hoạch được hàng chục triệu đồng. Vậy là, từ một vùng hoang vu cằn cỗi, màu xanh đã bén rễ trên mảnh đất biên giới Hòa Thạnh, mang đến niềm vui no ấm cho đồng bào Khmer nơi đây.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nghiệp- Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thạnh cho biết: “Trước đây, do nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên làm việc gì cũng khó. Nay, nhiều thanh niên Khmer đã có những thay đổi tích cực trong cách nghĩ, cách làm. Họ mạnh dạn, dám nghĩ dám làm hơn các thế hệ đi trước. Kết quả, rất nhiều hộ đã đổi đời nhờ mô hình vườn cây trang trại của gia đình, thu từ vài chục đến trăm triệu đồng/năm”.

Đó chính là những điển hình tốt nhất, hơn rất nhiều lời tuyên truyền vận động, để các hộ Khmer ở Hòa Thạnh làm theo.


Có thể bạn quan tâm

cach-nhan-biet-cum-gia-cam-o-vat-nuoi Cách Nhận Biết Cúm Gia… lua-thom-cung-un-u-dau-ra Lúa Thơm Cũng Ùn Ứ…