Mô hình kinh tế Khan Hiếm Tôm Giống

Khan Hiếm Tôm Giống

Ngày đăng 02/05/2014

Bước vào nuôi tôm vụ 1 năm nay, người nuôi tôm ở thị xã Hoàng Mai đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như hệ thống ao đầm bị ô nhiễm, hư hỏng sau đợt lũ lịch sử tháng 10 năm ngoái, điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, không thuận lợi cho con tôm phát triển. Và đặc biệt là khan hiếm nguồn tôm giống, khiến cho việc thả tôm hiện nay đang diễn ra khá chậm và tiềm ẩn không ít rủi ro.

Nếu như các năm trước, đến thời điểm hiện nay, Công ty TNHH nuôi trồng thủy sản Hải Tuấn đã hoàn thành việc thả tôm giống vụ 1 trên toàn bộ diện tích, thì bước sang năm nay, việc thả nuôi ngay đầu vụ gặp khá nhiều khó khăn. Sau đợt lũ lịch sử cuối năm 2013, toàn bộ ao đầm với diện tích 15 ha tại đây đã bị hư hỏng nặng, đất, nước cũng bị ô nhiễm. Để bắt tay vào vụ sản xuất, công ty đã bỏ ra gần 500 triệu đồng để cải tạo, khắc phục hệ thống hồ nuôi.

Bước vào thời điểm thả nuôi, do khan hiếm nguồn giống trên thị trường, đặc biệt là các đơn vị trước đây chuyên cung ứng giống có uy tín như Việt Úc, CP, Nam miền Trung, lượng giống cũng khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người nuôi. Trước những khó khăn nói trên, việc thả nuôi của công ty đã phần nào bị ảnh hưởng.

Anh Phạm Văn Giang - Công ty Nuôi trồng thủy sản Hải Tuấn, phường Quỳnh Dỵ, Thị xã Hoàng Mai, đơn vị có diện tích nuôi tôm lớn nhất toàn vùng cho biết: “Đến nay, đơn vị mới thả được 16/25 hồ. Năm nay điều kiện con giống quá khó khăn, các công ty cung ứng lớn cũng không đủ cung cấp cho người nuôi”.

Trên thực tế, con giống khan hiếm, sẽ xảy ra hiện tượng chất lượng giống không đảm bảo. Ngay từ đầu vụ, tâm lý của bà con là muốn có giống để thả cho kịp thời vụ, nên càng đẩy tình trạng khan hiếm giống lên cao, giá con giống tăng từ 10 – 20% so với năm ngoái.

Trước thực tế này, các công ty sản xuất giống sẽ lơ là hơn trong các khâu kiểm dịch, giống sản xuất chưa đảm bảo để thả nuôi. Trong khi đó, mặc dù có gần chục cơ sở sản xuất giống tôm trên địa bàn, nhưng phần lớn là sinh sản tôm sú để cung ứng ra thị trường phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định. Còn tại địa phương, gần như 100% hộ nuôi hiện nay là nuôi tôm thẻ chân trắng.

Các trại ở đây chỉ có vai trò nhập giống về để ương gièo rồi cung ứng cho người nuôi, tuy nhiên số lượng con giống cũng ở mức rất hạn chế. Việc chưa chủ động được nguồn giống đã gây không ít khó khăn và tốn kém cho ngành nuôi trồng thủy sản ở Hoàng Mai cũng như vùng Bắc Nghệ An.

Theo báo cáo, đến thời điểm hiện nay, các trại đã xuất bán gần 65 triệu tôm sú và ương gièo trên 150 triệu tôm thẻ chân trắng. Trong khi đó, nhu cầu của người nuôi ở Thị xã Hoàng Mai vụ này xấp xỉ 400 triệu con giống tôm he chân trắng.

Ông Hồ Sỹ Vinh - Công ty Giống thủy sản Nghệ An cho biết: “Cơ sở chúng tôi chủ yếu là sản xuất tôm sú phục vụ cho vùng phía Bắc Quảng Ninh, Hải Phòng và Thanh Hóa, còn ương gièo tôm he chân trắng thì trại đây đưa về gièo khoảng 3 - 5 ngày đủ tiêu chuẩn mới xuất đi cho khách hàng, nhưng hiện nay cũng mới được hơn 10 triệu con”.

Một lý do nữa khiến cho việc nuôi tôm năm nay trở nên khó khăn là điều kiện khí hậu quá khắc nghiệt, thời tiết âm u kéo dài, độ ẩm cao, nhiệt độ chênh lệch giữa các ngày rất cao và lên xuống quá đột ngột. Điều đó đã khiến cho môi trường nước không đảm bảo cho con tôm phát triển.

Mặc dù ngay từ đầu vụ, UBND Thị xã Hoàng Mai đã cung cấp hơn 5 tấn hóa chất Chlorine cho các địa phương tiến hành xử lý đầm nuôi, các chủ đầm tôm cũng đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, song vẫn không cải thiện được điều kiện môi trường nước. Các sinh vật có lợi, phù du kém phát triển, chính là dấu hiệu cho thấy môi trường nước xấu, không thuận lợi cho tôm phát triển.

Trước hiện tượng một số hồ nuôi tại các xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Xuân tôm bị chết hàng loạt sau khi thả từ 20 – 30 ngày giống, hiện nay, Thị xã Hoàng Mai đang triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, nhằm hạn chế thấp nhất dịch bệnh trên con tôm.

Ông Phạm Chí Diên - Trưởng phòng Kinh tế, UBND Thị xã Hoàng Mai cho biết: “Xác định đây là vụ nuôi tôm chính trong năm, nên ngay từ đầu vụ, UBND thị xã Hoàng Mai đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã phường, chỉ đạo các hồ nuôi cải tạo ao đầm, xử lý nước, lựa chọn các đơn vị cung ứng giống.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thị xã đã thả nuôi được 158,7 ha /485,8 ha, đạt 33% KH. Trong thời gian tới sẽ tập trung thả nuôi đảm bảo kế hoạch đề ra”.

Cùng với việc đảm bảo lịch thả nuôi, ngành chức năng của Thị xã Hoàng Mai cũng đã khuyến cáo đến người nuôi cần tuân thủ chặt chẽ việc thả nuôi đúng mật độ. Công tác kiểm tra các lô giống nhập về, nhất là khâu kiểm định và ương gièo từ 2 - 3 ngày trước khi thả nuôi cũng được các địa phương, chủ đầm và các trại giống thực hiện nghiêm túc.

Thị xã cũng đã phân công cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn vùng nuôi, cùng với các xã, phường để theo dõi diễn biến phát triển của con tôm, định kỳ lấy mẫu quan trắc môi trường, nước cấp và dịch bệnh nhằm cảnh báo người dân có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất những rủi ro ngay từ đầu vụ nuôi.


Có thể bạn quan tâm

sang-che-may-nong-nghiep-thieu-ba-do Sáng Chế Máy Nông Nghiệp… lam-giau-tren-vung-dat-kho Làm Giàu Trên Vùng Đất…