Mô hình kinh tế Kháng kháng sinh nguy cơ hiện hữu đối với ngành chăn nuôi

Kháng kháng sinh nguy cơ hiện hữu đối với ngành chăn nuôi

Ngày đăng 03/11/2015

Ngày 30/10, tại TP. Đà Nẵng, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) tổ chức Hội thảo “Quản lý và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi”.

Ông Đỗ Trọng Minh (Cục Thú y) cho biết, việc gia tăng tiếp cận với kháng sinh đồng thời cũng đem lại một “vị khách không mời mà đến” là kháng kháng sinh.

Nếu không quản lý và nâng cao kiến thức sử dụng thì kháng sinh sẽ tràn lan trên thị trường, được sử dụng tùy tiện, bừa bãi.

Khi đó, những loại kháng sinh đắt tiền cũng sẽ không có hiệu quả.

Hơn nữa, những chủng kháng thuốc từ động vật có thể lây truyền sang người, tạo thành gánh nặng cho ngành y tế, cho cộng đồng, gây tổn thất lớn cho người dân.

Theo thống kê của Cục Thú y, hiện có gần 9.000 sản phẩm thuốc thú y đã được đăng ký lưu hành, trong đó sản xuất trong nước là hơn 6.000 sản phẩm (gần 4.000 sản phẩm có chứa hoạt chất kháng sinh), nhập khẩu được phép lưu hành là hơn 3.000 sản phẩm (trong đó gần 2.000 có chứa hoạt chất kháng sinh).

Trung bình mỗi tỉnh có khoảng gần 200 cửa hàng thuốc thú y.

Hằng năm, Cục Thú y và chi cục thú y các tỉnh thành đều tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y.

Từ năm 2005 - 2012, Cục Thú y đã lấy 2.463 mẫu thuốc thú y để kiểm tra chất lượng và phát hiện 379 mẫu (15,4%) không đạt chất lượng và đã xử lý nghiêm theo quy định.

Các kết quả phân tích cho thấy dư lượng kháng sinh vượt quá giới hạn cho phép, thậm chí phát hiện dư lượng kháng sinh cấm sử dụng trong thủy sản nuôi, thịt lợn, gà...

Đại diện Cục Thú ý cho biết có rất nhiều bất cập làm gia tăng tình trạng kháng thuốc.

Cụ thể, thú y cơ sở không được đào tạo đến nơi đến chốn và thường xuyên nên nhiều thú y viên không nắm vững nguyên tắc sử dụng kháng sinh.

Điều này dẫn đến việc sử dụng tùy tiện, bừa bãi, thậm chí còn có hiện tượng sử dụng thuốc hết hạn, thuốc thừa để tiêm cho vật nuôi.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi thường thấy vật nuôi bỏ ăn là tiêm kháng sinh mà không quan tâm xem nguyên nhân do virus hay vi khuẩn.

Khi vật nuôi vừa đỡ là ngừng ngay việc điều trị dẫn đến mầm bệnh sống sót trỗi dậy.

Mặt khác, vì yếu tố lợi nhuận, đại lý và nhân viên tiếp thị thậm chí còn tư vấn cho người chăn nuôi sử dụng thuốc kháng sinh không đúng bệnh và lạm dụng kháng sinh trong điều trị.

Việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong thuốc thú y sẽ gây ra những hậu quả khó lường như làm biến dạng triệu chứng bệnh lý, gây khó khăn cho công tác chẩn đoán, gây dị ứng, nhiễm độc gan, thận, thần kinh thính giác, xương, răng… thậm chí gây ung thư.

Từ đó, theo các chuyên gia, cần sớm xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật quy định chặt chẽ và sát thực tế hơn đối với trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc thú y; tăng cường đầu tư cho các chương trình tuyên truyền về nguyên nhân, hậu quả của kháng kháng sinh và cách sử dụng kháng sinh hợp lý.

Ngoài ra, cần thiết lập kênh thông tin phản ánh tác dụng có hại, các phản ứng có hại của thuốc; xây dựng hệ thống cảnh báo dược học thú y, tổ chức đánh giá tác hại của thuốc thú y đối với người sử dụng, động vật và môi trường.

Bên cạnh đó, từng bước hạn chế và đề ra lộ trình cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cho mục đích kích thích tăng trưởng.


Có thể bạn quan tâm

ty-le-luu-hanh-vi-rut-tai-xanh-o-nghe-an-la-11 Tỷ lệ lưu hành vi… huong-moi-trong-phat-trien-chan-nuoi-trau-bo-o-vo-nhai Hướng mới trong phát triển…