Mô hình kinh tế Khi giáo sư Nhật cùng ngư dân Việt đánh bắt cá ngừ

Khi giáo sư Nhật cùng ngư dân Việt đánh bắt cá ngừ

Ngày đăng 10/10/2015

Người Nhật vươn khơi Việt

Sáng sớm 6.10, nụ cười rạng rỡ đã xuất hiện trên khuôn mặt của ngư dân Bình Định vì được đón những vị khách đến từ Nhật Bản.

Đích thân bà Trần Thị Thu Hà- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ra tận cảng cá Quy Nhơn để chào đón, bắt tay những chuyên gia và chúc ngư dân ra khơi thành công.

Bà Trần Thị Thu Hà- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chúc các chuyên gia Nhật, Việt Nam vươn khơi thành công.

Ông Nguyễn Quê (xã Tam Quan Bắc, thuyền trưởng tàu cá BĐ-96776, công suất 420V) cho biết:

“Tàu chúng tôi có 6 ngư dân và lần đầu tiên được đón tiếp chuyên gia Nhật Bản đi trên tàu để đánh bắt cá ngừ đại dương bằng ngư cụ của Nhật Bản.

Hy vọng sau chuyến đi này ngư dân sẽ có thêm kinh nghiệm để câu, bảo quản cá ngừ đạt chất lượng”.

Tham gia chuyến biển thử nghiệm khai thác cá ngừ đại dương bằng ngư cụ Nhật Bản còn có tàu cá  BĐ-97244 (công suất 360V), do ông Nguyễn Văn Việt (xã Hoài Hương) làm thuyền trưởng và tàu BĐ-96304 (công suất 420V), do ông Bùi Lót (xã Tam Quan Bắc) làm thuyền trưởng.

Theo ông Trần Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, nhằm phát triển nghề cá ngừ đại dương tại Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định và cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA Việt Nam) đã ký biên bản thực hiện dự án chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật để khai thác tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương.

“Chuyến đi thử nghiệm lần này diễn ra từ ngày 6-9.10, khai thác tại vùng biển 60 hải lý về phía đông TP.Quy Nhơn.

Ngoài thuyền viên 3 tàu cá Bình Định còn có 6 cán bộ kỹ thuật của Sở NNPTNT Bình Định cùng 4 kỹ thuật viên, chuyên gia đến từ nước Nhật Bản (trong đó, có Giáo sư Keigo Ebata- giảng viên Đại học Kagoshima)”- ông Phúc cho hay.

Hoàn thiện công nghệ

Đây là chuyến khảo nghiệm bước đầu để các chuyên gia Nhật Bản, Việt Nam và ngư dân nắm bắt được kỹ thuật để hoàn thiện việc khai thác bằng 25 bộ câu cá ngừ đại dương sắp tới. 

Ông Phúc cho biết: “Ban đầu, mục tiêu và thời gian dự kiến của chuyến đi là 6 ngày 5 đêm, thế nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 4 nên chuyến đi chỉ diễn ra trong 4 ngày 3 đêm.

Đây là chuyến khảo nghiệm bước đầu để các chuyên gia Nhật Bản, Việt Nam và ngư dân nắm bắt được kỹ thuật để hoàn thiện việc khai thác bằng 25 bộ câu cá ngừ đại dương sắp tới”.

Theo bà Trần Thị Thu Hà, tỉnh Bình Định xác định rằng chuyến đi này là để hoàn thiện công nghệ.

Chuyến đi bắt đầu với 25 bộ câu cá ngừ đại dương cho các tàu đánh bắt nằm trong chuỗi liên kết.

Trong chuỗi liên kết này, sự hỗ trợ về thiết bị công nghệ là của Nhật Bản, kết nối với doanh nghiệp, ngư dân Bình Định và thị trường Nhật Bản.

Trong 2 năm tới Bình Định sẽ thử nghiệm việc đưa sản phẩm này vào thị trường chất lượng cao và đấu giá.

“Chuyến đi này có các kỹ sư, kỹ thuật viên Việt Nam và các giáo sư, chuyên gia Nhật Bản để cùng hoàn thiện công nghệ câu cá ngừ đại dương bằng thiết bị Nhật Bản.

Làm thế nào để ngư dân học tập được công nghệ hiện đại.

Chúng ta sẽ đầu tư vào việc nâng cấp sản phẩm cá ngừ của Bình Định tương đương với chất lượng cá ngừ tại Nhật Bản. Từ đó, có thể xuất khẩu đến thị trường Nhật Bản và các nước trên thế giới”- bà Hà nói. 


Có thể bạn quan tâm

khong-con-lo-di-cong-nuoc-buon-lang-het-dich-benh Không còn lo đi cõng… co-chat-gay-ung-thu-trong-thuc-an-chan-nuoi Có chất gây ung thư…