Mô hình kinh tế Khi Nhà Văn Trồng Rừng

Khi Nhà Văn Trồng Rừng

Ngày đăng 26/04/2012

Nếu bán rừng của mình, vợ chồng anh không chỉ mua được nhà ở nơi đông đúc nhất nhì thành phố Hòa Bình, mà vẫn thừa tiền mở cửa hàng hoặc gửi ngân hàng lấy lãi, sống phong lưu suốt đời. Nhưng anh nhất định không. Vì “không có gì có thể bắt chúng tôi xa rừng được. Cánh rừng này đã trở thành một phần máu thịt của vợ chồng tôi”.

1. Những năm 80 của thế kỷ trước, tấm bằng đại học “có giá” hơn bây giờ rất nhiều, và càng có giá hơn khi chủ nhân tấm bằng đó lại là người dân tộc thiểu số. Vì vậy, vừa tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ở tuổi 23, lại thêm có khiếu về văn chương, chàng thanh niên dân tộc Mường Bùi Minh Chức đã được một nhà xuất bản danh tiếng ở Thủ đô đón vào làm việc. Thế nhưng, chỗ đứng đầy tương lai đó cũng không thể giữ chân được anh khi tình yêu lên tiếng, và anh đã bỏ việc ở nhà xuất bản để lên công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà với cô công nhân xây dựng, là người cùng dân tộc với mình…

Hồi ấy, dưới mắt người đời, bọn “bỏ việc nhà nước” là những kẻ vô cùng xấu xa. Thế nên dù có học, có tài, Chức vẫn không thể nào xin nổi việc ở công trường, dù anh đã chấp nhận làm bất cứ việc gì. Thất nghiệp, Chức đành làm đủ thứ, từ lên rừng chặt nứa, hái măng, kiếm củi đến buôn bán lặt vặt để kiếm sống và sáng tác. Vợ chồng anh dựng một túp lều ở một góc khuất hẻo lánh của công trường làm nơi nương náu. Những năm ấy, đời sống khổ cực vô cùng. Tiếng là công trường lớn nhất nước, được hưởng rất nhiều ưu đãi, nhưng từ cái kim sợi chỉ đến cân gạo, gói mỳ… tất tật đều phải đủ tiêu chuẩn, tức phải là “người nhà nước” thì mới được “phân phối” qua tiêu chuẩn tem phiếu.

Tình yêu dẫu đầy ắp hai trái tim nhưng suất gạo chỉ 19 kg hàng tháng của vợ khiến cho hai cái bụng lúc nào cũng vơi, cũng réo sôi sùng sục. Nhất là sau khi lấp sông Đà và tổ máy số I của nhà máy thủy điện phát điện, hàng loạt công nhân bị ép phải nghỉ theo Chế độ 176 một cách tức tưởi, mỗi người chỉ được nhận một số tháng lương đúng bằng số năm làm việc trên công trường của mình (mỗi năm 1 tháng), ngoài ra không có bất cứ chế độ nào khác, và trong số người phải nghỉ đó có cả chị Bùi Thị My vợ anh, thì vợ chồng anh thật sự bị đẩy đến bước đường cùng.

Hai câu thơ: “Van nợ lắm khi trào nước mắt/ Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” ấy, tôi ngờ là cụ Tú ở Thành Nam viết riêng để tặng anh. Đám bạn bè tâm giao, cùng đam mê văn chương như Nguyễn Lương Ngọc, Tạ Duy Anh, Dương Kiều Minh, Vũ Thế Sỹ và tôi, còn may mắn hơn vợ chồng anh ở chỗ mỗi bữa lại được vác miệng xuống nhà ăn tập thể để nhận suất ăn nửa gạo nửa ngô hoặc nửa gạo nửa bo bo, thứ thực phẩm mà ở các xứ “dẫy chết” người ta dùng nuôi lợn.

Có năm thấy vợ chồng Chức chẳng có gì ăn Tết, tôi mời anh chị ra với tôi. Sáng mùng một chỉ có mình Chức đến, hỏi vợ đâu, đáp rằng không đi được, vì “dẫu nghèo đến mấy thì ngày Tết vẫn phải có người ở nhà, kẻo các cụ về mà thấy nhà đóng cửa, các cụ phải bơ vơ bên ngoài thì tủi lắm. Sống sao thác vậy mà”. Miệng cười mà mắt anh ầng ậc nước.

Vào nhà tôi, thấy chẳng có gì khác ngày thường, Chức hỏi:

- Tết của ông đâu?

Tôi chỉ tay:

- Tết kia kìa.

Nói vậy là vì chiều 30 tháng Chạp, được chia một cân thịt Tết nhưng chẳng có xoong nồi gì, tôi phải mượn cái xoong của nhà bếp tập thể, thái nháo nhào cân thịt ra, bỏ vào xào rồi đổ tất vào cái chụp bảo vệ bóng đèn cao áp bằng thủy tinh hỏng mà tôi lượm được ở bãi tập kết đồ phế thải của công trường, để còn trả xoong nhà bếp. Cũng may là thủy tinh rất dầy nên đổ thịt nóng vào, cái chụp vẫn không nứt. Và chúng tôi ngồi đối diện nhau, uống rượu qua cái chụp bảo vệ đèn đó, mỗi thằng một đôi đũa, cứ moi từng miếng thịt ra mà nhắm. Nhiều năm sau Chức vẫn nhắc đến cái “Tết chụp đèn” ấy.

2. Nhưng chính trong những ngày đói nghèo đến không thể nào đói nghèo hơn được nữa ấy, anh chị bắt đầu…trồng cây. Đằng sau khu nhà ở của chuyên gia Liên Xô, dưới chân núi Dè có một khu đất hoang, gai góc và cây dại chằng chịt, muốn lên đó phải leo một đoạn dốc khá dài. Ngày ngày, sau thời gian chạy vạy xoay sở để kiếm vài bò gạo đổ vào nồi, chị My lại vác phảng lên khu đất ấy phát gai, dọn cỏ, đào hố. Còn Chức, ngoài thời gian phụ với vợ là xoay trần ra vật lộn với cuốn tiểu thuyết tư liệu về Phật giáo Hòa Hảo mà anh đã nghiên cứu, tích cóp tài liệu từ hồi còn làm ở nhà xuất bản (mấy năm sau, khi được về học ở Trường Viết văn Nguyễn Du, tôi đã mời Chức xuống Hà Nội cùng ở với tôi một thời gian, chia sẻ miếng cơm sinh viên đạm bạc, để anh có điều kiện hoàn chỉnh cuốn sách. Nhưng tiếc thay, vì nhiều lý do, đến bây giờ cuốn sách vẫn chưa in được). Hết phát gai, dọn cỏ, đào hố là đến việc tìm cây để trồng. Tiền mua giống cây không có, đành chỉ còn nước lặn lội đi xin…

Chỉ có một tình yêu thiên nhiên, yêu rừng ghê gớm lắm thì mới khiến nổi hai con người ấy “lăn vào với rừng” như vậy. Bởi lúc đó nào có ai bắt họ phải trồng rừng? Còn bản thân họ thì lại càng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện lợi lộc khi trồng. Chức bảo vợ chồng anh đều quê ở Kim Bôi tỉnh Hòa Bình. “Kim Bôi” nghĩa là cái chén vàng. Tôi yêu văn tài của Chức cũng chính từ truyện ngắn “Cái chén vàng” viết cho thiếu nhi ấy. Lời văn đôn hậu, ngôn từ trong sáng, trí tưởng tượng phong phú, cách kể chuyện hấp dẫn. Kim Bôi là đất mường Động cũ, có núi, có hang, có rừng, tất cả đều tươi đẹp lạ lùng. Khát vọng được sống với rừng, với thiên nhiên không lúc nào không cháy trong anh…

Khi tỉnh Hòa Bình tách ra khỏi tỉnh Hà Sơn Bình (Hà Đông - Sơn Tây - Hòa Bình), Chức được mời vào làm việc ở Sở Văn hóa - Thông tin (bây giờ là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tỉnh Hòa Bình. Anh trở thành Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hòa Bình rồi Hội viên Hội Văn hóa Dân gian Việt Nam, làm Biên tập viên rồi làm Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Hòa Bình. Vĩnh biệt chuỗi ngày dài thất nghiệp. Vĩnh biệt chuyện hàng ngày phải xoay sở kiếm gạo. Suất lương dẫu khiêm tốn nhưng cũng là điều kiện để vợ chồng anh dành nhiều tâm sức hơn cho rừng…

3. Bẵng đi mấy năm không gặp. Lần này lên Hòa Bình, tìm thăm vợ chồng Chức, tôi ngỡ ngàng trước rừng cây tuyệt đẹp nơi vợ chồng anh đang ở. Cả ngàn cây lát hoa với hơn ba trăm cây sưa đỏ, cây to đã có đường kính từ mười lăm đến hai mươi phân tây, cây nhỏ cũng mười phân, chiều cao, có cây đã tới hơn chục mét. Lát hoa là loại cây cho gỗ cực quý, nhất lại là giống lát châu Mai. Một thời, chỉ những nhà giàu mới có được chiếc giường hay chiếc tủ lát hoa. Sưa đỏ càng quý hơn. Ngoài lát và sưa, còn tre, còn luồng và cả chục thứ cây khác.

Vẫn chưa có nhà, vợ chồng anh tá túc trong cái kho bỏ hoang của công trường ngay cạnh rừng cây, còn cái lều ở góc khuất dưới công trường ngày nào giờ đã biến thành một tòa nhà đồ sộ của một người khác. Chức bảo, rừng này vợ chồng anh đã được cấp sổ đỏ với thời hạn 50 năm. Đã có không ít người tìm lên hỏi mua với cái giá lớn hơn số một và sau nó là chín con số không. Chỉ cần gật đầu một cái, là vợ chồng anh không chỉ mua được nhà ở nơi đông đúc nhất nhì thành phố Hòa Bình, mà vẫn thừa tiền mở cửa hàng hoặc gửi ngân hàng lấy lãi, sống phong lưu suốt đời. Nhưng anh nhất định không. Vì “không có gì có thể bắt chúng tôi xa rừng được. Cánh rừng này đã trở thành một phần máu thịt của vợ chồng tôi”.


Có thể bạn quan tâm

than-trong-cay-con-dac-san-co-ngot-co-ngot-ngao Thận Trọng Cây, Con Đặc… da-nang-dieu-tra-tin-don-bia-heineken-gia-re-nhap-tu-trung-quoc Đà Nẵng: Điều Tra Tin…