Mô hình kinh tế Khi Nông Sản Gặp Thời Rớt Giá

Khi Nông Sản Gặp Thời Rớt Giá

Ngày đăng 25/07/2014

Những năm qua, nhiều loại cây nông sản chủ lực của tỉnh Bình Phước liên tục rớt giá, khiến thu nhập của nông dân bấp bênh. Nhiều hộ rơi vào vòng luẩn quẩn chặt - trồng - chặt rồi bế tắc không biết trồng cây gì. Do đó, ngành chức năng cần định hướng và chính nông dân phải biết tính toán trước khi chuyển đổi, chọn loại cây phù hợp.

Cây ngắn ngày “chống lưng” cây dài ngày

Những năm gần đây, giá mủ cao su, điều lên xuống thất thường và hiện giá mủ đang giảm sâu. Trước tình trạng trên, nông dân đã có nhiều giải pháp để tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác.

Các ngành chức năng cũng đang định hướng thị trường để đầu ra sản phẩm ổn định, đồng thời xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản chủ lực, giúp nông dân phát triển vườn cây bền vững.

Lấy ngắn nuôi dài

Trước đây, nông dân thường xen canh cây mì trong các vườn cao su non, nhưng loại cây này làm đất bạc màu, ảnh hưởng đến quá trình phát triển, năng suất, chất lượng của cây cao su. Sau này, một số hộ đã trồng xen các loại cây ngắn ngày khác như đu đủ, bắp, mía...

Đây được xem là một trong những giải pháp lấy ngắn nuôi dài và hạn chế việc chặt bỏ cây cao su trong thời gian rớt giá.

Trồng xen - biện pháp lấy ngắn nuôi dài

Bà Hồ Thị Liễu ở ấp 2, xã Đồng Nơ (Hớn Quản) có 3 ha cao su hơn 2 năm tuổi. Nhà chỉ có hai vợ chồng nên bà Liễu đã cho một hộ khác thuê diện tích đất nói trên để trồng xen cây đu đủ. Bà Liễu cho biết: “Nếu không cho người khác thuê đất để trồng xen, mỗi năm tôi phải chi gần chục triệu đồng thuê máy cày, công làm cỏ, phân bón.

Giá mủ cao su xuống thấp như hiện nay, cho thuê đất để trồng xen là biện pháp lấy ngắn nuôi dài hiệu quả. Tôi chỉ cho người ta thuê đất để trồng đu đủ, cà tím vì không làm đất bạc màu”.

Ông Trương Hữu Thuận ở ấp 7, xã Lộc Hưng (Lộc Ninh) trồng xen mía, đu đủ trong 2,5 ha cao su 3 năm tuổi. Ông Thuận nói: “Cao su còn non nên tôi tận dụng trồng xen mía.

Mỗi hàng trồng 2 luống mía. Do gần suối nên đủ nước tưới vào mùa khô, giữa 2 luống mía tôi làm hệ thống tưới nước tự động, vừa cung cấp nước cho cây mía vừa tăng độ ẩm trong vườn cao su.

Trồng mía không cần kỹ thuật nhiều, ít công chăm sóc, 8 tháng là cho thu hoạch. Dự tính 1,5 ha mía trồng xen trong vườn cao su năm nay sẽ cho thu 45 tấn. Với giá khoảng 1 triệu đồng/tấn, trừ chi phí tôi thu lời chừng 30 triệu đồng”. Ông Thuận cho biết thêm: “Tôi hợp đồng bán mía cho thương lái ở tỉnh Bình Dương, đồng thời bỏ mối tại các quán giải khát trên địa bàn huyện”.

Ông Võ Đình Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh nhận định: Việc một số hộ dân chặt bỏ cao su để thay thế các cây trồng khác là cách làm nôn nóng, bị động. Giá mủ cao su xuống thấp như hiện nay, việc trồng xen cây ngắn ngày trong vườn cao su non là một biện pháp lấy ngắn nuôi dài hiệu quả.

Diện tích cây trồng xen không nhiều nên đầu ra ổn định. Tuy nhiên, nông dân nên chọn một số loại cây thích hợp, không cạnh tranh nhiều chất dinh dưỡng với cây cao su.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm

Để nông sản trên địa bàn tỉnh có thị trường tiêu thụ ổn định, thời gian gần đây, các ngành chức năng và nông dân đã phối hợp xây dựng thương hiệu cây trồng. Đây là giải pháp hữu hiệu nhằm bảo hộ sản phẩm các loại cây nông sản của tỉnh.

Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm hồ tiêu Lộc Ninh. Đây là loại nông sản đầu tiên ở Bình Phước được xây dựng thương hiệu tập thể.

Giá nông sản lên xuống thất thường, người nông dân phải tìm giải pháp để tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích

Ông Võ Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và dịch vụ du lịch tỉnh cho biết: “Cây tiêu chưa thực sự phát triển bền vững và ổn định trên đất Bình Phước, một phần do chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm hạt tiêu phải tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian hoặc phải sử dụng thương hiệu của đối tác khác.

Năm 2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo trung tâm phối hợp Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) xác lập chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm hồ tiêu Lộc Ninh. Việc đạt chứng nhận nhãn hiệu tập thể hạt tiêu Lộc Ninh sẽ “góp phần nâng cao giá trị, danh tiếng, quảng bá sản phẩm có hiệu quả.

Qua đó góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm hồ tiêu, mở ra cơ hội và thị trường mới cho cây tiêu Lộc Ninh nói riêng cũng như hồ tiêu Bình Phước nói chung”.

Được biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và dịch vụ du lịch tỉnh xây dựng thương hiệu điều Bình Phước. “Hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều trên địa bàn tỉnh đều nhập nguyên liệu từ các nước trong khu vực, do đó quá trình xác lập chỉ dẫn địa lý để xây dựng thương hiệu gặp khó khăn.

Thời gian tới, trung tâm tiếp tục phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ, các ngành chức năng sớm xây dựng thương hiệu điều Bình Phước. Khi có thương hiệu, việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm sẽ hiệu quả hơn” - ông Võ Đăng Khoa nói.

Thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và dịch vụ du lịch tỉnh sẽ kết hợp mang các sản phẩm tiêu, điều, cao su của tỉnh giới thiệu và quảng bá tại các đợt xúc tiến đầu tư với nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc. Để tiếp cận được các thị trường khó tính như châu Âu buộc chúng ta phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm.

Khi có thương hiệu, tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu tập thể hoàn toàn bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, được Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể, được tham gia các chương trình quảng bá, phát triển thương hiệu, yên tâm về đầu ra của sản phẩm và được hỗ trợ tem nhãn, bao bì sản phẩm.


Có thể bạn quan tâm

lao-dao-voi-nam Lao Đao Với Nấm chan-nuoi-can-co-dot-pha-trong-khau-giong Chăn Nuôi Cần Có Đột…