Mô hình kinh tế Khó khăn cho người nuôi tôm ở huyện Đông Hòa (Phú Yên)

Khó khăn cho người nuôi tôm ở huyện Đông Hòa (Phú Yên)

Ngày đăng 19/06/2015

Tình hình bệnh tôm tại vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) đang diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho người nuôi. Ông Nguyễn Văn Mến, người nuôi tôm ở xã Hòa Tâm, cho biết: “Năm nay tôi thả tôm nuôi với diện tích khoảng 1,2ha.

Do thời tiết ngay từ đầu vụ không thuận lợi, tôm thả nuôi được khoảng 30 ngày thì xuất hiện bệnh và chết dần. Biểu hiện ban đầu là tôm bỏ ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước sau đó tôm chết với số lượng lớn. Vì tôm còn nhỏ, không thể xuất bán nên tôi cho tôm ăn cầm chừng và xác định con nào còn sống thì nuôi. Tổng chi phí vụ này hơn 40 triệu đồng, nhưng sau hơn hai tháng thả nuôi tôi kéo tôm bán chỉ thu lại gần 10 triệu đồng.

Sang vụ hai, tôi tiếp tục cải tạo hồ nuôi rất kỹ, thả gần 120.000 con giống. Đến nay, tôm nuôi được hơn 40 ngày, nhưng phát triển rất chậm…”. Còn theo ông Nguyễn Văn Sang ở xã Hòa Hiệp Nam, với diện tích hồ nuôi khoảng 4.000m2, ông thả nuôi tôm thẻ chân trắng. Khi tôm được khoảng hai tháng tuổi thì xuất hiện bệnh và chết, ông đã kịp thời kéo tôm bán nên không bị lỗ vốn. Do thời tiết bất lợi và tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi quá phức tạp nên ông Sang không dám thả nuôi lại vụ hai…

Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm, cho biết, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn xã khoảng 580ha. Vụ nuôi năm nay rất nhiều hộ bỏ trống hồ, không thả nuôi tôm. Đến nay, bà con chỉ thả nuôi khoảng 280ha và có khoảng 170ha tôm nuôi đã thu hoạch. Trong số diện tích tôm nuôi đã thu hoạch có khoảng 120ha tôm bị bệnh và mất trắng khoảng 38ha.

Theo ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện khoảng 1.200ha, đến nay người dân đã thả nuôi khoảng 555ha. Hiện khoảng 320ha tôm nuôi đã được thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 3,5 tấn tôm thương phẩm/ha. Thời gian qua, do thời tiết bất lợi nên có hơn 130ha tôm nuôi bị bệnh (vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch gần 100ha), xảy ra chủ yếu ở tôm nuôi từ 15 đến 50 ngày tuổi.

Tỉnh đã hỗ trợ cho huyện Đông Hòa 700kg thuốc sát trùng chlorin để xử lý dịch bệnh tôm nhằm hạn chế lây lan. UBND huyện Đông Hòa đã thành lập tổ chuyên trách tham mưu cho UBND huyện phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi. Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa đã phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh triển khai tập huấn cho người nuôi tôm về bệnh tôm và cách phòng trị. Phòng NN-PTNT huyện cũng đã khuyến cáo người nuôi tôm không nên tiếp tục thả nuôi đối với những diện tích ao hồ bị nhiễm bệnh, nên chuyển số diện tích này sang nuôi trồng các đối tượng thủy sản khác.

UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn có nuôi tôm thực hiện tốt khâu quản lý vùng nuôi, tăng cường quản lý chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản. Các địa phương có nuôi tôm triển khai các mô hình sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, nuôi đa loài luân canh, xen canh, nuôi kết hợp nhiều loài theo hướng xử lý môi trường bằng sinh học, thành lập các tổ cộng đồng phù hợp từng vùng nuôi theo hướng bền vững.

Theo Trạm Thú y huyện Đông Hòa, từ đầu vụ đến nay, cơ quan thú y đã kết hợp với các ngành chức năng và địa phương lấy nhiều mẫu tôm bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm, phát hiện tôm chủ yếu bị bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng. Nguyên nhân là do thời tiết biến đổi bất thường, một số hộ nuôi không đảm bảo kỹ thuật trong khâu vệ sinh ao hồ, cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa phù hợp, người nuôi tôm chưa chấp hành quy chế vùng nuôi, thả nuôi chưa đồng bộ nên dịch bệnh lây lan trên diện rộng.


Có thể bạn quan tâm

truong-dai-hoc-nong-lam-hue-nghien-cuu-thanh-cong-sinh-san-nhan-tao-ca-dia Trường đại học Nông Lâm… gia-ca-loc-thuong-pham-tang-cao-nong-dan-lai-o-at-mo-rong-dien-tich Giá cá lóc thương phẩm…