Mô hình kinh tế Khó Khăn Chuyển Đổi Cây Trồng Tại Những Vùng Trồng Mía Ninh Hòa (Khánh Hòa)

Khó Khăn Chuyển Đổi Cây Trồng Tại Những Vùng Trồng Mía Ninh Hòa (Khánh Hòa)

Ngày đăng 31/10/2014

Tình hình sản xuất mía niên vụ 2014 - 2015 trên địa bàn Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, hạn hán kéo dài. Trước tình hình đó, nhiều nông hộ trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đã chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác, nhằm đảm bảo thu nhập. Tuy nhiên, với đặc thù canh tác tại địa phương khiến việc chuyển đổi cũng không hề đơn giản.

Sau 2 năm kể từ khi xuất hiện, dịch trắng lá mía đang khiến nhiều nông hộ trên địa bàn thị xã Ninh Hòa điêu đứng. Trên 2000 ha mía bị nhiễm bệnh, và tiếp tục lan rộng mà vẫn chưa tìm được giải pháp nào chữa trị hữu hiệu nhất.

Cả vùng mía đứng trước nguy cơ mất mùa, nhiều nông hộ phải đối mặt với tình trạng thua lỗ, vì hầu hết các diện tích nhiễm bệnh từ 30 đến 70% là rất khó để thu hồi vốn trong khi chi phí đầu tư cho mía ngày một tăng.

Bất lực trước những diện tích mía đang chết dần, chết mòn, chậm phát triển vì dịch bệnh, hạn hán; và niềm tin từ cây mía cũng bị giảm sút, nhiều nông hộ đã chủ động chuyển sang cây trồng khác để thay thế dần cây mía.

Tuy nhiên, không phải hộ dân nào cũng có khả năng chuyển đổi vì nhu cầu vốn để phát triển loại cây trồng mới khá lớn, trong khi mùa vụ sản xuất cũng không còn đủ để thực hiện chuyển đổi.

Hiện nay, hệ thống thủy lợi tại nhiều vùng mía chưa được hoàn thiện. Do vậy, ngành chức năng của thị xã cũng không khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng khi không chủ động được nguồn nước.

Theo ông Trần Văn Dũng – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết việc chuyển đổi sang cây trồng khác rất khó khăn, vì không chủ động được nguồn nước tưới, trời không mưa, ngoài cây mía ra không chuyển đổi sang cây gì khác.

Rõ ràng, mía vẫn là cây trồng chủ lực hiện nay ở thị xã Ninh Hòa. Việc chuyển đổi trong thời gian qua chỉ mang tính tự phát nên có rất nhiều rủi ro. Vậy, một vấn đề đang đặt ra, nếu bà con tiếp tục sản xuất mía, thì cần phải làm gì để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra? Ông Trần Tự - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật thị xã Ninh Hòa khuyến cáo để sản xuất cho niên vụ tới, bà con nên chọn những giống mía ít bệnh, không nên làm giống có nhiễm bệnh. Trước lúc sản xuất mía nên xử lý đất bằng vôi. Lúc cây mía bệnh bà con nên nhổ bỏ, gom, xử lý vôi bột.

Trạm Bảo vệ thực vật thị xã Ninh Hòa đã có khuyến cáo nông dân cách xử lý diện tích mía bị thiệt hại. Tuy nhiên, quan trọng nhất là các nhà máy phải đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ người trồng mía, từ khâu giống đến kỹ thuật chăm sóc. Đẩy mạnh liên kết với nông dân để hoạt động sản xuất đạt hiệu quả cao nhất. Có như vậy, bà con mới yên tâm sản xuất, xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo năng suất, chất lượng trong thời gian tới.


Có thể bạn quan tâm

giu-thuong-hieu-que-van-yen-yen-bai Giữ Thương Hiệu Quế Văn… dao-duoc-cu-khoai-mi-nang-gan-8kg Đào Được Củ Khoai Mì…