Mô hình kinh tế Khó kiểm soát giống cây trồng

Khó kiểm soát giống cây trồng

Ngày đăng 16/11/2015

Quản lý giống cây trồng chặt chẽ sẽ góp phần tạo hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Cơ bản thay thế nguồn kém chất lượng

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2015 đánh dấu bước chuyển mạnh về cơ cấu giống lúa.

Tại một số huyện như Thạch Thất, cơ cấu giống lúa mới chiếm tới 67,7%, Thường Tín 60,5%, Thanh Oai 48,4%...

4 huyện có diện tích lớn gieo trồng lúa chất lượng cao là Thường Tín 6.776ha, Thạch Thất 6.439,32ha, Thanh Oai 6.429ha, Đông Anh 5.999ha.

Các huyện còn lại, cơ cấu giống lúa mới cũng đạt từ 15% đến 40% diện tích.

Ngoài giống lúa thì một số giống cây trồng khác như ngô, lạc năng suất cũng được nhân rộng, đưa vào sản xuất tại nhiều địa phương, góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất lúa, đậu tương, cây ăn quả, hoa... với giá trị từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/mô hình.

Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT Hà Nội - cho biết: Những năm gần đây, Sở đẩy mạnh đưa các giống lúa mới vào sản xuất, cơ bản thay thế được các giống lúa cũ kém chất lượng.

Việc đưa các giống lúa mới vào sản xuất thực hiện đúng theo quy định quản lý giống của Bộ NN&PTNT về khảo nghiệm và công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới.

Tuy nhiên, một số cơ quan, tác giả chưa thực hiện nghiêm túc, vẫn có hiện tượng một số công ty phối hợp trực tiếp với HTX nông nghiệp để triển khai các giống cây trồng chưa được phép sản xuất mà không báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước (như Sở NN&PTNT hoặc UBND huyện).

Cần quản lý chặt chẽ

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan trong công tác quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và vật tư nông nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác khảo nghiệm sản xuất giống cây trồng cũng được tăng cường.

Mỗi vụ khảo nghiệm, thử nghiệm từ 20 đến 25 lượt giống cây trồng các loại.

Về cây lúa, hằng năm, Sở đề xuất được 2 - 3 giống lúa có triển vọng về khả năng thích nghi với điều kiện ngoại cảnh, khả năng chống chịu với sâu bệnh, cho năng suất cao, chất lượng tốt để đưa vào mở rộng diện tích sản xuất.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, Sở NN&PTNT đã lựa chọn được 4 giống lúa triển vọng là MB68, ĐB18, HN6 và Sơn Lâm 1.

Về cây màu, Sở đã tiến hành phục tráng, làm thuần giống đậu tương DT84, giống lạc L14; sản xuất được 1,35 tấn giống khoai tây Solara (đã được cấp xác nhận); sản xuất đậu tương giống vụ hè thu với diện tích 210ha.

Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Diện tích đất nông, lâm nghiệp của Hà Nội là trên 188.600ha nên nhu cầu về giống phục vụ sản xuất rất lớn.

Qua rà soát, trên địa bàn có 113 doanh nghiệp đăng ký sản xuất kinh doanh giống cây trồng được cấp mã số và hàng nghìn cửa hàng dịch vụ cung ứng giống cây trồng, vật tư phân bón.

Ngoài các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng giống uy tín cũng còn nhiều doanh nghiệp, cơ sở không nắm rõ quy định liên quan đến ngành nghề kinh doanh, không có chứng nhận kiểm nghiệm giống cây trồng, chứng chỉ cán bộ kỹ thuật, hồ sơ quản lý xuất nhập các loại giống, không chứng minh được nguồn gốc, sai nhãn mác hàng hóa…

Điều đó dẫn đến chất lượng giống bán ra không bảo đảm, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Rất nhiều giống cây trồng đưa vào các HTX không thông qua cơ quan quản lý đã gây mất mùa, ảnh hưởng năng suất cây trồng cho bà con nông dân những năm vừa qua.

Thực tế, việc sản xuất của nông dân hiện nay vẫn còn manh mún, nhiều mô hình nông dân còn trông chờ vào nguồn hỗ trợ nên không mạnh dạn thay đổi phương thức cũng như tập quán canh tác, dẫn đến việc chọn lựa nguồn giống còn hạn chế.

Rất nhiều HTX khi nghe các đơn vị cung ứng giống giới thiệu đã tự ý đưa giống mới vào sản xuất mà không tuân thủ những khuyến cáo của Sở NN&PTNT.

Ngoài ra, chế tài xử phạt trong kinh doanh giống cây trồng còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe các đơn vị kinh doanh giống.


Có thể bạn quan tâm

vao-vu-tho-lam-khoai-thu-nhap-200-000-400-000-d-ngay Vào vụ, thợ làm khoai… phuc-trang-thanh-cong-giong-lac-sen Phục tráng thành công giống…