Mô hình kinh tế Khó Mua Tôm Giống Chất Lượng

Khó Mua Tôm Giống Chất Lượng

Ngày đăng 30/04/2014

Lịch thời vụ đã qua gần 2 tháng, nhưng hiện toàn tỉnh chỉ xuống giống vụ tôm mới chưa đạt 50% tổng diện tích. Ngoài các nguyên nhân do dịch bệnh, thiếu vốn, người nuôi tôm đang đối mặt với khó khăn khi tìm mua giống chất lượng để thả nuôi vụ mới.

Từ năm 2009 đến nay, trên những đồng tôm xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) liên tục xảy ra dịch bệnh. Người nuôi tôm chẳng còn mặn mà với việc xuống giống mỗi khi mùa vụ đến, nhưng vì đã lỡ bỏ tiền ra làm hồ nuôi tôm rồi nên đành phải gắn bó với con tôm.

Rút kinh nghiệm từ các vụ trước, bước vào vụ nuôi tôm năm nay, bà con đã tìm giống tốt để nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh. Tuy nhiên, con giống chất lượng trong tỉnh khan hiếm, người nuôi phải liên hệ với các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Nam, Bình Định để mua giống đã qua kiểm dịch.

Ông Lê Văn Kiểm (thôn Thu Xà xã Nghĩa Hòa) cho rằng: "Muốn thả tôm phải liên hệ với các trại giống ở tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa. Nhưng, từ khi liên hệ đến lúc có giống phải mất 10 - 15 ngày. Tôm giống đưa về bằng xe tải nên đến nơi là bị mất sức, thả xuống hồ nuôi thường thất thoát nhiều. Nhiều lúc muốn bảo toàn con giống thì phải chuẩn bị hồ, sục khí sẵn sàng, giống về đến nơi là thả, nhưng như vậy vừa tốn công và chi phí lớn".

Trận lũ cuối năm trước đã làm ông Kiểm thiệt hại gần 100 triệu đồng. Nay, mùa vụ đã qua hơn một tháng, nhưng ông không đủ điều kiện thả nuôi lại.

Ông Nguyễn Thanh Biền cũng than rằng, tôm giống chất lượng có khi đắt gấp đôi, gấp ba tôm đại trà. Nhưng tính ra cũng không đáng lo khi con tôm thả nuôi lại bị dịch bệnh, thất thoát dần trong quá trình nuôi, mà bổ sung thêm thì việc mua tôm giống quá khó khăn.

Không riêng gì Nghĩa Hòa, vụ nuôi tôm năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch thả nuôi khoảng 615 ha, cần khoảng 1,5 tỷ con giống. Tuy nhiên, Quảng Ngãi hiện chỉ có hai cơ sở làm dịch vụ cung ứng tôm giống, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 1,2% tổng diện tích. Số giống còn lại, người nuôi tôm muốn mua giống chất lượng phải liên hệ các cơ sở ngoài tỉnh.

Dịch bệnh tiếp diễn

Ông Nguyễn Văn Năm - Trưởng Phòng Thú y thủy sản (Chi cục Thú y tỉnh) cho biết, bước vào vụ nuôi tôm mới, cán bộ thú y thủy sản đã đi kiểm tra hai cơ sở hoạt động kinh doanh sản xuất tôm giống ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi).

Cả hai cơ sở đều chưa đạt tiêu chuẩn để cung ứng giống tôm. Bởi, hai cơ sở này tự liên hệ lấy giống ở Bình Thuận, Khánh Hòa về ươm nuôi từ 5-7 ngày rồi bán cho người nuôi tôm, trong điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng. Hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, bể chứa nước, bể ươm nuôi ấu trùng, trang thiết bị ươm giống chưa đảm bảo. Nguồn giống xuất xứ chưa được chứng minh, chưa có giấy kiểm dịch, chưa lấy mẫu gửi cơ quan xét nghiệm...

Có cơ sở, địa điểm, đồng nghĩa với tạo niềm tin và uy tín kinh doanh của cơ sở đối với người nuôi tôm. Nhưng, qua kiểm tra, ngành chức năng đã phát hiện hàng loạt tiêu chuẩn chưa đạt. Vì vậy, số giống mua trôi nổi, mua ngoài tỉnh, người nuôi tôm cũng không dám chắc là chất lượng tốt. Họ đành phó thác cho sự may rủi.

Với cách mua giống như vậy, những mẻ tôm lần lượt được đưa về. Người nuôi tôm nếu có nghi ngờ thì mời cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm gửi đi cơ quan Thú y vùng 4 Đà Nẵng để kiểm dịch. Thời gian mất khoảng 24 giờ.

Con tôm giống nhỏ, sức đề kháng yếu, vận chuyển đường xa về càng yếu hơn, lại chờ kết quả kiểm dịch nên người mua lẫn người bán không muốn đợi chờ. Sau khi mua tôm giống qua trung gian, hay liên hệ trực tiếp, người nuôi tôm đều thử nghiệm bằng các cách sốc nước ngọt, sốc nước formol, hay tạo vòng xoáy của nước để thử nghiệm...

Chính vì cách kiểm tra này mà nhiều năm qua con giống không đảm bảo chất lượng, cộng với nhiều yếu tố môi trường, thời tiết... làm cho tôm bị dịch bệnh liên tục.

Vụ nuôi tôm đầu năm nay, cán bộ thú y đã lấy 23 mẫu tôm giống, gửi đi xét nghiệm thì đã có 17 mẫu dương tính với các bệnh đốm trắng, xuất huyết do vi rút, đốm đỏ, thối mang, hội chứng lở loét, đầu vàng... Đến nay, lịch thời vụ nuôi tôm đã qua gần 2 tháng nhưng toàn tỉnh chỉ thả nuôi khoảng 250 ha, chiếm trên 40% tổng diện tích. Tuy nhiên, qua kiểm tra đồng tôm, đến giữa tháng 4, toàn tỉnh đã có 52,5 ha diện tích nuôi tôm chân trắng bị dịch bệnh.

Con tôm đã một thời chứng minh được hiệu quả kinh tế vùng đất cát. Vì vậy, ngành chức năng, chính quyền địa phương lẫn hộ kinh doanh nên chung tay tìm các giải pháp để khôi phục đồng tôm, để phát triển nghề nuôi tôm bền vững.


Có thể bạn quan tâm

hoi-thao-ban-giai-phap-quan-ly-vung-nuoi-tom-tinh-ca-mau Hội Thảo Bàn Giải Pháp… tinh-hinh-khai-thac-dan-ca-tra-hau-bi-cai-thien-di-truyen Tình Hình Khai Thác Đàn…