Mô hình kinh tế Khó tiếp cận vốn đóng tàu

Khó tiếp cận vốn đóng tàu

Ngày đăng 06/10/2015

Hoài Nhơn là huyện có số lượng tàu cá lớn nhất tỉnh Bình Định với 2.436 chiếc, tổng công suất 790.000 CV, trong đó 796 chiếc chuyên đánh bắt xa bờ. Nghị định 67 của Chính phủ đã mở hướng làm ăn bền vững cho ngư dân huyện này.

Tuy nhiên, khi tiếp cận với những thủ tục vay vốn đóng mới tàu cá do gặp quá nhiều vướng mắc khiến nhiều ngư dân dù đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt danh sách đủ kiện vay vốn nhưng đã xin rút không tham gia nữa.

Tính đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã 3 đợt phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá khai thác thủy sản và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá theo tinh thần NĐ 67 của Chính phủ.

Riêng huyện Hoài Nhơn có đến 38 chủ tàu được vay để đóng 17 tàu vỏ thép, 20 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ composit.

Số lượng chủ tàu của huyện Hoài Nhơn được phê duyệt nhiều nhất tỉnh. Đa số ngư dân đăng ký đóng mới tàu cá để làm các nghề lưới rê; câu cá ngừ; câu cá ngừ phối hợp nghề chụp mực; lưới vây phối hợp nghề câu cá ngừ và tàu dịch vụ.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 3 chủ tàu ở các xã Tam Quan Tam, Hoài Thanh và Hoài Hương ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng thương mại trên địa bàn để đóng tàu vỏ thép và đã ký hợp đồng đóng tàu mới với các cơ sở đóng tàu trong nước.

Điều đáng bàn là có 7 chủ tàu ở các xã Tam Quan Bắc, Hoài Hương, Hoài Thanh dù đã được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng tàu vỏ gỗ đã xin rút lui.

Lý giải vì sao không tham gia nữa, ngư dân Phùng Ngọc Thanh ở thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc cho biết, ông đã ký hợp đồng với Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan thuộc Cty CP Thủy sản Hoài Nhơn để đóng tàu vỏ gỗ.

Tàu có công suất 400 CV hành nghề câu cá ngừ đại dương kiêm mành chụp theo mẫu thiết kế của tỉnh, tổng trị giá trên 6,7 tỷ đồng.

Để nhanh chóng hoàn thành ước nguyện có tàu lớn vươn khơi, ông Thanh đã đầu tư 500 triệu đồng mua gỗ và đã xem ngày thi công đóng tàu nhưng bất ngờ gặp vướng mắc.

“Tui mua đến 500 triệu đồng tiền gỗ nhưng chủ xưởng gỗ chỉ xuất hóa đơn mua hàng trị giá 150 triệu đồng.

Như vậy tui làm sao đủ cơ sở để chứng minh với cơ quan, đơn vị liên quan số tiền mình đã chi mua gỗ.

Hơn nữa, theo quy định thì tui không được sử dụng máy móc, ngư lưới cụ cũ; trong khi máy móc và ngư lưới cụ tui trang bị cho tàu cũ hiện vẫn còn sử dụng tốt, phù hợp với ngành nghề mà mình đang làm, bỏ đi thì lãng phí.

Do vậy, tôi đã xin rút không tham gia NĐ 67 và tự vay vốn đóng tàu vỏ gỗ”, ông Thanh nói.

“Đặc biệt, ngành thuế cần tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thuế VAT cho ngư dân theo quy định tại NĐ 67 của Chính phủ và giúp họ tháo gỡ khó khăn về hóa đơn, chứng từ mua gỗ đóng tàu vỏ gỗ và thanh quyết toán để các ngân hàng thương mại giải ngân vốn vay...”, ông Phạm Văn Chung.

Vì một lý do khác, ngư dân La Tình ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc cũng đã xin rút không tham gia NĐ 67.

Ông Tình bộc bạch: “Tui đã nộp hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Hoài Nhơn để đóng mới tàu vỏ gỗ công suất 400 CV trị giá gần 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng buộc năm nào tui cũng phải nộp đủ 100% cả tiền gốc và tiền lãi theo quy định, nếu không đáp ứng được yêu cầu đó, họ không giải quyết. Nghề khai thác hải sản trên biển nhiều rủi ro, năm được năm không.

Tui có đề nghị ngân hàng linh động theo cách: Những năm biển mất mùa tui sẽ trả đủ tiền lãi, còn tiền gốc trả ít hơn quy định của ngân hàng.

Năm nào làm ăn khấm khá ngoài trả tiền lãi tui sẽ trả tiền gốc nhiều gấp 3 hoặc 4 lần so với quy định để bù lại những năm khác và bảo đảm đúng kỳ hạn tui sẽ hoàn thành việc trả nợ cho ngân hàng.

Thế nhưng họ không đồng ý, vì vậy tui quyết định xin rút không tham gia NĐ 67”.

Theo Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, vấn đề tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại để đóng tàu mới là một trong những “gian nan” nhất hiện nay của ngư dân. Một số ngư dân đã nộp hồ sơ vay vốn, nhiều ngân hàng bàn ra hoặc trả lời là đang xem xét, họ không ấn định thời gian trả lời cụ thể cho ngư dân biết khiến họ đi lại đến “mòn chân”.

Có ngân hàng còn “mớm” cho ngư dân rằng vay vốn thương mại đóng tàu dễ hơn vay vốn 67 và ban hành rất nhiều quy định khắt khe, khiến cho ngư dân thấy “chóng mặt”, tự nguyện rút lui khỏi NĐ 67 và chuyển sang vay vốn thương mại để đóng tàu. Một vấn đề nữa cần đáng bàn là mẫu tàu và dự toán mẫu tàu vỏ gỗ hiện nay chưa phù hợp với tập quán của ngư dân địa phương.

Trong khi đó, các cơ sở đóng tàu dự toán giá thành tàu đóng mới khác nhau, nên ngư dân không biết đâu mà lần.

“Cũng có một số chủ tàu khi được duyệt danh sách lại xin chuyển nghề, chuyển vật liệu đóng tàu nên phải làm lại phương án SX, kinh doanh để thẩm định, phê duyệt lại đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện NĐ 67”, ông Phạm Văn Chung, Phó phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn cho biết thêm.

Theo ông Chung, trong thời gian tới huyện sẽ liên hệ và làm việc trực tiếp với từng chủ tàu để nắm bắt cụ thể, chi tiết những vướng mắc trong quá trình thực hiện NĐ 67; đồng thời phối hợp với các ngân hàng thương mại để giải quyết những khó khăn.

Ông Chung đề nghị: “Để chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo tinh thần NĐ 67 của Chính phủ thực sự đi vào cuộc sống, các ngành liên quan cần đưa ra nhiều mẫu thiết kế tàu cá phù hợp với tập quán và ngành nghề khai thác để cho ngư dân rộng đường lựa chọn.

Bên cạnh đó cần cho ngư dân được sử dụng máy cũ còn giá trị trên 70% nhằm giảm chi phí đầu vào; đồng thời kéo dài thời hạn vay trả vốn, tạo điều kiện thuận lợi họ hoàn trả..


Có thể bạn quan tâm

cham-soc-cam-duong-canh-thoi-ky-kinh-doanh Chăm sóc cam đường Canh… cong-nghe-laser-san-phang-dong-ruong Công nghệ laser san phẳng…