Mô hình kinh tế Khởi Nghiệp Từ Nuôi Chim Trĩ

Khởi Nghiệp Từ Nuôi Chim Trĩ

Ngày đăng 13/09/2013

Từng làm việc trong một doanh nghiệp ngành Than với mức lương ổn định trên 7 triệu đồng/tháng thế nhưng Đinh Hữu Hiền (khu 6, phường Bắc Sơn, TP Uông Bí, Quảng Ninh) đã quyết định nghỉ việc để về nhà nuôi gà. Anh Hiền tâm sự: Thời điểm cách đây 5 năm, 7 triệu cũng là to, với mức thu nhập ấy nhiều người muốn xin vào làm.

Thế nhưng tôi thì lại chắc chắn một điều là lương cao đấy nhưng cuối cùng mình vẫn sẽ không có gì, bởi đàn ông sống xa nhà, có đấy rồi tiêu hết, không tích luỹ được. Đấy là chưa kể lúc ốm đau một thân một mình, tội lắm. Trong khi đó ở nhà tôi có đất, có vườn, nuôi gà cũng tốt mà nuôi lợn cũng hay, chẳng nhẽ lại không làm nên cơ sự gì...

Có lẽ nghĩ vậy nên Đinh Hữu Hiền đã quyết chí bỏ việc về nhà để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhận xét về con trai mình, bác Đinh Văn Sơn, bố Hiền cho biết: Cái hay của Hiền là rất tỉ mẩn, cẩn thận, làm gì cũng có quan sát kỹ càng và mạnh dạn áp dụng cách làm mới.

Nhớ đợt dịch gà toi, có ngày Hiền ngồi ở khu chuồng nuôi hàng tiếng đồng hồ để xem biểu hiện của đàn gà, con nào có dấu hiệu chậm chạp nó bắt riêng. Rồi những con gà yếu ấy trong khi nhiều người cố công chạy chữa thì nó xử lý luôn, dùng hoá chất, vôi bột để tiêu huỷ một cách an toàn. Bởi vậy nên trong khi nhiều đàn gà lân cận chết hàng loạt thì gà của nó hầu như không bị thiệt hại.

Có lẽ Hiền cũng có “tay nuôi”, hơn nữa lại chịu khó nghiên cứu, học hỏi, áp dụng kiến thức kinh nghiệm hay trong quá trình chăn nuôi nên đàn gia súc, gia cầm nhà anh phát triển khá nhanh, ít bị dịch bệnh. Năm 2009, anh đã mạnh dạn đầu tư vào con chim trĩ, đối tượng nuôi rất mới mẻ lúc bấy giờ.

Hiền cho biết: Vì gà, gan, ngỗng vốn là những vật nuôi quen thuộc rồi, được nhiều người nuôi nên mình nếu có tham gia cũng khó cạnh tranh. Nhưng với con chim trĩ thì lại khác, đối tượng này hoàn toàn có thể giúp mình hình thành một mô hình kinh tế mang lại lợi nhuận và ổn định, thậm chí nếu nuôi tốt có thể cho thu lãi gấp 2 đến 2,5 lần nuôi gà, ngan.

Thực tế loài chim trĩ tuy có yêu cầu kỹ thuật nuôi cao, nhất là quá trình ấp trứng, và giai đoạn chúng còn nhỏ, thế nhưng khi đã lớn một chút thì sức sống rất tốt, hơn nữa lại ăn ít lương thực mà chỉ ăn rau, rất phù hợp với mô hình vườn đồi của gia đình anh. Bên cạnh đó hình dáng chim trĩ đẹp, thịt ngon, nhiều chất dinh dưỡng, khách hàng có thể mua chim về chơi hay làm thực phẩm đều tốt cả. Đây chính là thuận lợi cho đầu ra và giá cả của con chim trĩ...

Bằng cách vừa học vừa làm, Đinh Hữu Hiền đã từng bước duy trì và nhân rộng đàn chim trĩ, có lúc lên đến gần trăm con trưởng thành. Đồng thời, qua nhiều kênh khác, anh cũng tích cực giới thiệu sản phẩm chim trĩ của mình để tìm kiếm khách hàng, mở rộng đầu mối tiêu thụ.

Đến thời điểm hiện nay, mô hình nuôi chim trĩ của anh đã trở thành địa chỉ khá quen thuộc của khách hàng mua chim trĩ. Mỗi năm anh xuất hàng trăm chim trưởng thành, 500 chim giống với giá trị trên dưới 200 triệu đồng. Chỉ tính từ đầu năm đến nay anh đã xuất được trên 100 chim trưởng thành, 200 chim giống đạt giá trị trên 100 triệu đồng.

Được biết để tiếp tục phát triển đàn chim trĩ, Đinh Hữu Hiền đang triển khai ý tưởng nuôi bò để lấy phân nuôi giun nhằm cung cấp thức ăn cho chim trĩ, thúc đẩy phát triển giống chim này. Anh khẳng định: Trong vài năm tới đây, con chim trĩ sẽ còn được ưa chuộng, tiêu thụ nhiều, vì vậy nếu biết đầu tư một cách kỹ lượng và khoa học thì chắc chắn người nuôi sẽ thắng lợi...


Có thể bạn quan tâm

thuong-lai-gom-hang-gia-heo-tang-manh Thương Lái Gom Hàng Giá… kha-len-nho-nghe-nuoi-chim-cut Khá Lên Nhờ Nghề Nuôi…