Khôi Phục Vườn Tiêu Ở Tân Liên (Quảng Trị)
Cây hồ tiêu vốn là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân xã Tân Liên (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Tuy nhiên do sự bùng phát của các dịch bệnh, cụ thể là bệnh chết nhanh, chết chậm đã khiến đa số vườn tiêu của người dân rơi vào cảnh tiêu điều, xơ xác.
Thời gian qua, với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cùng các dự án, người dân xã Tân Liên đã bắt đầu khôi phục vườn tiêu trở lại.
Bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora parasitica var piperana là tác nhân chính. Nấm sống dưới đất ẩm, chủ yếu phát triển và lây lan trong mùa mưa, nhất là giai đoạn giữa và cuối mùa mưa, đầu mùa khô. Nấm Phytophthora kết hợp với các loại nấm sống trong đất khác như Pythium, Fusarium, Rhizoctonia… cùng tấn công làm dây tiêu chết rất nhanh. Nấm bệnh có thể lây lan đến hầu hết các bộ phận của dây như lá, rễ, thân, nhánh… đặc biệt là các bộ phận nằm trong và sát mặt đất.
Bệnh chết chậm do nấm Fusarium solani, Fusarium oxysporum, Lasiodiplodia, Pythium, Rhizoctonia gây hại. Bệnh chết chậm do tác nhân chính là rệp sáp, nấm Furasium gây ra; tuyến trùng tấn công vào bộ rễ hồ tiêu trong thời gian dài làm rễ bị tổn thương, khi gặp độ ẩm cao và lúc nhiệt độ thấp sẽ phát tán làm lá chuyển vàng, quả và đốt, thân rụng dần rồi thối gốc.
Bệnh kéo dài khá lâu, có thể trên 6 tháng hoặc vài năm trước khi cây tiêu bị hư hại hoàn toàn nên thường được gọi là bệnh chết chậm. Trước khi bị dịch bệnh chết nhanh, chết chậm tấn công, toàn xã Tân Liên có hơn 50 ha hồ tiêu, tuy nhiên sau dịch bệnh chỉ còn sót lại vài héc ta ở một số hộ gia đình.
Chị Trần Thị Thanh Thúy, cán bộ khuyến nông xã Tân Liên cho biết: “Những năm qua tiêu bị bệnh chết rất nhiều. Nhưng nhiều người nông dân vẫn xác định đây là cây trồng mũi nhọn để phát triển kinh tế. Từ tháng 6/2013, người dân đã bắt đầu khôi phục lại vườn hồ tiêu, đến nay đã đạt diện tích 15 ha, tập trung ở các thôn Đại Thủy, Tân Hào, Tân Hiệp”.
Ngoài sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân còn được hưởng lợi từ tổ chức ROP. Hiện nay tổ chức này đang đầu tư cho 24 hộ nông dân của xã về chăm sóc cây tiêu. Cụ thể người dân chỉ góp vốn 50%, 50% còn lại sẽ do tổ chức ROP tài trợ, đồng thời tổ chức này cũng hỗ trợ về kĩ thuật, thuốc phòng trừ sâu bệnh và mở các lớp tập huấn cho người dân.
Chị Thúy cũng cho biết thêm hiện tại hồ tiêu đang vào mùa thu hoạch, tuy năng suất chưa đạt được như trước nhưng kết quả bước đầu thu được khá thuận lợi. Nhiều hộ dân đã đăng kí trồng mới hoặc mở rộng vườn tiêu trong mùa tiếp theo.
Ông Võ Văn Dũng, Trưởng thôn Đại Thủy cho biết: “Hiện nay thôn Đại Thủy có 8 hộ dân đang khôi phục lại vườn tiêu, trong năm tới chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng, đồng thời chú trọng hơn đến công tác phòng trừ dịch bệnh”.
Để hạn chế sự tàn phá của bệnh chết nhanh, chết chậm và phát triển vườn tiêu bền vững, cần chú trọng đến một số điểm như vệ sinh vườn tiêu để giảm nguồn ủ bệnh, thu gom và đốt lá bị rụng.
Khi chăm sóc tránh gây tổn thương vùng rễ để mầm bệnh không có cơ hội xâm nhiễm vào cây, tỉa những nhánh ở dưới thấp gần mặt đất để hạn chế sự lây lan của mầm bệnh; phòng trừ các đối tượng gián tiếp tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhiễm như rệp sáp hại rễ, tuyến trùng và côn trùng trong đất; có hệ thống tưới tiêu thích hợp để ngăn ngừa nước tưới dư thừa, vì tình trạng đất bị úng nước sẽ tạo điều kiện cho các bào tử nấm bệnh xâm nhiễm và lây lan; không sử dụng các dây tiêu để nhân giống từ vườn tiêu bị bệnh hoặc vùng có độ rủi ro bệnh xuất hiện nhiều; tăng cường bón phân hữu cơ, phân đã hoai mục.
Bón phân Nitrat canxi để giảm độ chua đất, phát triển bộ rễ và tăng sức đề kháng của cây đối với bệnh. Phun phân bón lá để cung cấp thêm phân NPK và vi lượng để cây phát triển tốt và tăng khả năng chống chịu với bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ