Mô hình kinh tế Khởi sắc với nông thôn mới

Khởi sắc với nông thôn mới

Ngày đăng 11/10/2015

Theo ông đâu là cái được lớn nhất mà NTM đã mang lại cho Quảng Trị?

 

 Ông Hà Sỹ Đồng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị.

- Cái được lớn nhất trong gần 5 xây dựng NTM chính là sự đồng thuận trong cán bộ và nhân dân.

Nhờ đó đã phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong việc triển khai xây dựng NTM.

Ngoài ra, đã huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp, nhờ đó đã tạo sự chuyển biến rõ nét ở khu vực nông thôn.

Dù là tỉnh còn khó khăn, song Quảng Trị đã huy động nhiều nguồn lực cho xây dựng NTM;

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã huy động được tổng kinh phí hơn 5.807 triệu đồng để đầu tư vào nông thôn.

Trong đó ngân sách các cấp trực tiếp hỗ trợ cho NTM 394.585 triệu đồng, số còn lại là vốn lồng ghép các chương trình, dự án, vốn doanh nghiệp, HTX và nhân dân đóng góp.

Điểm nhấn ấn tượng nữa là vào năm 2010, mức đạt tiêu chí bình quân 3,6 tiêu chí/xã nay đã lên 11,2 tiêu chí/xã. Hiện toàn tỉnh đã có 4 xã (Vĩnh Thủy, Vĩnh Thạch và Vĩnh Kim huyện Vĩnh Linh; Triệu Thành huyện Triệu Phong) đạt chuẩn nông thôn mới.

Để nâng cao thu nhập cho người nông dân, Quảng Trị luôn quan tâm đầu tư hạ tầng thiết yếu để phục vụ sản xuất.

Tỉnh thường xuyên chú trọng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng. Nhờ đó, đời sống của đại bộ phận người dân đã được nâng lên đáng kể.

Theo ông, Quảng Trị đã có những cách làm hay và sáng tạo nào cần được tuyên dương và nhân rộng?

- Quảng Trị xác định mục tiêu lớn nhất của chương trình là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Vì thế, chúng tôi chọn cách tiếp cận phù hợp với một tỉnh nghèo, đó là tập trung tổ chức sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nhờ đó, trong quá trình triển khai NTM, Quảng Trị đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều tấm gương điển hình như mô hình thắp sáng đường quê ở Vĩnh Linh, Cam Lộ, Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh;  dồn điền đổi thửa để xây dựng các cánh đồng lớn ở Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng…

Quảng Trị cũng xuất hiện nhiều điển hình cá nhân trong xây dựng NTM, như  hộ ông Hồ Văn Loan (Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) hiến 6.500 m2 đất để xây dựng trường học, trạm y tế; ông Hồ Văn Thủy (trưởng thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông) đã hiến 650 m2 vườn cây cà phê và hoa màu để xây trường học; ông Nguyễn Văn Tuyền (thôn Đại Hào, Triệu Đại, Triệu Phong) đã hiến 750m2 đất ở để xây dựng chợ...       

Vậy, còn khó khăn, thách thức? Theo ông, những bất cập lớn về chính sách cần được sửa đổi là gì?

- Khó khăn lớn nhất là nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp – nông thôn còn hạn chế. Mặc khác, trong quá trình triển khai, các địa phương rất lúng túng trong lồng ghép các nguồn vốn vào chương trình NTM do các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), chương trình đầu tư có mục tiêu đều đã có lộ trình, địa chỉ đầu tư.

Vì vậy, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế lồng ghép các chương trình MTQG để tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện một cách có hiệu quả.

Vấn đề giải quyết môi trường ở nông thôn hiện đang rất khó khăn do vừa thiếu hướng dẫn cụ thể, vừa cần nhiều nguồn lực để giải quyết nhằm hoàn thành tiêu chí môi trường.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.

Tuy nhiên, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn đang gặp nhiều khó khăn do các cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, về cơ sở hạ tầng và các chính sách ưu đãi về thuế chưa hấp dẫn nên vấn đề liên kết 4 nhà để giải quyết chế biến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản chưa có thị trường ổn định, giá cả bấp bênh phụ thuộc nhiều vào thương lái.

Định hướng và mục tiêu cụ thể của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo như thế nào, thưa ông?

- Mục tiêu của tỉnh về phát triển kinh tế là tăng trưởng bình quân hàng năm thời kỳ 2011-2020 đạt 10%/năm; Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 tăng gấp 2 lần so với năm 2010 và năm 2020 tăng gấp 2 lần so với năm 2015.

Để làm được điều này, Quảng Trị đã, đang và sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đến năm 2020 cơ cấu kinh tế của tỉnh theo các lĩnh vực như sau: Công nghiệp – Dịch vụ - Nông nghiệp theo tỉ lệ lần lượt là 56%  - 31% - 13%.

Mục tiêu của tỉnh đến cuối năm 2015 đưa 19 xã đạt chuẩn và phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 40% số xã đạt chuẩn (tương đương 47 xã), 70 xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên và có 1 huyện đạt chuẩn NTM.

Trong những năm tới, Quảng Trị sẽ tiếp tục phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền cơ sở; huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự vào cuộc của Mặt trận và các đoàn thể, các doanh nghiệp trong phát động mạnh mẽ phong trào chung sức xây dựng NTM.

Quảng Trị sẽ tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo vững chắc an ninh lương thực cả trước mắt và lâu dài, duy trì diện tích gieo trồng lúa 2 vụ ổn định  khoảng 47- 48 nghìn ha/năm;

Sản lượng lương thực có hạt ổn định trong khoảng 23-23,5 vạn tấn/năm; tăng diện tích vùng lúa chất lượng cao lên khoảng 18.000 – 20.000 ha vào năm 2020; ổn định và thâm canh diện tích trồng sắn hiện có.

Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển mạnh các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cao su, cà phê, hồ tiêu. Phấn đấu đến đến năm 2020, diện tích cây cao su đạt 26.500 ha, diện tích cây hồ tiêu đạt 3.000 ha, cây cà phê 5.500 ha.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, xây dựng trang trại tập trung, mở rộng quy mô gia trại gắn với an toàn sinh học.

Xem việc phát triển chăn nuôi gắn liền với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chu trình khép kín để nâng cao giá trị gia tăng.

Chú trọng công tác trồng rừng FSC, kinh doanh gỗ lớn phục vụ cho công nghiệp chế biến xuất khẩu, hiện nay tỉnh có trên 100.000ha rừng trồng đạt tiêu chuẩn rừng trồng bền vững cung cấp từ 800 ngàn đến 1 triệu m3 gỗ/năm.

Xây dựng ngành lâm nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn.

Đến nay, diện tích được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC năm 2015 là 24.500ha và phấn đấu đến năm 2020 là 42.000 ha.

Ưu tiên phát triển ngành kinh tế thủy sản từ đánh bắt xa bờ đến nuôi trồng chế biến, hướng ngành này đạt trên 30% giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp vào năm 2020; phấn đấu sản lượng thủy sản vào năm 2020 đạt khoảng 38 nghìn tấn.


Có thể bạn quan tâm

bien-doi-quang-thanh-vuon-buoi-tien-ty Biến đồi quặng thành vườn… ha-tinh-5-nam-dau-an-nong-thon-moi-o-ban-nong-nhat-tinh Hà Tĩnh 5 năm dấu…