Tin nông nghiệp Khởi xướng nông nghiệp công nghệ cao vùng đất khó xứ Thanh

Khởi xướng nông nghiệp công nghệ cao vùng đất khó xứ Thanh

Tác giả Võ Văn Dũng, ngày đăng 14/02/2022

Đang có thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm từ cây mía, ông Binh bỏ mía, dốc túi đầu tư hàng tỉ đồng làm nông nghiệp trong nhà lưới, và đã cho thành quả.

Khu nhà lưới được đầu tư bài bản do ông Binh tự thiết kế. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Binh “thả hình bắt bóng”

Ông Lê Hữu Hùng, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đượm buồn khi nói về kinh tế tại địa phương này. Nhưng rồi mắt ông rực sáng khi nhắc đến ông Nguyễn Văn Binh ở thôn Minh Quang. Đó là một điểm sáng trong phát triển kinh tế tại địa phương. Cách làm của ông Binh gợi mở hướng đi trong phát triển kinh tế tại một xã có đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng đất đai phì nhiêu như xã Lương Sơn.

Ông Binh có 5 ha đất trồng mía. Đất đai phì nhiêu lại nuôi thêm gần 200 con lợn nên nguồn phân chuồng dồi dào để bón cho cây trồng. Vì thế, mỗi năm ông thu hoạch khoảng 450 tấn mía. Với giá mía xô thời điểm cao nhất là 1 triệu đồng/tấn, gia đình ông thu về khoảng 450 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng khoảng 200 triệu đồng. Đó là một số tiền rất lớn đối với mức thu nhập hiện nay của người dân Lương Sơn. Thế nhưng ông Binh chưa muốn dừng lại.

Sau khi đi tham quan nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn tỉnh, đầu năm 2020, ông Binh mua vật liệu về, tự thiết kế rồi thuê thợ xây dựng 5000m2 nhà màng để trồng dưa kim hoàng hậu và dưa chuột bao tử.

Đây là mơ ước ông đã muốn thực hiện từ 5 năm trước nhưng do chưa hiểu hết về mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới còn nấn ná. Theo ông Binh, ngoài việc tìm hiểu về đầu tư, quy trình sản xuất, ông còn tìm hiểu thị trường để khi có sản phẩm sẽ không phải lo lắng về đầu ra. 

Vừa xây dựng nhà lưới vừa tự thiết kế nên nhiều chi tiết phải làm đi làm lại khiến chi phí đội lên so với hạch toán ban đầu. Bản thân thợ thi công cũng khó chịu ra mặt nhưng với bản tính chịu khó, chịu khổ, ông thuyết phục thợ điều chỉnh theo đúng ý tưởng của mình.

“Không có nhiều vốn, tôi mua vật liệu về thuê nhân công để làm, giảm chi phí đầu tư. Qua nhiều năm tìm hiểu, tôi tự lựa chọn cho mình một mẫu thiết kế nhà lưới riêng và cách trồng, chăm sóc riêng, miễn là đảm bảo an toàn. Qua khảo sát thị trường, tôi nhận thấy, nhu cầu các sản phẩm nông nghiệp an toàn sẽ có xu hướng tăng, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng liên kết với nông dân tiêu thụ sản phẩm nên mới yên tâm đầu tư. Tuy nhiên, bản thân tôi và gia đình cũng trăn trở bởi đây là một phương thức sản xuất mới và không loại trừ nguy cơ thất bại”, ông Binh chia sẻ.

Là người dám chấp nhận thất bại, ông quyết làm một cuộc “cách mạng” trong tư duy sản xuất. Điều này khiến không chỉ vợ con ông mà cả dân làng bất ngờ. Chẳng ai “thả hình bắt bóng”, chẳng ai đang làm ăn yên ổn lại mang vài tỷ bạc đi làm nhà lưới khi mà ở đây ai cũng nghi ngờ về tính hiệu quả của nó.

“Họ nói tôi là nông dân chân lấm mắt toét, bày đặt đi làm nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng tôi mặc kệ, làm theo niềm tin và sự tính toán của mình”, ông Binh cười hiền.

Khi ông Binh thu về thành quả ngọt ngào, nhiều hộ dân trong xã Lương Sơn cũng mong muốn làm theo. Đến nay, ngoài 0,5 ha nhà lưới của ông Binh, 3 hộ dân tại xã Lương Sơn đang hùn vốn đầu tư để xây dựng thêm 1 ha nhà lưới để sản xuất nông nghiệp an toàn.

Làm nông nghiệp hướng hữu cơ theo cách riêng

Ông Hoàng Hữu Hiền tại xã Lương Sơn, một người đang có ý định xây dựng nhà lưới để sản xuất nông nghiệp nhận xét: Ông Nguyễn Văn Binh là một nông dân cần cù, chịu thương, chịu khó, chịu học hỏi, chịu tiếp thu và dám chấp nhận thất bại. Chính tính cách ấy, ông Binh đã không chấp nhận mỗi năm lãi ròng vài trăm triệu đồng từ trồng mía mà chấp nhận đầu tư tiền tỉ để trồng các sản phẩm an toàn trong nhà lưới.

Nếu như các mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới tại Thanh Hóa đa phần đều trồng cây trên giá thể xơ dừa hoặc thủy canh thì ông Binh tự mình tạo ra giá thể. Ông mua đất bãi bồi về, đắp bạt, ủ yếm khí trong vòng 2 tháng. Phân lợn được ông sử dụng chế phẩm Trichoderma ủ trong vòng 2 tháng. Sau đó, đất và phân chuồng hoai mục sẽ được trộn đều với nhau theo tỷ lệ 20 kg đất/1kg phân. Hỗn hợp này cộng thêm vỏ trấu được ủ trong vòng 1 tháng trước khi đưa vào sử dụng.

Theo ông Binh, đây là một sự thử nghiệm, dù ông đã tìm hiểu rất nhiều tài liệu và cách làm nhưng do thiếu vốn nên ông … làm liều! Làm theo cách này, ông Binh giảm được 50% giá đầu tư so với việc bỏ tiền đi mua giá thể có sẵn. Bên cạnh đó, sau vụ dưa đầu tiên, ông Binh tự mua hạt giống về trồng nên giảm thêm được một phần chi phí mua giống. Nhưng đó vẫn là một sự mạo hiểm. Chẳng biết vì may mắn hay đã nằm trong tính toán mà ông Binh thành công thật.

Tháng 3/2021, những cây dưa vàng đầu tiên đã mọc lên, xanh nõn trên những chiếc giá thể do chính ông Binh tự làm. Sau gần 3 tháng, ông Binh thu về 12 tấn dưa vàng, xuất bán được trên 320 triệu đồng. Lứa dưa thứ 2 cũng thu được thành quả tương tự. Cuối năm 2021, 0,25 ha dưa vàng trái vụ, 0,25 ha dưa bao tử canh tác trong hai nhà màng, thu về khoảng 4 tấn dưa vàng, 7 tấn dưa bao tử. Nhiều người khi đến thăm vườn dưa vàng của ông đã không khỏi trầm trồ.

Ông Binh tâm sự: Nông dân phải tự thay đổi, nếu không sẽ tụt hậu. Ảnh: Võ Dũng.

Từ 0,5ha nhà lưới với chi phí đầu tư ban đầu gần 1,4 tỷ đồng, ông Binh nhẩm tính, nếu thuận lợi chỉ 3 năm sau là ông đã hoàn vốn đầu tư. Ông không nghĩ thành quả lại đến nhanh và ngọt ngào thế. Ông Binh cũng không ngần ngại mở rộng thêm diện tích và sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho những hộ trong xã có nhu cầu xây dựng nhà lưới sản xuất nông nghiệp an toàn.

Năm đầu tiên thử nghiệm, ông Binh sản xuất 3 vụ, trong đó có 2 vụ chính trồng dưa vàng. Tổng doanh thu trong 1 năm từ 0,5ha nhà lưới là 800 triệu đồng, lãi ròng trên 400 triệu. Đó thực sự là một thành quả ngọt ngào mà ngay cả bản thân ông Binh cũng không ngờ tới.

Ông Lê Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Sơn cho hay, mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới của ông Nguyễn Văn Binh đang cho hiệu quả kinh tế đáng kinh ngạc và tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Lương Sơn là xã có phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn khó khăn, sản xuất nông nghiệp còn hết sức lạc hậu. Việc ông Binh đưa một mô hình sản xuất mới vào áp dụng và thành công sẽ mở ra một hướng đi mới cho người dân địa phương.

Thành quả ngọt ngào của ông Binh tạo động lực cho nhiều hộ dân tiến tới áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, biện pháp canh tác an toàn trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Lê Hoàng Cường, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Thường Xuân cho biết, Thường Xuân là một trong những huyện có điều kiện kinh tế khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số.

Những năm qua, địa phương đã tranh thủ nhiều nguồn vốn, lồng ghép các chương trình để phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, các mô hình kinh tế cho hiệu quả kinh tế cao, chưa có tính đột biến. Chính vì thế, có những mô hình như của ông Nguyễn Văn Binh tại xã Lương Sơn là điều rất đáng khích lệ. Năm 2022, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, UBND huyện Thường Xuân sẽ trích ngân sách để hỗ trợ thêm cho các mô hình nông nghiệp sản xuất trong nhà lưới đạt tiêu chuẩn an toàn.

Thanh Hóa hiện có trên 128ha nhà lưới, nhà màng sản xuất nông nghiệp. Trong số đó có khoảng 50% diện tích là do nông dân đầu tư sản xuất. Số còn lại là vốn đầu tư của các doanh nghiệp. Các cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia xây dựng, sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới đảm bảo tiêu chí an toàn, sản phẩm đạt tiêu chí VietGAP đều được UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 50.000 đồng/m2 nhà lưới. Bên cạnh đó, một số huyện cũng có chính sách hỗ trợ riêng để kích cầu sản xuất cho bà con nông dân.


Có thể bạn quan tâm

tuong-lai-cua-nganh-trai-cay-toan-cau-hau-covid-19-se-the-nao Tương lai của ngành trái… bien-doi-khi-hau-nhu-con-quai-vat-tang-hinh-de-doa-cay-lua Biến đổi khí hậu như…