Mô hình kinh tế Không còn kiếm củi

Không còn kiếm củi

Ngày đăng 08/10/2015

Chỉ sau gần 2 năm triển khai, dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (LCASP) đã nhanh chóng lan tỏa tại huyện Thuận Châu (Sơn La), giúp hàng trăm hộ dân giải quyết nhu cầu bức bách về chất đốt, môi trường.

Anh Vi Văn Thanh, cán bộ khuyến nông huyện Thuận Châu nhớ lại, là cán bộ thâm niên đi cơ sở, ăn ở với bà con người Thái, nhưng mỗi lần về xã Tông Cọ, đến cơm cũng không nuốt nổi bởi mùi hôi thối do cảnh “người sống trên sàn, lợn dưới gầm sàn”.

Tiếng là dân miền núi, đất nương rẫy bạt ngàn nhưng đất vườn ở Tông Cọ chỉ trung bình chỉ dưới 360 m2/hộ. Bản Lè B (xã Tông Cọ) từ đầu tới cuối chỉ dài chừng 500 m nhưng tập trung tới 4 dãy nhà sàn và hơn 100 nóc nhà chen chúc, chật chội chẳng khác gì thành phố.

Đất ở đã chật, lấy đâu đất xây chuồng trại chăn nuôi? Thế nên nhà nào ở bản Lè B trước đây cũng đều phải chăn nuôi lợn, trâu bò dưới gầm nhà sàn.

Nhà ít thì 5 – 10 con, nhà nhiều tới 40 – 50 con, tới 90% số hộ trong bản nhà nào cũng chăn nuôi. Tất tần tật chất thải đều tuôn thẳng ra con suối Muội chảy qua bản.

Những điểm dân cư đông đúc như Bản Hình, Bản Thúm, bản Nà Cáy… cách xa suối Muội, người ta phải đầu tư đường ống nhựa dài hàng cây số để đưa chất thải chăn nuôi ra suối, nếu không thì phân lợn chất đống ngay dưới nhà sàn…

Theo ông Trần Văn Thử, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thuận Châu, toàn huyện đã có hơn 100 công trình biogas, riêng xã Tông Cọ trước đây là vùng chăn nuôi lớn của huyện đã có gần 30 hộ tham gia. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm khoảng 20 hộ nữa tiến hành lắp đặt.

Đáng mừng là cái sự bức bách về vấn nạn môi trường ở Tông Cọ gần đây đã có hướng giải thoát. Từ đầu năm 2014, LCASP triển khai về Tông Cọ đã nhanh chóng được bà con nơi đây đón nhận.

Dẫn chúng tôi ra dãy chuồng lợn vừa mới tôn cào nền, nước dội sạch bong, anh Lò Văn Cường, bản Lè B cho biết, được sự vận động và hỗ trợ của dự án với kinh phí 3 triệu đồng, đầu năm 2015, anh mạnh dạn tiên phong trong bản đầu tư thêm trên 10 triệu đồng lắp đặt hệ thống hầm biogas có thể tích 9 m3, đủ sức chứa chất thải thường xuyên cho khoảng 30 - 40 con lợn.

Không chỉ giải quyết được vấn đề chất thải, hầm biogas đã trở thành cứu cánh cho bà con nơi đây về nhu cầu chất đốt.

Đồi núi bây giờ đã trồng ngô hết, không còn rừng nữa nên để có cái đun nấu, dân trong bản phải đánh xe máy khoảng 15 – 20 km, sang tận xã Chiềng Đen đào cả gốc cây mới có củi đun.

“Cứ một tuần một lần, cả nhà phải bổ ra đi lấy củi. Bây giờ thì khỏe rồi, nhờ có hầm biogas nên tha hồ đun nấu, chẳng ai còn phải đi lấy củi nữa” – anh Cường khoe.

Anh Lò Văn Việt, bản Hình (xã Tông Cọ) vừa lắp đặt công trình hầm biogas cho biết thêm, gia đình không có người đi lấy củi nên trước đây phải đi mua củi dùng hết 1 m3/tháng, giá củi không phải rẻ, lên tới 500 nghìn đồng/m3.

Có hầm biogas, gia đình anh vừa không còn phải tốn tiền mua củi. Đối với người Thái, nhà nào cũng phải có một bếp lò ngay trên nhà sàn. Tuy nhiên gần 2 năm nay, chiếc bếp củi đã không còn phải hoạt động.

“Trước đây, nhà nào cũng phải có bếp than ngay trên sàn, lửa đỏ cả ngày để đun cám lợn, nấu ăn… Nấu bếp củi muội than, tro vung vãi khắp nhà, rất bẩn. Bây giờ thì đã có bếp đun bằng khí biogas, không còn phải nhóm lửa mỗi ngày cóc cách nữa” – anh Việt phấn khởi.


Có thể bạn quan tâm

tuoi-tiet-kiem-cho-ca-phe Tưới tiết kiệm cho cà… giong-lua-cho-vu-mua Giống lúa cho vụ mùa