Tin thủy sản Khu nuôi tôm hoành tráng bậc nhất Quảng Ninh thu hoạch mẻ đầu tiên

Khu nuôi tôm hoành tráng bậc nhất Quảng Ninh thu hoạch mẻ đầu tiên

Tác giả Vũ Cường - Tiến Thành, ngày đăng 07/08/2024

Xuất thân là dân xây dựng, anh Đặng Bá Mạnh chuyển qua nuôi tôm công nghệ cao với số vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng tại xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh).

"Không làm thì thôi, đã làm phải đàng hoàng, bài bản"

Dáng người gầy guộc, khuôn mặt góc cạnh, da đen nhẻm và lúc nào cũng cười tươi, đó chính là "đại gia chân đất" Đặng Bá Mạnh - Giám đốc HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả tại xã Cộng Hoà, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Hiện HTX đang có 35 nhân công, chủ yếu là lao động địa phương với mức lương dao động từ 9 đến 30 triệu đồng/người/tháng (tùy vị trí).

Anh Mạnh trước là dân cai thầu xây dựng và buôn bán bất động sản, qua nhiều năm lăn lộn với gạch vữa đất cát, anh có trong tay hàng chục tỷ đồng. Khi nghề xây dựng và bất động sản trở nên khó khăn, vốn xuất thân con nhà nông ở vùng thuần nông (Gia Lộc, Hải Dương) nên anh Mạnh nghĩ ngay đến việc chuyển đổi nghề sang đầu tư nông nghiệp.

Từ cuối năm 2021, anh Mạnh tìm hiểu thông tin và học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm ở các tỉnh miền Nam. Tháng 10/2022, anh bắt tay vào triển khai xây dựng khu nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn trong nhà màng trên diện tích 6ha đất nuôi trồng thủy sản tại xã Cộng Hòa, trong đó 4ha là khu xử lý và dự trữ nước, 2ha ao nuôi tôm với 12 ao nuôi, mỗi bể có diện tích từ 500m2 đến 1.000m2 và 7 ao chứa nước phục vụ nuôi tôm.

Nhớ lại thời kỳ ban đầu xây dựng khu nuôi tôm, anh Mạnh đăm chiêu tâm sự: "Vì đây là dự án lớn nên trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng rất phức tạp. Trong quá trình triển khai cũng thiếu vốn, không vay được ngân hàng, còn bao nhiêu nhà đất anh bán sạch. Có những người bạn trước kia mình giúp đỡ trở nên khá giả, lúc anh hỏi vay người ta từ chối ngay vì nghĩ anh lừa đảo, chắc vay tiền để làm gì chứ không phải đầu tư nuôi tôm. Rồi có người bảo anh bị hâm, có từng ấy tiền gửi ngân hàng lấy lãi ăn tiêu mấy đời không hết, đầu tư nuôi tôm làm gì cho tốn kém, rủi ro".

Trước muôn vàn khó khăn, "đại gia chân đất" Đặng Bá Mạnh nhiều lúc cũng nản lòng, chùn bước. Nhưng rồi anh xốc lại tinh thần. Với anh, sống phải làm được gì đó cho đời và đã làm nông nghiệp thì phải làm quy mô, bài bản, còn làm manh mún thì thôi, đừng làm nữa. Nghĩ vậy, anh tiếp tục huy động vốn từ người thân, họ hàng. Cuối cùng, đầu năm 2024, khu nuôi tôm công nghệ cao "hoành tráng" bậc nhất Quảng Ninh cũng hoàn thành như mong đợi.

Anh Đặng Bá Mạnh cho xem tôm ở giai đoạn 3, chuẩn bị được thu hoạch. Ảnh: Vũ Cường.

Mẻ tôm đầu tiên

Theo anh Mạnh, cơ sở để anh có niềm tin thành công với mô hình nuôi tôm của mình trước hết là nguồn nước biển tự nhiên được sử dụng làm nước cấp rất sạch, đảm bảo các yếu tố môi trường nuôi, cùng với đó là hệ thống hạ tầng ao nuôi đồng bộ. Đặc biệt, công nghệ nuôi tôm mà anh áp dụng rất tiên tiến, nuôi trong nhà bạt cải tiến theo 3 giai đoạn.

"Việc nuôi tôm trong nhà bạt cải tiến và nuôi theo 3 giai đoạn giúp người nuôi chủ động điều chỉnh được các yếu tố môi trường nuôi, nuôi được quanh năm và thu quanh năm, trong quá trình nuôi còn chủ động được các giải pháp kỹ thuật giúp tôm phát triển tốt nhất theo từng chu kỳ sinh trưởng", anh Mạnh chia sẻ.

Là người trong nghề xây dựng, anh Mạnh hiểu nguyên lý vận hành tối ưu của mô hình nhà bạt. Vì vậy trong quá trình thiết kế, anh điều chỉnh chiều cao căng bạt tính từ đỉnh xuống lớn hơn hẳn so với các mô hình nhà bạt thông thường. Theo cách này, nhà bạt của anh cho phép linh động phủ kín khu vực nuôi vào mùa đông, hoặc để thoáng vào mùa hè, tránh được tình trạng bí khí, hấp hơi, tạo sương, hoặc tạo độ ẩm cao làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con tôm như ở một số mô hình nhà bạt khác.

Anh Mạnh cho biết: Con tôm là đối tượng nuôi siêu lợi nhuận ở Quảng Ninh nhờ đầu ra sản phẩm luôn thuận lợi và rộng mở, nguồn nước ven biển Quảng Ninh còn khá sạch. Tuy nhiên, vẫn có người trắng tay do quá phụ thuộc vào môi trường nuôi tự nhiên vốn tiềm ẩn rất nhiều tình huống bất lợi, rủi ro với con tôm. Vì vậy, việc nuôi tôm công nghệ cao, chủ động nắm bắt, điều chỉnh, xử lý các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, thức ăn, con giống, dịch bệnh… là yêu cầu tiên quyết để nuôi tôm thắng lợi. Làm được điều này có thể đảm bảo an toàn suốt chu kỳ phát triển của con tôm nuôi, hoặc chí ít cũng không để tình trạng mất trắng cả vụ nuôi, dẫn đến cụt vốn.

Nhà bạt cho phép linh động phủ kín khu vực nuôi tôm vào mùa đông, hoặc để thoáng vào mùa hè, tránh được tình trạng bí khí, hấp hơi. Ảnh: Vũ Cường. 

Đầu tháng 3/2024, anh Mạnh đã thả nuôi 3 ao, chia ở 3 giai đoạn nhỏ, nhỡ và trưởng thành. Đầu tháng 7/2024, mẻ tôm thả nuôi đầu tiên của anh đã được thu hoạch, sản lượng hơn 50 tấn. Tuy nhiên, tôm cỡ từ 25 đến 30 con/kg anh Mạnh xuất bán với giá chỉ 120.000 đồng, thấp hơn nhiều so với mức giá bình quân trên thị trường mọi năm. Với giá 120.000 đồng/kg tôm, anh Mạnh cho biết chỉ hòa vốn, lý do bởi tầm này bà con các vùng miền xuất bán tôm nhiều nên giá thấp. Còn đến gần Tết giá tôm ở phía Bắc lại cao, sẽ bù lại giá thời điểm này.

Thăm mô hình nuôi tôm của anh Mạnh mới đây, bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh rất tâm đắc với cách thức vận hành, sử dụng công nghệ nuôi tôm tiên tiến, hiện đại của HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả tại xã Cộng Hoà và cho rằng, đây là mô hình tiêu biểu, cần khuyến khích đầu tư phát triển rộng rãi trên địa bàn tỉnh.

Các địa phương, đơn vị liên quan cần tạo điều kiện, hỗ trợ về mặt thủ tục pháp lý để tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu triển khai đầu tư nhằm mang lại lợi ích thiết thực, hiệu quả cho người nuôi, làm giàu cho người dân địa phương.

Với kinh nghiệm có được từ thực tế, tới đây, HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả sẽ trình cấp có thẩm quyền để được mở rộng quy mô khu vực nuôi tôm công nghệ cao tại xã Cộng Hòa lên trên 100ha. Nếu được chấp thuận, mô hình nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao này trung bình mỗi năm sẽ cho sản lượng lên đến hàng nghìn tấn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Theo tính toán của anh Mạnh, nếu mọi việc thuận lợi thì 1 năm anh có thể xuất ra thị trường từ 450 đến 500 tấn tôm. "Khách hàng bên Trung Quốc đặt nhiều nhưng họ yêu cầu hàng tháng mình phải đáp ứng đủ số lượng nhất định, đều trong 12 tháng. Mình chưa dám khẳng định có đủ lượng cung cấp nên chưa dám nhận lời, tạm thời vẫn bán tôm trong nước", anh Mạnh cho hay.


Có thể bạn quan tâm

dat-muoi-bo-hoang-sinh-loi-khi-chuyen-sang-nuoi-tom-cong-nghe-cao Đất muối bỏ hoang sinh… nuoi-thuy-san-vietgap-chi-phi-giam-manh-gia-ban-tang-10-20 Nuôi thủy sản VietGAP, chi…