Tôm thẻ chân trắng Khuyến cáo phòng ngừa dịch bệnh Hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm nuôi

Khuyến cáo phòng ngừa dịch bệnh Hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm nuôi

Ngày đăng 02/06/2015

Vừa qua, Cục Thú y vừa ban hành công văn số 737/TYTS ngày 09 tháng 05 năm 2013 về việc thông báo tác nhân gây hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm nuôi, kết quả nghiên cứu xác định nguyên nhân gây bệnh do một dòng đặc biệt của Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, vi khuẩn này đã bị nhiễm bởi một loại thể thực khuẩn (phage) sống ký sinh nên sinh ra độc tố cực mạnh gây hội chứng AHPNS cho tôm nuôi, đồng thời vi khuẩn này không mang gen TDH (gen gây dung huyết trực tiếp đề kháng với nhiệt độ) có khả năng gây bệnh cho con người.

Để phòng chống bệnh Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS) có hiệu quả góp phần giảm thiệt hại cho người nuôi tôm biển trong thời gian tới, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản khuyến cáo một số biện pháp kỹ thuật sau:

 

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm:

- Tôm chậm lớn, bỏ ăn, bơi lờ đờ, tấp mé bờ hoặc chết đáy ở ao nuôi.

- Tôm bệnh có hiện tượng vỏ mềm, màu sắc cơ thể biến đổi.

- Gan tụy chuyển sang màu trắng đục hoặc xanh nhạt.

- Gan tụy teo nhỏ và dai.

- Xuất hiện bọt khí trong gan tụy và dạ dầy.

- Phần tiếp giáp giữa gan tụy và dạ dày đổi sang màu vàng nhạt sau đó chuyển sang màu trắng đục hoặc xanh nhạt.

- Dịch bệnh AHPNS thường xảy ra trong vòng 30 ngày sau khi thả tôm cho dù ao mới được cải tạo, tỷ lệ chết có thể vượt 70%.

2. Một số giải pháp chính trong phòng chống bệnh Hội chứng AHPNS:

- Kéo dài thời gian giữa 2 vụ liền kề (ít nhất là 30 ngày) hoặc chuyển sang nuôi các đối tượng khác để cắt đứt vòng đời của tác nhân gây bệnh.

- Người dân nên mua tôm giống từ các trại giống uy tín, đảm bảo chất lượng, được kiểm dịch của cơ quan chức năng; trước khi thả nuôi nên đem tôm giống kiểm tra bằng phương pháp PCR để xác định tôm không bị nhiễm mầm bệnh nguy hiểm. Tuyệt đối không mua con giống trôi nổi, không qua kiểm dịch để thả nuôi.

- Thả đúng mật độ không thả quá dày so với điều kiện đầu tư và kinh nghiệm của người nuôi (tôm chân trắng thả từ 60-80 con/m2; tôm sú thả từ 20-25 con/m2).

- Thức ăn phải đảm bảo đủ chất lượng cũng như số lượng khi cho tôm ăn, không nên cho ăn thừa. Không nên sử dụng thức ăn hết hạn sử dụng hoặc bị mốc để cho tôm ăn. Trong khẩu phần ăn của tôm cần bổ sung thêm Vitamin C, khoáng chất, Beta glucan… để tăng sức đề kháng cho tôm.

- Chú ý sử dụng chế phẩm vi sinh, cần sử dụng đúng cách và chọn sản phẩm có uy tín và chất lượng; Khuyến khích sử dụng các chế phẩm nâng cao sức đề kháng của tôm, hạn chế thấp nhất việc sử dụng kháng sinh.

- Việc sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học,…trong nuôi thủy sản phải nằm trong danh mục được phép lưu hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi như: pH (kiểm tra 02 lần/ngày, vào lúc 6 giờ sáng và 14 giờ chiều); độ kiềm (định kỳ 7-10 ngày kiểm tra/lần); NH3, ôxy hòa tan, mật độ tảo (định kỳ 3 ngày kiểm tra/lần cần điều chỉnh trong ngưỡng thích hợp nhất, đặc biệt là mật độ tảo (màu nước) cần giữ ổn định trong suốt thời gian nuôi tránh hiện tiện tảo bị nở hoa; cần duy trì hàm lượng Oxy hoà tan trên 3-4ppm gần khu vực gôm chất thải ở đáy ao

- Hàng ngày thường xuyên theo dõi kiểm tra sức khoẻ tôm nuôi, nếu phát hiện dấu hiệu bệnh cần xử lý sớm và kịp thời.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính, đề nghị các tổ chức, hộ nuôi tôm biển thường xuyên theo dõi quá trình nuôi tôm và vận dụng tốt các nội dung khuyến cáo trên.

Tags: phong dich benh, benh hoi tu gan tuy, nuoi tom


Có thể bạn quan tâm

mot-so-giai-phap-nham-han-che-dich-benh-tren-tom-bien-nuoi Một số giải pháp nhằm… benh-dom-trang-wssv-tren-tom-bien-giai-phap-phong-chong-dich-benh Bệnh đốm trắng (WSSV) trên…