Mô hình kinh tế Kiểm soát chặt tôm nguyên liệu nhập khẩu

Kiểm soát chặt tôm nguyên liệu nhập khẩu

Ngày đăng 23/09/2015

Việt Nam thường xuyên phải nhập khẩu lượng tôm nguyên liệu nhất định để chế biến, xuất khẩu.

Về kết quả xét nghiệm đối với tôm nguyên liệu đông lạnh nhập khẩu để gia công xuất khẩu, trong tháng 8, cơ quan Thú y cửa khẩu lấy mẫu giám sát 100% các lô hàng nhập khẩu của 13 Công ty ở Ấn Độ, phát hiện 6 mẫu dương tính với mầm bệnh đốm trắng (gồm có 4 mẫu tôm thẻ và 2 mẫu tôm sú).

Liên quan tới kết quả kiểm tra sản phẩm thủy sản nhập khẩu để tiêu thụ trong nước, cơ quan Thú y cửa khẩu lấy mẫu 100% lô hàng sản phẩm thủy sản đông lạnh nhập khẩu để xét nghiệm các chỉ tiêu cảm quan, vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm, chất tồn dư.

Kết quả phát hiện thấy có 2 lô mực đông lạnh có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc) có chất tồn dư kim loại nặng (Cadimi) vượt quá giới hạn cho phép.

Trước tình trạng trên, từ 21-9 đến 25-9, đoàn công tác của Cục Thú y sẽ sang Ấn Độ làm việc với cơ quan thú y có thẩm quyền để kiểm tra việc nuôi, chế biến tôm nguyên liệu xuất khẩu sang Việt Nam.

Đồng thời liên hệ, trao đổi với các nước: Indonesia, Nhật Bản, Ecuador, Iran, Malaysia, Thái Lan... để tổ chức các đoàn thanh tra sang kiểm tra vào các tháng tiếp theo. Việc kiểm tra sẽ kết hợp cả việc kiểm tra các cơ sở sản xuất giống thủy sản (tôm giống, cá giống,..) xuất khẩu vào Việt Nam.

Cục Thú y cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường tần suất và số lượng mẫu kiểm tra, giám sát các mầm bệnh truyền nhiễm và chất tồn dư nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, tránh ảnh hưởng đến uy tín và giá thành đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam.

Đồng thời, Cục Thú y cũng đề nghị các nước xuất khẩu tổ chức kiểm soát chặt chẽ về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và dịch bệnh thủy sản đối với các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm thủy sản và thủy sản giống có các lô hàng nhiễm mầm bệnh và có chất tồn dư vượt quá giới hạn cho phép để thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý theo quy định. 

Cục Thú y cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, đối với tôm nguyên liệu và sản phẩm thủy sản khác nhập khẩu để gia công xuất khẩu bị nhiễm bệnh, chất tồn dư, tăng tần suất lấy mẫu từ các nhà máy chế biến để kiểm tra các chỉ tiêu mầm bệnh, chất tồn dư… Nếu tiếp tục vi phạm sẽ thông báo tạm ngừng nhập khẩu vào Việt Nam để gia công chế biến xuất khẩu.

Đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu để tiêu thụ trong nước bị nhiễm vi sinh gây ô nhiễm thực phẩm, chất tồn dư tăng tần suất lấy mẫu từ các nhà máy chế biến để kiểm tra các chỉ tiêu mầm bệnh, chất tồn dư… Nếu tiếp tục vi phạm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ đưa ra khỏi danh sách được phép xuất khẩu vào Việt Nam.


Có thể bạn quan tâm

khoi-to-vu-an-ha-doc-vuon-nho-1-300-goc Khởi tố vụ án hạ… gia-ca-phe-trong-nuoc-ngay-22-09-2015-giam-500-ngan-dong-tan Giá cà phê trong nước…