Nuôi gà Kiểm soát ký sinh trùng gây bệnh trên gà

Kiểm soát ký sinh trùng gây bệnh trên gà

Tác giả Diệu Châu - Theo Dbcagproducts, ngày đăng 09/04/2019

Ký sinh trùng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến gà, đặc biệt đối với giai đoạn đẻ trứng, khi mà phần lớn số trứng không sử dụng được.

Tại sao cần quan tâm?

Ký sinh trùng có thể gây ra sự tăng trưởng kém, giảm sản lượng trứng và trong các trường hợp nặng, gây tử vong. Các ký sinh trùng tồn tại bên trong cũng có thể làm cho đàn gà dễ bị bệnh hoặc khiến các bệnh trở nên tồi tệ hơn. Côn trùng, bọ xít, châu chấu, kiến, giun đất là những môi trường mà trứng ký sinh trùng tồn tại, từ đó, gà có khả năng nhiễm bệnh khi ăn phải các loài động vật này. Dấu hiệu nhận biết ký sinh trùng gây bệnh là gà có biểu hiện tách đàn, thường xuyên có xu hướng một mình. Khi xuất hiện ký sinh trùng bên trong cơ thể, gà có triệu chứng như: Mất cảm giác thèm ăn, cơ thể gầy đi, phân lưu nước; Chất lượng lông kém mượt… Mặc dù không thể hạn chế được hoàn toàn ký sinh trùng gây bệnh, tuy nhiên, việc quản lý chặt chẽ có thể giúp hạn chế được phần nào hậu quả.

Một số biện pháp kiểm soát

Nhiễm ký sinh trùng có thể gây hậu quả nghiêm trọng, vì vậy tăng cường chủ động trong công tác quản lý là biện pháp hữu hiệu nhất. Dưới đây là 9 biện pháp giúp gà khỏe mạnh và không bị ảnh hưởng từ ký sinh trùng.

Tránh quá tải: Khu vực chuồng nuôi phải thoáng mát, có nhiều diện tích trống để gia cầm được thoải mái đi lại. Tình trạng quá tải có thể gây ra nhiều mầm bệnh trong một khu vực nhỏ.

Vệ sinh chuồng trại ít nhất 1 tuần/lần: Làm sạch và bổ sung chất độn chuồng để tránh mầm bệnh tích tụ và có cơ hội phát sinh.

Tránh đưa gà bị nhiễm vào đàn: Tốt nhất nên mua gà con mới nở để nuôi. Nếu mua gà trưởng thành, cần phải có thời gian kiểm dịch ít nhất hai tuần để theo dõi sức khỏe nhằm đánh giá khả năng đề kháng và sự xuất hiện các triệu chứng do ký sinh trùng gây ra.

Tránh cho ăn trên mặt đất: Gà sẽ phải dùng miệng mổ và xử lý thức ăn, điều này sẽ làm tăng nguy cơ gà ăn phải các côn trùng có chứa ký sinh trùng trên mặt đất hoặc phân từ các con chim bị ô nhiễm thải xuống.

Kiểm soát gà khi ở những vùng đất mới: Gà rất thích ăn côn trùng, có xu hướng cày xới đất để tìm kiếm thức ăn. Những vùng đất mới thường sử dụng để trồng trọt có nhiều côn trùng chứa trứng ký sinh trùng. Vì vậy, cần giữ cho đàn gà hạn chế đến những khu vực đất trồng trọt.

Tránh các loài chim hoang dã: Những con chim hoang dã có thể bị nhiễm ký sinh trùng và phát tán trứng ký sinh qua phân của chúng, gà ăn phải nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Sử dụng các biện pháp quản lý tổng hợp (IPM) để kiểm soát quần thể côn trùng: Thực tiễn IPM là một biện pháp quản lý địch hại căn cứ vào môi trường và các điều kiện sinh thái cụ thể nhằm loại bỏ hoặc kiểm soát các yếu tố cần thiết cho địch hại để tồn tại.

Kiểm tra và khử trùng nước uống: Một con gà ốm có thể lây nhiễm cho các con khác trong đàn chỉ đơn giản bằng cách qua nguồn nước ô nhiễm. Cần thường xuyên kiểm tra, định kỳ sử dụng sản phẩm để khử trùng nước, giữ nước và thức ăn luôn đảm bảo được sạch sẽ để giúp kiểm soát hoặc giảm nguy cơ lây lan bệnh.

Vật chủ giun: Sử dụng các sản phẩm tự nhiên cải thiện đường ruột của gà, nhằm phá vỡ sự phòng vệ của giun. Ðiều này làm cho ký sinh trùng dễ bị tấn công bởi hệ thống miễn dịch của gà.

Ngăn ngừa bệnh trước khi điều trị là chiến lược tốt nhất để hỗ trợ hệ thống miễn dịch của gà, hạn chế được các dịch vụ thú y tốn kém và hơn hết là duy trì một đàn gà khỏe mạnh.


Có thể bạn quan tâm

anh-huong-cua-nhiet-do-ap-den-ga-nuoi Ảnh hưởng của nhiệt độ… tiem-nang-sinh-truong-va-chat-luong-thit-cua-ga-h-mong Tiềm năng sinh trưởng và…