Tin thủy sản Kinh nghiệm chuyển đổi từ làm muối sang nuôi Artemia

Kinh nghiệm chuyển đổi từ làm muối sang nuôi Artemia

Tác giả Đức Khoa, ngày đăng 06/04/2020

Nghề nuôi Artemia được xem là mô hình thích hợp cho ngư, diêm dân vì đây là mô hình nuôi với chi phí thấp nên lợi nhuận đạt khá cao.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 5 hợp tác xã đang hoạt động sản xuất trong lĩnh vực nuôi Artemia với tổng diện tích nuôi Artemia tính đến đầu năm 2020 là 310 ha. Đa phần người dân tham gia sản xuất Artemia là người thiếu vốn sản xuất (dân nghèo, diêm dân sản xuất muối hoặc người nuôi tôm thất bại nhiều vụ chuyển sang nuôi Artemia.

Với năng suất dao động từ 70 – 150 kg/ha, giá thành sản phẩm của trứng Artemia được doanh nghiệp thu mua tại ao nuôi từ 1.100.000 đồng – 1.200.000 đồng/kg trứng tươi. Theo đánh giá thực tế thì sau mỗi vụ nuôi Artemia kéo dài từ 5-6 tháng người nuôi sẽ lãi ròng từ 70.000.000 đồng/ha – 100.000.000 đồng/ha. Do giá sản phẩm khá luôn ổn định ở mức cao, đầu ra được doanh nghiệp liên kết bao tiêu, người dân rất quan tâm đầu tư, tuân thủ đúng qui trình kỹ thuât vào nghề sản xuất Artemia cùng với vốn lao động cần, chịu khó thì ắt sẽ thành công.

Để mô hình nuôi này có thể nâng cao năng suất trong vụ mùa năm 2020 và những năm tiếp theo thì người nuôi Artemia cần quan tâm đến một số giải pháp cải tiến trong quy trình kỹ thuật sau:

- Theo dõi dự báo diễn biến thời tiết cũng như khuyến cáo lịch thời vụ sản xuất Artemia cụ thể hàng năm, thông thường bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 5 dương lịch hàng năm.

- Đối với công trình ao nuôi do người nuôi chủ yếu tận dụng những ruộng làm muối để sản xuất nên một số vùng nuôi hệ thống công trình ao nuôi chưa đáp ứng đúng theo yêu cầu kỹ thuật như bờ ao nhỏ, mực nước trong ao thấp (khoảng 40-50 cm tính từ dưới mương) nên trong điều kiện nắng nóng kéo dài sẽ làm nhiệt độ nước tăng cao gây ảnh hưởng đến sức đề kháng của Artemia, chính vì vậy người nuôi cần cải tạo ao nuôi đảm bảo ao nuôi không bị rò rỉ nước và mực nước tối thiểu trong ao nên dao động từ 80-120 cm tính từ dưới mương để tránh tình trạng dao động nhiệt độ giữa sáng và chiều chênh lệch quá cao. Bên cạnh đó để chủ động cung cấp nước cho các ao nuôi thì đối với diện tích nuôi 1 ha người nuôi cần phải thiết kế 1 ao trữ nước mặn có diện tích khoảng 3.000 m2 (độ mặn từ 70‰– 80‰), một kênh gây màu nước có diện tích khoảng 1.500 – 2.000 m2 để chủ động cung cấp thức ăn cho Artemia trong quá trình nuôi. Diện tích mỗi ao nuôi thích hợp từ 1.500 – 2.000 m2.

- Đối với mô hình nuôi Artemia thì việc chuẩn bị nước ao nuôi là một vấn đề quan trọng, do Artemia thích nghi tốt ở môi trường nước có độ mặn từ 80‰– 90‰, nên ngay từ đầu vụ người nuôi cần phải chuẩn bị nước mặn đúng theo yêu cầu kỹ thuật. Trước khi lấy nước vào ao nuôi người nuôi nên rải vôi CaO với liều lượng 20-30 kg/1000m2 để diệt ấu trùng địch hại, mầm rong và ổn định độ kiềm, pH...

- Bên cạnh đó, để tránh thiệt hại trong quá trình thả giống Artemia thì trước khi thả giống 7-10 ngày người nuôi cần phải thuốc cá bằng Saponine với liều lượng 10 kg/1000 m3 nước.

- Trước khi thả Artemia 3 ngày người nuôi cần phải gây màu nước bằng phân vô cơ (như Urê, NPK, DAP, Lân). Cách dùng: Ngâm 2 kg phân NPK + 2 kg kali + 2 kg phân lân/2000m2 trong 24 giờ và xử lý lúc 8-9 giờ. Có thể xử lý 2-3 lần đến khi tảo trong ao nuôi và ao gây màu phát triển tốt. Có thể kết hợp với phân hữu cơ: Sử dụng phân gà với liều lượng 5 - 7kg/2.000m2 để gây màu. Lưu ý chỉ gây màu bằng phân gà trong ao gây màu. Trường hợp những ao nuôi khó gây màu nước, ao có rong đáy có thể sử dụng hỗn hợp sau: 1kg bột đậu nành + 1 kg cám gạo + 0,5 kg bột cá, sử dụng cho 2.000m2. Hỗn hợp trên được nấu chín ủ qua đêm và hoà nước tạt đều khắp ao vào sáng hôm sau kết hợp với bừa trục mặt trảng. Lặp lại 2-3 lần cho đến khi nước có màu ổn định.

- Hiện nay nguồn giống Artemia trên thị trường rất nhiều nhưng theo sản xuất thực tế người dân nuôi Artemia trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang sử dụng nguồn giống tại địa phương do HTX Artemia Bạc Liêu – Vĩnh Châu cung cấp. Thông thường với ao nuôi 2.000 m2 người nuôi sẽ ấp khoảng 180 gram trứng Artemia khô (Ấp 5 gram trứng/lít nước độ mặn 30-35‰). Trong quá trình ấp trứng có chạy oxy và treo đèn huỳnh quang để trứng nở tốt. Trứng sau khi ấp khoảng 18 giờ - 20 giờ thì trứng nở hoàn toàn và có thể đem thả xuống ao lúc 9 – 10 giờ. Lưu ý khi vận chuyển giống đến nơi thả nếu trên 10 phút thì phải đóng bọc oxy để tránh tình trạng con giống bị thiếu oxy dẫn đến hao hụt.

- Sau khi thả giống từ 15 – 17 ngày thì Artemia sẽ bắt đầu bắt cặp và đẻ trứng nên cần cắm tàu dừa khô ở 2 góc cuối gió trong ao nuôi, để tránh trứng bị gió, sóng đánh văng lên bờ và giảm hao hụt cũng như thuận tiện trong việc thu hoạch trứng. Để tăng sản lượng trứng và ổn định sức khỏe của Artemia thì trong quá trình nuôi Artemia người nuôi cần lưu ý khi cho ăn nếu có sử dụng phân gà thì liều lượng tùy thuộc tình trạng ao, thông thường khoảng 5-7kg/2.000m2/ngày (nên xử lý phân gà trong ao gây màu), tuy nhiên không nên sử dụng nhiều vì dễ gây ô nhiễm môi trường ao nuôi.

- Có thể kết hợp sử dụng thức ăn công nghiệp số 0 của tôm thẻ chân trắng cho Artemia ăn với liều lượng 1kg/ ao 2.000 m2/ ngày hoặc có thể ủ 2 kg cám + vi sinh + 3 lít mật đường + 15 lít nước ( ủ 24 giờ) cho ăn lúc 9 giờ sáng hàng ngày.  Nên sử dụng Yucca kết hợp với Zeolite định kỳ 7 ngày/lần, liều lượng mỗi loại sử dụng: 1 lít Yucca + 10 kg Zeoline/2.000 m2. Mục đích để hạn chế sự ô nhiễm hữu cơ trong ao nuôi. Để hạn chế sự phát triển của rong đáy, rong nhớt thì khoảng 3 ngày/lần bừa mặt trảng ao. (Trường hợp ao nuôi có màu tảo tốt không cần bừa để hạn chế sốc môi trường ao nuôi, khí độc bùn phát).

- Cấp nước hàng ngày từ ao gây màu để cung cấp thức ăn và tăng dần mực nước ao nuôi, lượng nước cấp tùy thuộc lượng nước và độ mặn ao nuôi, điều kiện thời tiết, nhiệt độ. Thông thường cấp 2 – 5 cm/ngày, nên cấp nước vào ao nuôi từ từ, tránh bơm trực tiếp hoặc cấp nhanh dễ gây sốc môi trường ảnh hưởng không tốt đến việc đẻ trứng của Artemia. Hạn chế tối đa việc cấp nước trực tiếp từ ngoài vào Artemia dễ bị sốc và chết do nguồn nước từ môi trường ngoài nguy cơ ô nhiễm cao. Nước có màu nâu hoặc xanh, độ trong dưới 15 cm là đạt yêu cầu và đảm bảo nguồn thức ăn cho Artemia.

Hiện nay, ở mô hình nuôi Artemia vấn đề dịch bệnh vẫn chưa được nghiên cứu chuyên sâu. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi thông thường Artemia sẽ gặp một số hiện tượng gây bất lợi như: Artemia bị đục thân, bám bẩn, Artemia chậm phát triển, Artemia có hiện tượng bám bờ, Artemia không đẻ trứng mà chỉ đẻ con… Để khắc phục các hiện tượng trên trong quá trình quản lý ao nuôi ngoài vấn đề quản lý tốt thức ăn, dinh dưỡng nên định kỳ 4-5 ngày/lần nên kiểm tra độ kiềm, độ pH, khí độc NO2… (độ kiềm thích hợp nhất từ 120 -180 ppm).

Nên sử dụng khoáng tạt loại chuyên dùng cho nuôi tôm sử dụng lúc 20-22 giờ (liều lượng theo khuyến cáo của từng sản phẩm, 4 ngày sử dụng/lần). Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao trên 38 độ nên sử dụng 5 kg Vitamin C tạt cho ao 2.000 m2 lúc 15  giờ. Khi Artemia có hiện tượng bám bờ vào buổi sáng nên sử dụng Oxy nguyên liệu với liều 2 kg/ 2.000 m2, chủ yếu tạt ngay bốn góc ao (vì Artemia chủ yếu tập trung nhiều ở 4 góc ao). Ngoài ra trong quá trình Artemia bắt cặp sẽ thường làm cho nước ao nuôi bị đục, nên sử dụng vôi CaCO3 với liều lượng 25 kg/ 2.000m2 rải sống khắp ao lúc 9 giờ sáng kết hợp vi sinh để phân hủy mùn bả hữu cơ cho ao nuôi.

Tóm lại, mô hình nuôi Artemia là mô hình phát triển ổn định, tính bền vững khá cao và thân thiện với môi trường nên trong thời gian tới người nuôi tiếp tục thực hiện các giải pháp kỹ thuật cải tiến trên nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu , ổn định và nâng dần năng suất trứng và hiệu quả kinh tế cao cho mô hình nuôi Artemia, giúp dân cư vùng ven biển của tỉnh Bạc Liêu vươn lê làm giàu chính trên quê hương mình


Có thể bạn quan tâm

tang-mui-vi-thuc-an-tu-chat-thai-con-trung Tăng mùi vị thức ăn… phu-gia-giam-thieu-stress-tren-ca-hoi-van Phụ gia giảm thiểu stress…