Mô hình kinh tế Kinh tế tập thể chuyển biến tích cực

Kinh tế tập thể chuyển biến tích cực

Ngày đăng 24/09/2015

Theo Ban Kinh tế Trung ương, sau 3 năm thực hiện Kết luận số 56 của Bộ Chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tổ chức học tập, quán triệt và tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển KTTT.

Kết quả, KTTT ngày càng phát triển với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, nâng cao thu nhập của thành viên.

HTX Đá Bình Đê (Hoài Nhơn) là một trong những điển hình tiên tiến của lĩnh vực KTTT trên địa bàn tỉnh.

 Sản xuất gạch không nung tại HTX Đá Bình Đê. 

Đến nay, cả nước có gần 143 ngàn tổ hợp tác, 18.837 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), giao thông vận tải, xây dựng, Quỹ TDND... Trong đó trên 36% HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt loại khá, giỏi; trên 49% đạt trung bình; 14,8% yếu kém. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng của khu vực HTX đạt khoảng 3,3 - 3,5%; tổng doanh thu đạt 26.400 tỉ đồng (tăng 2.460 tỉ đồng so với 2013)…

Tại Bình Định, theo Liên minh HTX tỉnh, sau 3 năm thực hiện Kết luận số 56, KTTT đã từng bước được củng cố và phát triển, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 208 HTX, trong đó có 155 HTXNN, 1 HTX chăn nuôi bò sữa, 27 Quỹ TDND, 6 HTX CN-TTCN, 1 HTX thương mại, 16 HTX giao thông vận tải, 1 HTX thủy sản, 1 HTX lâm nghiệp với tổng số 567.166 xã viên, tổng vốn hoạt động 1.681 tỉ đồng. Có 54% HTX đạt loại khá, giỏi; 36,3% HTX trung bình; số HTX yếu kém giảm dưới 10%. 

Ông Ngô Thanh Lý, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Qua thực hiện Kết luận số 56 của Bộ Chính trị, các HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, biết lựa chọn hướng đi phù hợp để sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Đặc biệt, khi Luật HTX 2012 có hiệu lực thi hành (từ ngày 1.7.2013) nhiều HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012, bộ máy quản lý được tinh gọn, trình độ chuyên môn và năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ HTX được nâng cao.

Nhiều HTX đã mạnh dạn phát triển thêm các dịch vụ, tổ chức liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân theo mô hình liên kết chuỗi, mang lại hiệu quả cao.

Nhiều HTX cũng đã đi đầu trong công tác xây dựng nông thôn mới, thực hiện các dịch vụ phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện cho xã viên sản xuất thuận lợi, hiệu quả, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn.


Có thể bạn quan tâm

dong-bang-song-cuu-long-tich-cuc-phong-tri-benh-hai-tren-cay-an-trai Đồng bằng sông Cửu Long… xay-dụng-chuõi-lien-két-dẻ-phát-triẻn-chan-nuoi Xây dựng chuỗi liên kết…