Mô hình kinh tế Krông Nô (Đắk Nông) Tập Trung Cải Tạo, Nâng Cao Chất Lượng Đàn Bò

Krông Nô (Đắk Nông) Tập Trung Cải Tạo, Nâng Cao Chất Lượng Đàn Bò

Ngày đăng 21/10/2014

Là địa phương có lợi thế về mặt đất đai, nguồn lao động, thời gian qua, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã tập trung triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi nâng cao chất lượng đàn bò, phát triển kinh tế một cách có hiệu quả.

Theo đó, các ngành chuyên môn đã đầu tư bò đực giống lai Brahmand, lai Sin để cải tạo đàn bò thịt; đồng thời, quy hoạch lại đồng cỏ, bãi chăn thả bò và vận động nhân dân chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cỏ phục vụ chăn nuôi bò; dự trữ, chế biến cỏ, rơm rạ, bổ sung thức ăn tinh để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho đàn bò lai v.v…

Bằng các biện pháp trên, đến nay, toàn huyện đã phát triển được đàn bò gần 3000 con, với tỷ lệ bò lai đạt trên 50%; trong đó, có 1.774 con bò cái sinh sản. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, trong số 890 bê sinh ra trên địa bàn huyện thì đã có tới 400 bê lai.

Qua đánh giá, việc cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò có ý nghĩa rất lớn trong việc khai thác tốt tiềm năng về đất đai, khí hậu của địa phương, mang lại hiệu quả sản xuất do tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp. Tại các vùng đất nghèo chất dinh dưỡng, không trồng được những loại cây có hiệu quả kinh tế cao thì có thể chuyển sang trồng cỏ nuôi bò để mang lại lợi nhuận cao hơn.

Thông qua việc phát triển đàn bò giống, bò lai Sin, bò Brahman để xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Riêng đối với nông dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thì chăn nuôi bò được xem là biện pháp phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, tận dụng được công lao động, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Mục tiêu của huyện đặt ra là phấn đấu đến cuối năm 2015, phát triển được đàn bò có quy mô 4.600 con, với tỷ lệ bò lai đạt từ 85% - 95%; đảm bảo toàn bộ số bò cái nền được phối giống bằng bò đực giống có nguồn gốc rõ ràng, tỷ lệ máu lai cao.

Với việc hình thành được hệ thống cung ứng vật tư, dịch vụ kỹ thuật từ huyện đến cơ sở cũng như các hộ chăn nuôi bò đều nắm vững được các kỹ thuật cơ bản là cơ sở để huyện có thể đạt được mục tiêu, kế hoạch đặt ra, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân.


Có thể bạn quan tâm

nhung-hai-vuong-thanh-cong-trong-san-xuat-lua Những “Hai Vuông” Thành Công… huyen-tuy-an-phu-yen-hoi-thao-dau-bo-mo-hinh-nuoi-nai-quy-mo-ho-gia-dinh Huyện Tuy An (Phú Yên)…