Tin nông nghiệp Kỹ sư nuôi ong ở Cam Thủy

Kỹ sư nuôi ong ở Cam Thủy

Tác giả ĐỨC VIỆT-NGỌC DŨNG, ngày đăng 02/07/2016

Phải rất nhiều lần dò hỏi đường rồi liên lạc qua điện thoại chúng môi mới gặp được anh Hiển. Bởi thời điểm này anh hầu như bận suốt ngày khi các gia đình nuôi ong trên địa bàn xã Cam Thủy liên tục gọi điện thoại nhờ anh đến quay mật, tách đàn hay điều trị bệnh cho ong… Vừa gặp chúng tôi được vài phút, anh Hiển lại có cuộc điện thoại của người quen trong xã nhờ đến lấy mật ong. Khoác vội bộ áo quần dày cộp cùng vài dụng cụ bảo hộ thô sơ, thêm chiếc thùng quay mật chuyên dụng, anh Hiển cùng chúng tôi lên đường đến thôn Tân Xuân.

Vừa đi, anh Hiển vừa tranh thủ trò chuyện với chúng tôi: “Thời điểm này là cao điểm của mùa ong làm mật nên hầu như ngày nào cũng có gia đình gọi đến nhờ tôi lấy mật. Ở xã có khoảng 50 hộ gia đình mới nuôi ong nên quả thật việc làm không xuể, đó là chưa kể những hộ nuôi ong ở các vùng lân cận”.

Anh kể, cơ duyên đến với nghề nuôi ong của anh cũng xuất phát từ người anh trai ruột tên Hoàng Văn Quang. Anh Quang vốn là một người thành thạo về nghề nuôi ong ở địa phương. Những lần theo anh trai rong ruổi khắp các cánh rừng để hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc đàn ong cho người dân đã dấy lên trong chàng thanh niên trẻ này niềm đam mê với con ong. Cách đây hơn 2 năm, được người anh trai chỉ dẫn, anh Hiển ra huyện Lệ Thủy, Quảng Bình để học nghề nuôi ong với người thầy tên Thạc- người nổi tiếng trong giới nuôi ong rừng với 30 năm kinh nghiệm. Lĩnh hội được những kinh nghiệm quý báu từ người thầy này, cộng với sự tích cực tìm tòi, nghiên cứu trên tivi, sách báo, anh đã nhanh chóng trở thành một người thầy, người “kỹ sư nuôi ong” thực thụ. Nhiều lần anh vinh dự được làm “trợ giảng” cho thầy Thạc khi về cơ sở truyền nghề cho các hộ dân nuôi ong ở nhiều địa phương.

Băng qua con đường sỏi dưới những tán rừng cao su, rừng tràm xanh mướt, chúng tôi đến gia đình anh Nguyễn Văn Chiếm ở thôn Tân Xuân. Lúc này vợ chồng anh Chiếm đã chuẩn bị sẵn hàng chục chiếc chai rỗng đã rửa sạch để chờ lấy mật. Nhanh chóng mặc trang phục bảo hộ, anh Hiển với sự trợ giúp của anh Chiếm bắt đầu lấy mật.

Với kỹ năng thành thạo, chỉ trong khoảng hơn nửa giờ, anh Hiển đã hoàn thành việc lấy mật xong 8 hộp ong được đặt quanh vườn nhà của anh Chiếm. Anh Chiếm cho biết, đợt này gia đình anh thu được khoảng 15 chai mật (loại chai dung tích 700 ml), với giá bán mỗi chai từ 350.000- 400.000 đồng, cũng thu về được trên 6 triệu đồng.

“Từ đầu năm 2016 đến nay tôi đã lấy mật được 3 đợt, mật của các hộ dân ở Cam Thủy chúng tôi là loại mật của ong ruồi nên bán rất chạy với giá thành cao nên cũng có thêm nguồn thu nhập khá để trang trải cuộc sống. Tôi mới nuôi ong nên còn bỡ ngỡ, cũng may có chú Hiển chỉ dẫn.

Chú ấy dù còn trẻ nhưng là người thành thạo nghề nhất, lại giỏi kỹ thuật, có nhiều kinh nghiệm về nuôi ong nên hầu như gia đình nào cũng tin tưởng. Thông qua sự hướng dẫn nhiệt tình của chú ấy mà đến nay tôi cũng đã biết sơ các kỹ thuật chăm sóc cho đàn ong”, anh Chiếm vui vẻ nói.

Anh Hiển cho biết thêm, tại xã Cam Thủy hiện nay chủ yếu nuôi loại ong ruồi (còn gọi là ong nội) chứ không phải loại ong ngoại (chủ yếu ong nhập từ Italia). Khác với ong ngoại thường được người nuôi cho ăn thêm đường, sữa, ong ruồi chủ yếu đi ăn mật hoa, phấn hoa tự nhiên nên cho mật chất lượng rất tốt.

Ong ruồi còn giúp thụ phấn hiệu quả cho một số loại hoa màu, cây ăn quả, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Giá mật ong ruồi hiện nay cũng cao gấp cả chục lần ong ngoại (bán tại địa phương dao động từ 500.000 - 550.000 đồng/lít).

“Chất lượng mật ong ruồi nuôi thậm chí còn tốt hơn cả mật ong tự nhiên lấy từ rừng. Bởi việc thu mật ong ruồi nuôi luôn đúng thời điểm trong khi ong rừng tự nhiên người ta thường lấy bất kể lúc nào và vắt bằng tay nên thường bị lẫn tạp chất, dẫn đến nhanh bị hỏng, giảm chất lượng”, anh Hiển lý giải thêm.

Với kiến thức, kinh nghiệm của mình, anh Hiển đã giúp cho hàng chục hộ nuôi ong ở Cam Thủy nắm vững kỹ thuật nuôi ong, cách phòng trị bệnh, thuần hóa đàn ong ruồi trong tự nhiên để nhân đàn, tách đàn. Ngoài ra, với kiến thức, kinh nghiệm đã được học hỏi và áp dụng hiệu quả trong thực tế, anh cùng với anh trai của mình đã biên soạn được tập cẩm nang nuôi một số loại ong để cung cấp cho người nuôi ong học hỏi. Cũng từ sự truyền nghề đầy nhiệt huyết này mà đến nay hàng chục hộ nuôi ong ở xã Cam Thủy cũng như các vùng lân cận đã tự tin, mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi ong để kiếm thêm nguồn thu nhập.


Có thể bạn quan tâm

vai-duoc-mua-ngon-ngot-nho-bon-phan-lam-thao Vải được mùa, ngon, ngọt… vi-sao-nong-nghiep-tang-truong-am Vì sao nông nghiệp tăng…