Tin nông nghiệp Kỹ thuật bón phân cho cây khoai mì

Kỹ thuật bón phân cho cây khoai mì

Tác giả NuoiTrong123, ngày đăng 25/06/2018

Cây khoai mì còn có tên gọi khác là cây sắn. Khoai mì không kén đất, song đất thích hợp là loại đất nhẹ tơi xốp và thoát nước tốt, pH 4,5-7,5.

Nông dân buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh (Phú Yên) trồng sắn. Ảnh: Thế Lập – TTXVN

1. Đặc điểm:

Các giống khoai mì được trồng phổ biến hiện nay như: KM.60, KM.94, KM.95, HL.23, HL.24. Giống KM.60, KM.95 cho năng suất cao hơn các giống địa phương đã góp phần quan trọng đưa năng suất khoai mì trong những năm gần đây tăng lên rõ rệt.

+ Giống KM.60: Giống nhập nội từ CIAT – Thái Lan. Thời gian thu hoạch 6-9 tháng. Năng suất củ tươi 27-35 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 27-29%.

+ Giống KM.94: Giống nhập từ CIAT – Thái Lan. Thời gian thu hoạch 7-12 tháng. Năng suất củ tươi 30-40 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 23-27%.

+ Giống KM.95: Giống lai do Trung tâm Nghiên cứu Hưng Lộc (Đồng Nai) chọn lộc. Thời gian thu hoạch 5-7 tháng. Năng suất củ tươi 40 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 25,5%.

2. Nhu cầu dinh dưỡng:

+ Đạm (N): Là nguyên tố cấu thành (protein) để cây phát triển thân, cành, lá giúp cho khoai mì đạt năng suất cao. Giai đoạn ra cành, lá cây cần nhiều đạm nhất, thiếu đạm cây sinh trưởng chậm, cây thấp, lá vàng, củ ít và lá nhỏ. Tuy nhiên, nếu cung cấp đạm quá mức cây sinh trưởng tốt nhưng năng suất và hàm lượng tinh bột giảm. Dư đạm cũng làm tăng hàm lượng axit trong củ.

+ Lân (P): Nhu cầu chất lân của cây khoai mì thấp hơn một số cây trồng khác do rễ khoai mì có loài nấm mycorrhyze ở hệ rễ, phân giải lân trong đất giúp cho cây hút được dễ dàng. Đất nghèo lân nếu cung cấp lân với lượng vừa phải sẽ làm tăng năng suất và hàm lượng tinh bột trong củ. Thiếu lân có triệu chứng gần giống như thiếu đạm.

+ Kali (K): So với đạm và lân, khoai mì có nhu cầu chất kali cao nhất. Kali giúp cây tăng cường hấp thu và tổng hợp đạm, làm tăng năng suất và chất lượng củ. Thiếu kali cây kém phát triển, lá già vàng và rìa lá gần đầu lá có màu nâu, nhưng bón thừa kali làm hạn chế hấp thu magiê dẫn đến thiếu magiê trong lá làm giảm năng suất.

+ Canxi (Ca) và Manhê (Mg): Có vai trò quan trọng đối với khoai mì, đặc biệt khi trồng trên đất chua, phèn. Trong trường hợp này, canxi được cung cấp với vai trò vừa là chất dinh dưỡng, vừa trung hòa độ chua của đất, tạo ra pH đất thích hợp hơn cho sự sinh trưởng của cây.

+ Lưu huỳnh (S): Cần thiết cho cây khoai mì tổng hợp các acid amin chứa lưu huỳnh. Sự thiếu lưu huỳnh dễ xảy ra khi bón nhiều kali. Ngoài ra, khoai mì cũng cần các chất vi lượng như sắt, đồng, kẽm, bo.

3. Bón phân:

Để thuận lợi trong bón phân, Công ty Phân bón Bình Điền đã sản xuất phân chuyên dùng Đầu Trâu khoai mì chứa: 16% N, 10% P2O5, 16% K2O, 2% CaO, 1,0% MgO và vi lương (TE), phù hợp cho cây khoai mì dùng để bón lót và bón thúc. Đầu Trâu khoai mì có tác dụng thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển cây, tăng năng suất và hàm lượng tinh bột đồng thời nâng cao độ phì nhiêu của đất. Quy trình sử dụng phân bón cho ha khoai mì như sau:

+ Bón lót (khi làm đất lần cuối hay bón vào hốc trước khi trồng): 10-15 tấn phân hữu cơ đã qua ủ + 200 – 300 kg Đầu Trâu khoai mì.

+ Bón thúc 1 khi cây mọc đều (khoảng 15 – 20 ngày sau trồng): 300 – 400 kg Đầu Trâu khoai mì.

+ Bón thúc 2 (khi củ bắt đầu phát triển): 200 – 300 kg Đầu Trâu khoai mì.

4. Thu hoạch:

Nên thu hoạch đúng thời kỳ, nếu quá sớm ít tinh bột và đường, nếu quá muộn sẽ tiêu hao chất khô trong củ.


Có thể bạn quan tâm

ap-dung-thu-tinh-nhan-tao-trong-nhan-giong-ga-dong-tao-lai-70-80-trieu-dong-thang Áp dụng thụ tinh nhân… huong-dan-trong-va-cham-soc-dau-ha-lan-tai-nha-cho-qua-sai Hướng dẫn trồng và chăm…